Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phập phồng hoa Tết: Kỳ 1: Nỗi lo nhà vườn

Tạp Chí Giáo Dục

Để hoa Tết không bị rớt giá và ùn ứ, nông dân cần liên kết với nhau để tự điều tiết lượng hoa tung ra thị trường
Hoa Tết trồng không theo quy hoạch, thất thu do thời tiết biến động, rớt giá thê thảm do tiểu thương nhập khẩu hoa Trung Quốc giá rẻ… là những trải nghiệm mà người trồng hoa Tết ở Đà Lạt đã và đang phải đối diện.
Những “bài học” cũ
So với các địa phương chuyên cung ứng nguồn hoa tươi, Đà Lạt, Đức Trọng được xem là nơi có nguồn cung đáp ứng mạnh nhất về nhu cầu hoa cho cả nước với nhiều chủng loại hoa đa dạng. Đặc biệt trong dịp Tết, hiện tượng tăng canh một số loại hoa được ưa chuộng dịp Tết như hoa lily, cát tường, hoa cúc, hoa lay ơn không theo quy hoạch và phụ thuộc nhiều vào thời tiết khiến mùa thu hoạch của nông dân vướng nhiều may rủi.
Dịp Tết Quý Tỵ 2013, người dân ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, giáp với thành phố Đà Lạt là vùng chuyên canh hoa lay ơn lớn nhất nước với 210ha. Nỗ lực gieo trồng và kỳ vọng về một mùa bội thu do thời tiết thuận lợi, giá hoa tăng cao khiến nông dân hồ hởi. Mùa hoa năm đó, các thương lái vào tận vườn đặt mua với giá trung bình 2.000 đồng/cây, cao hơn năm trước 500 đồng/cây. Nếu tính với giá này, mỗi hécta cho thu nhập không dưới 400 triệu đồng/vụ, trừ chi phí nhà vườn còn lãi 200-230 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không chọn cách “bán non” mà “găm hàng” cho đến cận Tết để chờ giá tốt hơn. Nào ngờ đùng một cái, loại hoa này từ Trung Quốc nhập qua với giá rẻ khiến hoa nhà vườn rớt giá thê thảm. Một số chủ vườn sau Tết đã cắn răng đem hoa ế đi đổ ở chân đèo để dọn vườn cho mùa vụ sau.
“Hoa Đà Lạt” là nhãn hiệu độc quyền được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận từ tháng 12-2011. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì cho đến lúc này, việc quản lý và phát huy nhãn hiệu độc quyền trong phạm vi toàn quốc xem ra chưa có hiệu quả bao nhiêu.
So với năm 2013, thì dịp Tết Giáp Ngọ 2014 hoa Đà Lạt được cho là “có giá”. Một cành hoa hồng khi đó được thương lái mua tại vườn với giá 4.500 đồng (ngày thường chỉ 800-1.200 đồng), hoa lily 170.000 đồng/5 cành. Tuy nhiên, do thời tiết quá lạnh khiến loại hoa chiếm diện tích lớn và được ưa chuộng nhất là hoa ly không kịp nở đúng ngày, khiến các nhà vườn buộc phải cắt non giao cho bạn hàng. Tình trạng bán hoa non khiến nhiều xe hàng trị giá hàng tỷ đồng bị gửi trả về do không tiêu thụ được. Một số nhà vườn được cho là may mắn hơn khi chọn đường đóng hoa cho các chủ vựa các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Hoặc cũng có những hộ chọn cách “ép hoa” để chờ bán vào ngày thường để gỡ vốn.
Phập phồng lo Tết năm nay
Chị Nguyễn Thị Hương, một chủ vườn hoa ở làng hoa Vạn Thành (phường 5, TP.Đà Lạt) cho biết, chị đã mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng để xuống giống 36.000 gốc hoa lily, 30.000 gốc hoa cát tường, 9.000 gốc hoa hướng dương, trong khi bạn chị ở làng hoa Thái Phiên đầu tư mạnh hơn với 70.000 gốc hoa ly để chuẩn bị cho mùa Tết năm nay. Làng hoa Thái Phiên quanh năm thường chỉ canh tác hoa cúc, nhưng các hộ dân ở đây chú trọng đầu tư mạnh trồng hoa ly để cung ứng hàng Tết vì nếu thuận lợi sẽ cho lợi nhuận cao. Vì vậy, làng hoa này đã trồng 40 triệu củ giống hoa lily với khoảng 50% diện tích làng hoa.
Để tránh tình trạng dội thừa hoa Tết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Duy Thuận khuyến cáo nông dân các làng nghề trồng hoa cần liên kết với nhau để tự cung cấp thông tin cho nhau và tự điều tiết lượng hoa tung ra thị trường, tránh hoa bị ùn ứ, rớt giá quá nhiều.
Theo chị Hương các nhà vườn thường đầu tư trồng hoa lily với diện tích lớn để đáp ứng nhu cầu hoa chưng Tết của người dân vì loại hoa này sử dụng được lâu (khoảng trên dưới 7 ngày) và có mùi thơm nồng nàn. Để canh hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán, nhà vườn phải xuống giống trong khoảng thời gian từ 15-10 đến 15-11, vì hoa lily có hai loại cho thu hoạch sau 60 ngày hoặc 90 ngày trồng.
Các giống hoa lily mà người dân Đà Lạt trồng để phục vụ mùa Tết năm nay được nhập khẩu từ Hà Lan, Chile và New Zealand, với các chủng loại đa dạng như Concador, Yellowen, Robina, Soebone, Tiber, Manisa, Benlla, Mero… Giá củ giống dao động từ 7.000-9.000 đồng/củ, đắt gấp đôi so với giá giống củ hoa lily từ Trung Quốc mà nông dân phía Bắc chọn để canh tác. Tuy nhiên, hiện nông dân đang lo về chất lượng củ giống vì có nhiều củ bị thối khi trồng. Mặt khác, người dân cũng nơm nớp lo âu về chất lượng hoa khi thu hoạch do năm nay là năm nhuần Tết trễ, mà giống nhập từ nước ngoài thường được tính toán cho thu hoạch vào Tết Tây.
Bên cạnh nỗi lo “nơi nào cũng trồng nhiều hoa Tết”, các chủ vườn ở Đà Lạt hiện cũng e ngại thời tiết biến động, phải thuê thêm nhân công canh vườn hoa để tránh mất trộm và điều lo lắng nhất lúc này là đơn đặt hàng từ các tỉnh giảm nhiều so với năm trước.
Nỗi lo của các nhà vườn là hoàn toàn có căn cứ, vì theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, dịp Tết Ất Mùi sắp tới nhiều khả năng hoa Tết các loại sẽ bị dôi thừa, vì diện tích hoa ly, cẩm chướng, cát tường… ở các tỉnh phía Bắc và Hà Nội tăng hơn những năm trước, trong khi số lượng hoa cúc mà nông dân các tỉnh miền Trung chuẩn bị cho thị trường Tết cũng rất lớn.
Bài, ảnh: Bích Vân
Với diện tích trồng hoa hơn 3.500ha, Đà Lạt là một trong những vùng sản xuất hoa cắt cành lớn nhất cả nước, cung ứng hơn 1 tỷ cành hoa mỗi năm với nhiều chủng loại cho thị trường trong nước. Trong đó, có gần 400ha diện tích gieo trồng phục vụ thị trường hoa Tết với sản lượng khoảng hơn 100 triệu cành các loại.
 

Bình luận (0)