Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kỷ niệm làm báo của… một nhạc sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

1 – Từ khi còn là một học sinh phổ thông, tôi đã yêu thích hai bộ môn, đó là âm nhạc và báo chí. Về âm nhạc, thì say mê học đàn, học hát, học ký âm pháp, hòa âm… do các thầy giáo dạy hay tự học qua sách vở. Về báo chí, thì tích cực tham gia báo tường của lớp học và mạnh dạn gửi các sáng tác âm nhạc của mình cho các tờ báo địa phương, cũng có một số bài được đăng.


Các phóng viên ca Ban Khoa giáo (cũ) tng công tác  Báo Sài Gòn gii phóng đến chúc th bn đng nghip Trương Quang Lc (th 5 t phi qua)

Trong các sáng tác đầu tay, tôi sáng tác từ khi còn là học sinh phổ thông đến nay có hai bài may mắn vẫn còn đến với quần chúng. Đó là bài Chuyến tàu trăng được dàn dựng thành tiết mục ca múa giới thiệu trên màn ảnh truyền hình của Đài Truyền hình TP.HCM cuối năm 2022: “Ánh trăng sáng ngời đồng quê ngát xanh xanh/ Bóng soi chiếu vàng dòng sông uốn quanh quanh…”. Và bài Hoa xuân đất nước đang được phổ biến rộng rãi trong các hội diễn văn nghệ của học sinh cả nước: “… Chúng em là ngàn muôn đóa hoa xinh tươi/ Thắm tô đẹp vườn xuân núi sông nơi nơi…”.

Khi trưởng thành, tôi làm công tác văn hóa – văn nghệ ngành đường sắt rồi thanh niên xung phong Liên khu Năm, vẫn gắn bó với hai sở thích là âm nhạc và báo chí. Nhiều bài hát và bài báo về hai ngành này lần lượt ra đời, tích cực phục vụ đơn vị.

2 – Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc vào học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tốt nghiệp kỹ sư, về công tác ở một nhà máy. Hòa mình vào không khí xây dựng miền Bắc, vì miền Nam ruột thịt, tôi sáng tác khá nhiều ca khúc được đăng trên báo và phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong đó có hai bài được hưởng ứng nhiều nhất, và được phổ biến đến nay.

Bài Vàm Cỏ Đông (thơ Hoài Vũ) ra đời năm 1966, trong khí thế hừng hực chống chiến tranh phá hoại ác liệt của không quân địch và trong tình cảm thương nhớ da diết quê hương miền Nam yêu dấu: “Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông…”. Hai năm sau, một ca khúc khác cũng ra đời và được phổ biến rộng rãi là bài Hoa sen Tháp Mười viết năm 1968 trước khi Bác mất một năm: “Hò ơ… Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ…”. Trong kháng chiến chống Mỹ, tuy có các sáng tác âm nhạc được quần chúng hưởng ứng, tôi vẫn dành thời gian viết bài cho báo chí Trung ương và địa phương, có bài nói về nghệ thuật, có bài về công tác đang đảm nhiệm tại nhà máy với những đề xuất thực tế.

Năm 1975, thống nhất đất nước, tôi chuyển vào TP.HCM và tiếp tục công tác trong ngành công nghiệp. Khuynh hướng sáng tác giờ đây nghiêng về đề tài thiếu nhi và đến năm 1979, một ca khúc nhỏ ra đời đánh dấu một cột mốc đáng nhớ, đó là bài Trái đất này là của chúng mình (thơ Định Hải). Tiếp đến là bài Chỉ có một trên đời (ý thơ Nga)… Nhưng sở thích báo chí giờ đây vẫn không rời tôi. Các tờ báo tại TP.HCM như Sài Gòn giải phóng, Lao động, Khăn quàng đỏ… là những nơi tôi thường xuyên cộng tác.

3 – Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, một bước ngoặt trong đời tôi đã đến: Tôi chuyển hẳn từ ngành công nghiệp sang ngành báo chí vì nhận thấy đây vừa là sở thích của chính mình, vừa là nơi giúp mình có thêm nhiều thông tin, cảm xúc để sáng tác âm nhạc. Thế là tôi rời chức vụ Giám đốc Nhà máy Hóa chất Thủ Đức chuyển về Báo Sài Gòn giải phóng. Như vậy, từ vai trò cộng tác viên của các báo, giờ đây tôi trở nhà báo thực thụ. 

