Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi đau ở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Bị cáo Công và Thành trước vành móng ngựa

Cuối tháng 5 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ giết hại dã man 5 phu trầm quê Quảng Bình. Phiên sơ thẩm kết thúc với mức án cao nhất dành cho hai bị cáo Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành. Kẻ thủ ác đã phải đền tội trước sự nghiêm minh của pháp luật. Nhưng điều làm nhiều người dự khán xót xa nhất có lẽ là giọt nước mắt của những đứa trẻ bỗng dưng trở thành mồ côi…
Những kẻ thủ ác đền tội
Theo cáo trạng, bị cáo Hồ Văn Công (39 tuổi), tên gọi khác là Pả Trí, quê quán thôn Tà Păng, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị (trước lúc bị bắt trú thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt, Hướng Hóa). Bị cáo Hồ Văn Thành (40 tuổi), tên gọi khác Pả Thục, quê quán xã Hướng Lập, Hướng Hóa (trước lúc bị bắt trú thôn Nguồn Rào, xã Hướng Sơn, Hướng Hóa). Hai kẻ thủ ác Công và Thành cùng với Hồ Văn Nguyên (30 tuổi, tên gọi khác La Khon, trú bản Ta Pông, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) do túng tiền ăn chơi bài bạc, rượu chè, lâm vào cảnh nợ nần đã nhẫn tâm lập kế hoạch giết hại dã man 5 người đi tìm trầm quê ở Quảng Bình vào tháng 3-2013, tại vùng rừng Lào giáp ranh với xã Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị.
Ngay từ sáng sớm, nghe tin phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ tìm trầm được mở, rất đông người dân đã có mặt chật kín hội trường. Sau thời gian khá dài kể từ ngày xảy ra vụ án nhưng nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai trên gương mặt những người thân bị hại, tội nhất là những đứa trẻ vừa ôm di ảnh cha, hai hàng nước mắt rưng rưng. Cháu Trương Thị Huyền Trang, con gái anh Trương Thanh Hiền – một trong 5 nạn nhân xấu số ngồi ôm di ảnh cha, hai hàng nước mắt thi nhau chảy dài. Trang nói không nên lời, từng tiếng đứt quãng: “Cứ mỗi chuyến ba mang ba lô vào rừng tìm trầm kiếm sống là mấy mẹ con em ở nhà ngóng đợi ngày ba trở về. Nhưng lần đi này và mãi về sau, em chỉ thấy ba qua di ảnh thôi…”. Cả khán phòng người dự khán dường như nín lặng khi đứa con gái 7 tuổi – Trần Thị Lệ Hằng – con của anh Trần Văn Trị thấy mẹ ôm di ảnh cha khóc ngất, cháu cất tiếng trong trẻo gọi ba rồi đưa tay sờ vào di ảnh. Nhìn con, chị Hòe, mẹ cháu dường như ngã khụy, chị tựa hẳn người vào thành ghế run run, nói không thành tiếng.
Nỗi đau không nguôi
Từng lời khai của bị cáo Hồ Văn Công như nhát dao cứa vào tim người thân của bị hại, người dự khán xót xa: “Bị cáo và bị cáo Thành dẫn từng người đến miệng hố và giết từng người một, nghĩ là giết hết luôn. Bị cáo Thành dùng tay đè đầu những người sắp bị giết, còn bị cáo dùng cây đánh vào phía sau đầu họ cho đến chết…”. Đó là tình tiết rùng rợn đã xảy ra cách đây tròn một năm rưỡi khi một nhóm 7 người đi tìm trầm, quê huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vào các vùng rừng núi xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) và Lào giáp với Hướng Lập để tìm kiếm trầm hương, với hi vọng kiếm chút tiền trang trải cho cuộc sống. Thế rồi giấc mơ cơm áo mưu sinh không thành khi cả nhóm không may bị những kẻ thủ ác Hồ Văn Công, Hồ Văn Thành và Hồ Văn Nguyên dùng súng AK khống chế, trói chặt tay chân để đòi tiền chuộc. Khi anh Hoàng Văn Hà được giao nhiệm vụ về lấy tiền chưa kịp trở lại thì chúng đã dã man giết hại cả 5 người còn lại, chỉ riêng anh Đỗ Văn Hiền may mắn trốn thoát.
Với các tội danh “Giết người”, “Cướp tài sản”, “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, HĐXX đã tuyên mức án cao nhất, cách ly khỏi cộng đồng hai bị cáo Công và Thành. Riêng bị cáo Hồ Văn Nguyên mang quốc tịch Lào nên sẽ được nước bạn xét xử theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, nỗi đau trên hẳn khó nguôi ngoai đối với những người mẹ mất con, vợ mất chồng và con bỗng dưng mất cha. Rồi đây, không chỉ cuộc sống của những đứa con bị hại mà chính cả những đứa con của bị cáo cũng gánh nỗi đau đời người khi vĩnh viễn không thể gặp lại cha mình và những bước đi trên đường đời không còn bóng hình cha dìu dắt… Nếu nghĩ được và nhìn thấy nỗi đau này trong ánh mắt của những đứa trẻ vô tội tại phiên tòa, hẳn là nỗi niềm trăn trở của các bị cáo trong những đêm dài khó ngủ  chờ thụ án cuối cùng. Và hẳn là bài học đắt giá cho những kẻ ăn chơi, coi thường sự nghiêm minh của luật pháp.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)

Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi đau ở lại…

Tạp Chí Giáo Dục

Bị cáo Nguyễn Văn T. trong giờ nghị án
“Cô gái kia rồi sẽ sống phần đời còn lại của mình ra sao với gương mặt như thế?”. Cả khán phòng im bặt. Câu hỏi của vị chủ tọa không chỉ dành cho bị cáo T. đang đứng trước vành móng ngựa mà còn như xoáy sâu vào tâm khảm của những người dự khán. T. cúi mặt. Sự hối hận của T. lúc này đã quá muộn màng…
Phiên tòa phúc thẩm của TAND TP.HCM xét xử bị cáo Nguyễn Văn T. (sinh năm 1978, trú tại huyện Nhà Bè, TP.HCM) diễn ra sáng ngày 8-3, ngày mà cả thế giới tôn vinh người phụ nữ. Có lẽ là ngẫu nhiên khi HĐXX chọn ngày này để phúc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” mà T. là tội phạm. Thế nhưng, điểm qua từng trang cáo trạng, tái hiện lại hình ảnh cô gái bị hại trong câu chuyện tình buồn ấy khiến chúng tôi, những người phụ nữ đang ngồi dưới khán phòng không tránh khỏi cái rùng mình pha lẫn niềm cảm thương.
Cuộc tình chưa kết thúc
T. có vợ và một người con vừa tròn 5 tuổi. Nhưng trước khi lập gia đình, T. đã có một tình yêu sâu đậm với cô gái tên Thủy (sinh năm 1982 tại tỉnh Long An). Họ gặp nhau trong những ngày Thủy rời quê lên TP.HCM lập nghiệp. Mối tình ấy kéo dài khá lâu nhưng chưa kịp đơm hoa kết trái thì Thủy từ biệt T., trở về quê sinh sống. Bẵng một thời gian, khi T. đang yên ổn, tạo dựng được một hạnh phúc khác cho riêng mình và mối tình ngày xưa ngỡ đã rơi trong lãng quên thì năm 2008, Thủy lại trở lên TP.HCM tìm người yêu cũ.
Cứ tưởng mọi chuyện chỉ còn là phép tính giản đơn nếu như người đàn ông là T. chủ động tự cách ngăn mình bằng một bức tường giới hạn – sự ràng buộc của cuộc hôn nhân trong hiện tại. Vậy mà, cảm xúc của những tháng năm yêu thương nhau, dù đã vùi chôn sau ba năm xa cách lại ùa về nguyên vẹn, kéo T. và Thủy xích lại gần nhau. Thủy không hay biết người cũ đã yên bề gia thất còn T. vì ích kỷ, vì tham lam không muốn mất người tình xưa nên cũng im lìm, giấu che sự thật.
Cho đến một ngày, Thủy phát hiện được người yêu đã có gia đình. Vì không muốn làm người thứ ba chen ngang vào cuộc hôn nhân của họ, Thủy chủ động nói lời chia tay. Buổi chiều định mệnh ấy rơi vào một ngày giữa tháng 12 năm 2009, Thủy hẹn T. đến quán cà phê để bàn việc chấm dứt sai lầm. Gặp T., Thủy trình bày về nỗi khổ tâm khi cô không muốn vì mình mà cuộc hôn nhân của T. đổ vỡ, vợ con T. nếu biết được mối quan hệ bất chính này sẽ đau khổ và oán hận cả hai. Lắng nghe Thủy tâm sự, thay vì tiếp thu, T. bỗng dưng… nổi giận và không chấp nhận lời đề nghị chia tay. Thấy Thủy vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, T. bất ngờ cầm chiếc ly sinh tố Thủy đang uống, đập thẳng vào mặt cô. Chưa hả dạ, T. tiếp tục nhặt phần thủy tinh vỡ, thẳng tay đâm vào mắt của người yêu…
