Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đời sửa khóa: Kỳ 1: Đời người, đời thợ

Tạp Chí Giáo Dục

Lúc thưa khách, thợ sửa khóa Bùi Bách Tường tự học tiếng Anh
Thu nhập của người thợ sửa khóa chỉ tròm trèm tiền chợ, tiền trường, họa hoằn mới có dư chút đỉnh nhưng họ vẫn bám trụ với nghề.
Kiếm cơm cũng lắm nhọc nhằn
Chẳng ai biết chính xác nghề sửa khóa ở Sài Gòn có từ khi nào. Chỉ biết những người đang sống với nghề cha ông truyền lại cũng đã ngót mấy mươi năm.
Có một đặc điểm chung là hầu như người thợ sửa khóa nào cũng nghèo, từ đời cha ông. Có lẽ vì cái căn nguyên ấy mà không ít bác thợ bảo: “Nghèo mới theo nghề sửa khóa”. Cái nghề tưởng chừng dễ kiếm tiền nhưng chẳng đơn giản chút nào. “Lắm người bảo: “Cầm cọng kẽm ngoáy ngoáy là có vài chục bỏ túi” nhưng thử nhào vô rồi biết. Có người học nghề cả năm nhưng không làm nổi một chiếc chìa khóa đơn giản nhất”, ông ba Thân – người theo nghề sửa khóa trên 20 năm ở Sài Gòn khẳng định.
Theo ông Thân, nghề nào cũng có thầy. Nghề sửa khóa cũng vậy, mà người thầy ấy chính là ông, là cha, là anh em trong gia đình chứ chẳng mấy ai bỏ tiền tìm thầy học nghề cả. Cha ông Thân học nghề từ ông nội. Đến đời ông Thân, kiếm cơm nuôi vợ con cũng nhờ học được nghề từ những tháng ngày theo cha ra vỉa hè sửa khóa. Hơn 20 năm trong nghề, khách hàng mang ổ khóa, hoặc chìa bất kỳ đến, chỉ cần lật qua lật lại là ông Thân có thể nói ngay khóa của hãng nào sản xuất, nội hay ngoại. Ông Thân nhớ lại: “Có người bảo tôi nói xạo, thế là đi hỏi chỗ này chỗ kia cho bằng được nhưng rồi họ đã trở lại mời cà phê, ăn sáng vì cái tội… lỡ cãi thầy”.
Uống ngụm cà phê khách mời, ông Thân chép chép cái miệng, giọng trầm buồn: “Không vốn liếng, không nghề nghiệp mới đi làm cái nghề này, cả ngày ngồi ngoài nắng, hít bụi, không khí ô nhiễm, sống chung với tiếng ồn. Thu nhập thì bấp bênh lắm, hôm may mắn khách đông, kiếm 200.000-300.000 ngàn đồng nhưng có hôm chẳng kiếm nổi 10.000 đồng ăn xôi”.
Ông Nguyễn Văn Tình, thợ khóa trên đường Trần Văn Kỷ, Q.Bình Thạnh cho biết,  nhiều năm trong nghề nhưng có khi gặp phải những chiếc chìa khóa tưởng đơn giản nhưng hì hục cả ngày không mở được. Bây giờ, nhiều khóa mới hỗ trợ chống trộm (kẻ xấu bẻ khóa được cũng mất một thời gian dài – NV), nếu mình không cập nhật, không tìm hiểu thì khó mà có khách. “Gặp tình huống như vậy, mình tự cảm thấy xấu hổ với chính mình. Khách trả tiền, boa gấp đôi mình cũng chẳng thấy vui”, ông Tình nói.
Đời người, đời thợ
LTS: Nghề nào cũng cần có chữ tâm. Với nghề sửa khóa, người thợ không có cái tâm sẽ tự “khóa” mình. Đó cũng là thông điệp chính của loạt bài này…