Hằng ngày công việc của tôi khá bận rộn với nhiệm vụ Trưởng ban Khoa giáo sát cánh gần chục phóng viên của một tờ báo ấn hành tại một thành phố đông dân nhất nước. Đó là nhiệm vụ vạch kế hoạch viết bài hàng tuần, hàng tháng, hàng quý cho Ban Khoa giáo, triển khai các chỉ thị viết bài của Ban Biên tập, đôn đốc các phóng viên thực hiện chương trình công tác, đọc và sửa bài của anh chị em nộp cho ban trước khi đưa sang tòa soạn để đăng lên báo. Thời gian còn lại, tôi tranh thủ đến các đơn vị sản xuất, viện nghiên cứu, trường học… tìm hiểu để viết bài. Trong số hàng trăm bài đã đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng hồi đó, đáng chú ý có một bài tôi giới thiệu tiến sĩ – bác sĩ T. du học ở Nga về đã thực hiện thành công phương pháp kéo dài chân hoặc tay bị ngắn so với chân, tay kia do bẩm sinh. Sau khi số báo trên phát hành, nhiều bệnh nhân có dị tật này đã tìm gặp thầy thuốc T. và đã được xử lý thành công tốt đẹp. Trong số này có cả những người như các cầu thủ bóng chuyền, bóng rổ, nữ tiếp viên hàng không… dù không bị dị tật nhưng muốn đôi chân mình cao hơn trước để thuận lợi hơn trong công việc. Ngoài những đề tài mới lạ, hấp dẫn, tôi không quên những sự kiện giản dị, đời thường nhưng hữu ích, như trường hợp bài Xác con chuột chết ấy đi đâu?, nội dung nêu một hiện tượng mất vệ sinh thỉnh thoảng xảy ra ở các khu dân cư. Khi đập chết một con chuột trong nhà, có bà con ném xác chuột ra ngoài đường lộ, thay vì đem chôn dưới đất cho hợp vệ sinh. Xác chuột giờ đây bị xe cộ đè bẹp rồi nghiền nát, trộn với đất đường, thành bụi bay tung lên mỗi khi gió thổi hay xe cộ đi qua. Nếu chuột mang bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo, người nào hít phải bụi này làm sao tránh khỏi mắc bệnh. Đến nay có bạn đọc tình cờ gặp tôi vẫn nhắc đến bài này…

4 – Có thể nói tập thể cán bộ, phóng viên Ban Khoa giáo gắn bó xem nhau như các thành viên trong một gia đình. Nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài chuyện trục trặc nho nhỏ xảy ra. Một buổi sáng đầu tuần khi tôi vừa đến văn phòng ban, tiếng chuông điện thoại vang lên, đầu dây bên kia có tiếng một phóng viên trẻ: “Thưa anh, em xin phép vắng mặt cuộc họp giao ban sáng nay vì em vừa bị bệnh đang nằm nhà!”. Tôi hỏi thăm tình hình bệnh tật và nhắc nhở cậu ta cố gắng điều trị để chóng khỏi. Xong cuộc họp, còn sớm chút ít, tôi đề nghị anh chị em trong ban cùng đến thăm cậu phóng viên trẻ đang nằm nhà vì bệnh. Gần chục người trong ban hăng hái, nhiệt tình lên đường, vừa vào đến nhà, ông bố cho biết cậu ta không ốm đau gì và đang ra Hà Nội gặp người quen. Thế là mọi người chưng hửng, thất vọng, đành kéo nhau ra về, riêng tôi bị anh em trong ban trách cứ là “nhẹ dạ”, “mất cảnh giác”!

Bên cạnh lĩnh vực về khoa học, kỹ thuật, giáo dục, trong đời làm báo của một nhạc sĩ cũng đã có một số đóng góp khác cho bộ môn âm nhạc: Viết khá nhiều bài về âm nhạc, từ trang báo bước vào trang sách tuyển tập nhạc, rồi bước tiếp lên chương trình nghệ thuật, bình luận về tác phẩm – tác giả trên màn ảnh truyền hình, đã góp phần đắc lực đưa bộ môn nghệ thuật âm nhạc đến với đông đảo quần chúng cả nước.

Trương Quang Lc

Bình luận (0)