Vết thương khá sâu, gương mặt xinh xắn của Thủy trở nên biến dạng, chằng chéo nhiều vết sẹo, khu vực vùng mắt bị rách da, vỡ nát nhãn cầu phải phẫu thuật múc bỏ mắt, thương tật lên đến 56% vĩnh viễn.
Những vết thương lòng
Mặc dù không oán trách người yêu, Thủy cũng đã làm đơn bãi nại cho T. trước khi cô về quê, sống cuộc đời khép kín với một nỗi đau không nguôi. Riêng T, dựa vào những tình tiết giảm nhẹ như thật thà khai báo, ăn năn hối hận và cha T. là người được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất… T. bị HĐXX sơ thẩm của TAND quận 7 tuyên phạt mức án 7 năm 6 tháng tù giam. Không bằng lòng, cho rằng mức phạt có phần quá nặng, T. kháng cáo xin giảm bớt hạn giam.
Ngày đến với phiên phúc thẩm, bị cáo T. không có một người thân đến dự. Người phụ nữ là vợ T., trong cả hai phiên tòa đều vắng mặt. Chị không dám đối diện với nỗi đau của chính mình, không dám lắng nghe câu chuyện giữa chồng mình với người con gái khác. Dù vậy, T. cho biết, trong những tháng ngày bị giam giữ, chị vẫn cùng con đến thăm chồng. Lòng bao dung của người vợ không muốn đánh mất gia đình cho chị sức mạnh để thứ tha, mở rộng vòng tay đợi ngày chồng trở lại.
Khi vị chủ tọa nói: “Sau bao nhiêu chuyện, bị cáo có tin hạnh phúc sẽ lại trọn vẹn như lúc trước? Vết thương trong lòng vợ bị cáo liệu có lành không? Tha thứ không có nghĩa là quên lãng. Cuộc sống gia đình, nếu không chung thủy, không tôn trọng nhau thì dù cuộc hôn nhân ấy có “lành” đi chăng nữa vết sẹo vẫn trăm năm còn đó!”. T. im lặng. Vị chủ tọa lại tiếp: “Và người con gái kia sẽ sống một cuộc sống như thế nào với gương mặt ấy. Bị cáo đã đánh phá nhan sắc của người ta đến không còn có thể hạnh phúc. Cô ấy sẽ ăn nói làm sao về vết thương trên gương mặt mình với người đời, với một người đàn ông nào đó đến sau này!”. Đôi mắt T. hoe đỏ. T. cho biết, trong những ngày thi hành án, T. đã không chịu nổi nỗi day dứt, lương tâm cắn rứt, nhưng mọi thứ giờ đã quá muộn…
Bài, ảnh: Tuyết Dân

Phiên tòa kết thúc, HĐXX quyết định vẫn giữ nguyên mức phạt, y án sơ thẩm dành cho T. Thời gian sẽ qua, nỗi đau nào rồi cũng nguôi quên, nhưng gương mặt biến dạng và cuộc sống khó bề trọn vẹn của cô gái bị hại khiến chúng tôi, những người dự khán đều chung một cảm giác xót lòng.