Hiện Hà Nội có 3.755 điểm dừng xe buýt nhưng số lượng điểm có nhà chờ chưa đến 10%. Hành khách đi xe buýt vẫn phải đứng dưới nắng – mưa đợi xe. Mới đây, Hà Nội dự kiến bổ sung 600 nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn Châu Âu với tổng vốn lên đến gần 1.000 tỉ đồng đang là thông tin tích cực được người dân chờ đón. Tuy nhiên đó mới chỉ là dự án, còn bao giờ có nhà chờ xe buýt tiện lợi, đúng tiêu chuẩn thì vẫn còn phải… chờ.
Ám ảnh điểm chờ xe buýt
Theo thống kê, hiện Hà Nội có 3.775 điểm dừng xe buýt (361 điểm có nhà chờ, chiếm tỉ lệ gần 10%). Trong đó, khu vực 12 quận nội thành có 1.329 điểm (340 điểm có nhà chờ, tỉ lệ trên 25%), khu vực ngoại thành gồm 2.446 điểm dừng (21 điểm có nhà chờ, tỉ lệ dưới 1%).
Tại điểm trung chuyển Cầu Giấy, phía sau nhà chờ xe buýt đã bị chiếm dụng trở thành nơi bán nước. Bên cạnh đó, một số điểm dừng đỗ xe buýt thường xuyên có xe ôm bắt khách, cản trở giao thông.
Là người thường xuyên sử dụng phương tiện xe buýt đi làm, anh Nguyễn Quang Hùng – nhân viên của một nhà hàng trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội – cho biết, thực tế cho thấy không phải tất cả các điểm dừng xe buýt đều có nhà chờ. Nhiều nơi chỉ có một cột biển báo. Điều này nhiều khi gây ra sự bất tiện cho người dân đi phương tiện này. “Mỗi lần chờ xe buýt cũng đến 10-15 phút mà dưới thời tiết nắng nóng gay gắt như những ngày này thật khủng khiếp. Giá mà có mái che, ghế ngồi thì hành khách đỡ vất vả hơn” – anh Hùng nói.
Không chỉ vậy, bạn Đinh Minh Hạnh (sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho biết thêm, ngoài việc điểm chờ không có mái che nên hành khách phải đội nắng, mưa khi chờ xe buýt, những điểm này không có đèn điện khiến hành khách từng bị quấy rối.
“Lúc đó là 21h, tôi đến đến điểm bắt xe buýt 39 trên đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy. Điểm xe buýt này có mái che, nhưng khá tối, le lói ánh đèn đường. Khi đang ngồi ghế chờ, có người đàn ông tiến đến, giơ tay để chạm vào váy của tôi. Tôi hét lên “anh làm cái gì đấy” thì hắn cười hềnh hệch xong bỏ đi. Vì vậy, tôi cho rằng những nhà chờ xe buýt có điện sáng sủa, kiên cố thì sẽ hạn chế được việc này” – Minh Hạnh kể.
Cần đảm bảo minh bạch
Tờ trình gửi UBND TP.Hà Nội của Sở GTVT nêu đề xuất việc xây dựng 600 nhà chờ xe buýt kết hợp quảng cáo tiêu chuẩn Châu Âu theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nhà đầu tư sẽ tự thu xếp 100% kinh phí để đầu tư toàn bộ các hạng mục công trình. Sau đó thực hiện kinh doanh quảng cáo một phần diện tích để thu hồi vốn đầu tư.
Về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – cho biết, đề xuất đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt là cố gắng của ngành giao thông vận tải. Qua đây, thể hiện sự quan tâm của ngành đến phát triển dịch vụ phương tiện giao thông công cộng. “Tuy nhiên, hiện nay giao thông đô thị ở Hà Nội có cơ sở hạ tầng không ổn định, thấy rõ sự chắp vá. Tuyến buýt luôn thay đổi. Vỉa hè khi mở rộng, lúc thì xén vào khiến quy hoạch về nhà chờ xe buýt sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần tính toán làm sao đảm bảo quy hoạch rõ ràng, dài hơi, tránh phát sinh các vấn đề” – ông Liên nói.
PGS.TS Đinh Thị Thanh Bình – Trưởng Bộ môn quy hoạch và quản lý, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, việc chỉnh trang điểm dừng đỗ xe buýt tiện ích, có nhà chờ theo phong cách hiện đại và bên cạnh đó doanh nghiệp được đổi lấy quảng cáo trong thời gian nhất định là chủ trương đúng đắn. Đây là hình thức đầu tư phổ biến mà nhiều thành phố khác cũng đã triển khai như Hải Phòng, Đà Nẵng,…
“Cơ sở hạ tầng xe buýt được cải tạo lại tốt hơn rất đáng làm, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ vận tải công cộng. Khi kinh phí của Nhà nước không đáp ứng đủ thì cũng phối hợp với tư nhân, khai thác quảng cáo là hình thức hợp lý” – bà Bình nói.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, bà Thanh Bình đề xuất: “Lúc thực thi, giám sát và bảo trì bảo dưỡng dự án, cần xem xét lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, việc khai thác quảng cáo của những nhà chờ các vị trí khác nhau có giá trị khác nhau. Ví dụ quảng cáo ở trung tâm nhiều người qua lại, sức hút mạnh hơn thì cao hơn những vị trí khác. Vì vậy, phải xây dựng bảng giá quảng cáo cụ thể cho từng vị trí, khu vực đặt nhà chờ”.
Về dự kiến với kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng thực hiện xây dựng 600 nhà chờ, bà Bình cho rằng, cần có đơn vị thẩm định uy tín về chi phí xây dựng, chi phí thiết bị xem kinh phí trên có tương xứng, hợp lý cho xây dựng nhà chờ hay không. Vì vậy, quản lý thẩm định và giám sát chi phí xây lắp và doanh thu của quá trình khai thác dự án cần minh bạch, rõ ràng”.
Theo tờ trình, việc thực hiện theo hình thức PPP sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại. Trong quá trình vận hành khai thác, đối với các trang thiết bị và công nghệ cao ngoại nhập, thành phố sẽ được hỗ trợ chuyển giao công nghệ cũng như tổ chức nghiên cứu để sản xuất ở Việt Nam (sau 3-5 năm khai thác)… Theo đó, quy mô đầu tư sẽ xây dựng, lắp mới 600 nhà chờ xe buýt (trong đó 270 nhà chờ lắp đặt mới; thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình); lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ Wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp.
Sở GTVT Hà Nội tính toán, nhà đầu tư sẽ hoàn vốn trong khoảng 20 năm khai thác, và loại hợp đồng mà Sở GTVT đề xuất là hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).
|
ANH THƯ (theo laodong)
Bình luận (0)