Gần 30 năm trải qua các vị trí công tác khác nhau trong ngành GD, cô Đỗ Thị Hương – Huyện ủy viên – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) đã cống hiến sức trẻ và nhiệt huyết yêu nghề. Cô bảo, nghề giáo có những kỷ niệm vui buồn khác nhau nhưng nếu được chọn lại, cô vẫn theo nghiệp nhà giáo.
Gần gũi với học sinh là điều dễ nhìn thấy ở một nhà giáo có trái tim ấm áp như cô Hương
1. Giọng nói nhẹ nhàng và truyền cảm, gương mặt phúc hậu, ở cô toát lên sự ấm áp của một nhà giáo yêu nghề, mến trẻ ngay từ lần đầu gặp mặt. Cô Hương bảo, nghề giáo gắn bó với cô như “duyên tiền định”. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cô ấp ủ ước mơ làm cô giáo ngay từ thuở nhỏ. Người truyền cảm hứng và động lực cho cô chính là mẹ – nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Mỳ – một trong những nhà giáo tiêu biểu trên mặt trận GD Việt Yên từ những năm khó khăn sau chiến tranh.
Năm 1990, nữ sinh Đỗ Thị Hương thi đỗ Trường Sư phạm Hà Bắc, tốt nghiệp sư phạm, nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường TH Bích Sơn, huyện Việt Yên. Dưới mái trường này, cô say sưa tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp. Không chỉ tích cực trong giảng dạy, cô còn là một Bí thư Đoàn nhiệt tình, năng nổ. “Đến bây giờ, tuy đã trải qua nhiều cương vị và môi trường công tác, từ giáo viên trực tiếp giảng dạy cho đến cán bộ quản lý, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của tôi chính là thời gian gắn bó với bảng đen, phấn trắng, với học trò thân yêu để truyền cảm hứng và kiến thức cho các em” cô Hương nói.
Vừa công tác, cô vừa không ngừng nỗ lực học hỏi, nghiên cứu để nâng cao trình độ. Cô lần lượt tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 1 và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ quản lý GD; tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị. Vài năm sau, cô được tín nhiệm đề bạt giữ vị trí Phó Hiệu trưởng rồi đến Hiệu trưởng. Năm 2003, cô được điều động về làm chuyên viên Phòng GD-ĐT và được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng GD-ĐT. Tháng 7-2015, cô được giao trọng trách Trưởng phòng GD-ĐT Việt Yên. Đứng mũi chịu sào trong phong trào ngành GD huyện, cô còn kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện và nhiều nhiệm vụ khác…
2. Ở cương vị nào, cô cũng làm việc hăng say, cống hiến hết mình. Cô luôn trăn trở, tìm tòi, đưa ra cách làm mới hiệu quả hơn, những sáng kiến cải tiến phương pháp quản lý, công tác chỉ đạo bồi dưỡng học sinh giỏi, xây dựng trường chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng chuyên môn và phát triển phong trào xã hội hóa GD. Trong các phong trào đổi mới, cô luôn đi đầu gương mẫu thực hiện, như: Triển khai sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, triển khai dạy tiếng Anh thí điểm, mô hình trường học mới, thực hiện Thông tư 30, 22; xây dựng vườn cổ tích, sân vận động phát triển cho trẻ, lớp học lấy trẻ làm trung tâm. Cô thường xuyên bám sát cơ sở. Trước cảnh quá tải ở các trường mầm non, cô đến từng thôn, xóm để động viên, tuyên truyền mở các nhóm trẻ, xây dựng trường mầm non tư thục, góp phần giảm tải cho trường công lập. Luôn chủ động trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành cơ chế, chính sách quan tâm đầu tư cho GD, nhất là về CSVC, thiết bị dạy học, chế độ đối với giáo viên…
Đặc biệt, những đóng góp của cô trong việc chỉ đạo bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng cao chất lượng đầu vào lớp 10 THPT và giáo viên giỏi các cấp. Số lượng học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh, quốc gia và khu vực tăng cao: 8 năm dẫn đầu cuộc thi giao lưu toán tuổi thơ cấp tỉnh; 7 năm dẫn đầu thi giải toán trên mạng internet cấp tỉnh; 8 năm dẫn đầu toàn quốc về số lượng huy chương thi giải toán trên mạng internet bậc tiểu học… Hai năm học liền (2016-2017 và 2017-2018), GD Việt Yên được Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, và nhiều bằng khen, giấy khen khác của cấp tỉnh và huyện…
Gần 30 năm công tác, cô Đỗ Thị Hương đã có nhiều cống hiến cho GD huyện Việt Yên Cô Đỗ Thị Hương sở hữu nhiều thành tích: 6 Bằng khen cho danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Giấy chứng nhận của Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam về giỏi việc nước đảm việc nhà; Giấy khen về thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT ở địa phương giai đoạn 2010-2015; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “dạy tốt – học tốt” năm 2016-2017. |
3. Điểm cốt yếu nhất của GD là chất lượng. Nhưng để xây dựng nên một nền tảng chất lượng GD luôn phải quan tâm đến đời sống của học sinh, cán bộ, giáo viên. Cô luôn tâm niệm điều đó và đó cũng là lý do dù công việc bộn bề, cô không quản ngại khi còn phụ trách thêm vị trí Phó Chủ tịch Hội Khuyến học. Không kể ngày nắng hay mưa, cô miệt mài với những bước chân đi vận động quỹ khuyến học, đến tận nhà những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời động viên, hỗ trợ. Nhờ đó, hàng trăm học sinh không phải bỏ học giữa chừng. Không chỉ thế, cô còn sẵn sàng làm điểm tựa tinh thần, sẻ chia những phần quà nhỏ với đồng nghiệp, hội viên phụ nữ, người già neo đơn… khi họ gặp khó khăn.
Gần 30 năm cống hiến cho GD, cô Hương bảo: “Nghề giáo cũng như nhiều nghề khác, có vui buồn riêng. Nhưng nếu chọn lại, cô vẫn theo nghề và sẽ sống trọn vẹn với nghề!”.
Vĩnh Yên – Việt Hằng
Bình luận (0)