Giữa dòng người và xe tấp nập, hối hả nhưng không khó nhận ra người thợ sửa khóa với dáng người còm nhom, đen đúa bên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10. Ông thợ khóa tên Bùi Bách Tường, bị câm điếc sau một tai nạn. Gia đình nghèo khó, miếng cơm hàng ngày còn thiếu trước hụt sau, nào dám mơ chuyện đi học. Tuổi thơ, ông Tường làm đủ thứ nghề để kiếm cơm. Năm 16 tuổi, ông được người anh bạn truyền nghề sửa khóa với hy vọng có một công việc ổn định để tạo dựng tương lai. Nhờ thông minh, chăm chỉ, ông Tường “ra nghề” chỉ sau một thời gian ngắn và mở tiệm ở chợ Tân Bình. Thuở ấy, sáng đẩy xe ra, chiều tối đẩy xe về nhưng chẳng ngày nào kiếm đủ tiền đong gạo, ông lại đẩy xe đi chỗ khác, từ Tân Bình về Q.3, Q.11 rồi “neo” ở Q.10 cho đến nay. Ông Tường chia sẻ: “Hồi đó không có khách hàng là vì mình không nói được, chữ cũng chẳng biết. Tui quyết tâm mày mò tập đọc, tập viết để có thể “nói chuyện” qua giấy”. Có khách, ông dành dụm tiền vào tiệm sách cũ mua từ điển, sách ngoại ngữ về tự học. Từ một chữ bẻ đôi không biết, đến nay không chỉ đọc thông viết thạo, ông Tường còn có khả năng giao tiếp với người nước ngoài bằng nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Ý… Đang trò chuyện, đoạn ông lấy cuốn sổ tay ghi địa chỉ, số điện thoại của những người bạn nước ngoài, từ Pháp, Ý, Nga… rồi lấy giấy viết: “Tôi yêu quý họ. Nhờ họ mà vốn ngoại ngữ của tôi được nâng lên”.
Gần 20 năm chung sống, vợ ông Tường đột ngột ra đi sau cơn bạo bệnh, để lại cho ông ba đứa con thơ dại. Với nghề sửa khóa thu nhập bấp bênh, ông nuôi ba con ăn học đến nơi đến chốn. Các con ông cũng tự hào về người cha giàu nghị lực. Với các con, ông Tường là điểm tựa tinh thần vững chắc, là niềm tin yêu cuộc sống.
Những năm 60, cha mẹ ông Thân nghèo lắm. Cả gia đình 5 miệng ăn đều trông chờ vào công việc sửa khóa của ông Thân và những cuốc xe ba gác của cả ông bà ngược xuôi lúc 3-4 giờ sáng. Ông Thân bảo, nghề sửa khóa ngày trước chỉ là thời vụ vì chẳng mấy ai kiếm sống đủ từ nghề. Cũng cái nghèo đeo bám mà cha mẹ ông chẳng bao giờ mong muốn con theo nghề. “Ba tui làm công nhân. Con cái đứa học nghề sửa xe. Thằng theo nghề điện tử… Tui có nghề sửa điện, nước hẳn hoi nhưng lại ra vỉa hè với tủ khóa của ông già. Lúc ba tui bệnh nằm một chỗ, tui nói tui sẽ đi sửa khóa. Ba tui can: “Chi cho khổ, mà đã xác định theo nghề thì phải làm cho đàng hoàng, đừng có sử dụng chút “mánh khóe” của nghề mà đi làm chuyện trái với pháp luật”, ông Thân nhớ lại.
Bài, ảnh: Trần Anh
Không chỉ học hỏi, tìm tòi mà để tồn tại với nghề, thợ sửa khóa còn phải nâng cấp, đầu tư mua máy làm chìa nhằm giảm bớt thời gian cũng như công sức khi có tuổi. Như ông Tình bảo, độ tuổi 50, tay run, mắt kém, có máy móc hỗ trợ sẽ làm chìa chuẩn xác hơn. Để có đủ tiền mua máy làm chìa, người thợ phải tích cóp đến nhiều năm, dẫu chiếc máy chỉ vài triệu đồng. 
 

Bình luận (0)