Việc xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp sẽ là đòn bẩy tạo nên sức mạnh nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trường học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Một tiết học môn tiếng Anh của học sinh lớp 12 (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Để có một giao diện rộng về quy định chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên trong giai đoạn mới, năm 2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành các thông tư số 14, 20, 25 và 26 về quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non; quy định chuẩn nghề nghiệp đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên mầm non.
Yêu cầu tất yếu không thể phủ nhận
Yêu cầu đổi mới giáo dục đòi hỏi đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trường học không bằng lòng với những gì đã có mà phải trang bị thêm những phẩm chất và năng lực mới. Tất cả những tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực của nhà giáo, của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bậc mầm non và phổ thông theo các thông tư của Bộ GD-ĐT, đều có “mẫu số chung” trên nền chuẩn xây dựng môi trường giáo dục. Tuy quy định các tiêu chí cụ thể của tiêu chuẩn có khác nhau nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào các mũi nhọn: xây dựng văn hóa nhà trường; thực hiện dân chủ trong nhà trường; xây dựng trường học an toàn, phòng và chống bạo lực học đường. Xây dựng môi trường giáo dục, trong cái nhìn tổng thể là một vấn đề lớn luôn được đưa lên hàng đầu trong hoạt động GD-ĐT nhằm tạo điều kiện cho học sinh học tập tích cực, phát huy tốt nhất khả năng còn tiềm ẩn và tập thể sư phạm được làm việc trong bầu không khí tâm lý lành mạnh.
Mối quan hệ hữu cơ giữa xây dựng môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục của nhà trường không thể tách rời ra được và gắn kết bền vững với quá trình thực hiện đổi mới giáo dục. Không ai khác, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trường học là lực lượng quan trọng, là nhân tố quyết định trong việc xây dựng môi trường giáo dục. Phân tích trên cho thấy, xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, phát triển đất nước.
Đề cao yếu tố con người
Trách nhiệm của mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý càng nặng nề hơn trong việc xây dựng môi trường giáo dục nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Đó cũng là nền móng tạo tiền đề thực hiện tốt quá trình đổi mới giáo dục; tập hợp được trí tuệ cùng tâm huyết của các lực lượng tham gia vào quá trình giáo dục. |
Xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp có tầm quan trọng không thể phủ nhận được. Việc xây dựng môi trường giáo dục để học sinh phát huy tính năng động, giáo viên gắn kết các hoạt động dạy học với thực tiễn cuộc sống là điều vô cùng cấp thiết trong giai đoạn giáo dục hiện nay. Xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp được coi là nền tảng bền vững trong quá trình lãnh đạo, điều hành nhà trường phổ thông và cơ sở giáo dục mầm non. Xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, thân thiện, dân chủ, lành mạnh, an toàn đồng thời là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với mỗi trường học trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, gắn kết chặt chẽ với việc tạo lập và phát huy chất lượng giáo dục. Xây dựng các nhiệm vụ của nhà giáo trong việc xây dựng môi trường giáo dục đồng nghĩa với xây dựng nhà trường thành môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp và là trường học trí tuệ – văn hóa, văn hóa – trí tuệ. Chuẩn nghề nghiệp của hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp của giáo viên sẽ đi vào thực tiễn hoạt động nghề nghiệp nếu được ứng xử một cách biện chứng, năng động mềm dẻo phù hợp với môi trường giáo dục bên ngoài và bên trong nhà trường. Vai trò của người cán bộ quản lý giáo dục trong việc xây dựng, phát huy môi trường giáo dục an toàn, tự chủ, không bạo lực và thân thiện phải được quan tâm từ những đối tượng cụ thể, từ vai trò của người cán bộ quản lý ở cấp cơ sở. Có như vậy những hạn chế, bất cập mới có thể được nhìn nhận chính xác hơn, từ đó những giải pháp đưa ra sẽ phù hợp và dễ được ứng dụng vào thực tế công tác. Trong nhà trường, đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định chất lượng giáo dục, chất lượng của giáo viên có tốt thì chất lượng giáo dục mới tốt.
Về biện pháp, các cơ sở giáo dục có thể xác định triết lý giáo dục của trường mình làm kim chỉ nam cho sự phấn đấu, trong đó chú trọng những giá trị dạy làm người, rèn luyện đạo đức và lối sống. Ngoài ra, đổi mới tư duy về việc xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp còn thể hiện ở việc người cán bộ quản lý cần tạo điều kiện để tập thể nhà trường phát huy tốt trong việc xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp. Bên cạnh việc quan tâm đến chế độ đãi ngộ nhà giáo, môi trường giáo dục tích cực được phát triển từ môi trường văn hóa, từ bầu không khí tâm lý tốt đẹp của tập thể. Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh là yêu cầu cần thiết. Không quên giáo dục lồng ghép kỹ năng sống, ứng dụng thực tế vào các môn học tự nhiên và giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần cách mạng vào các môn học…
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc
(Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội)
Bình luận (0)