Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cựu giảng viên lừa đảo

Tạp Chí Giáo Dục

Bị cáo Phước nghe tòa tuyên án
Thời gian gần đây, TAND xét xử rất nhiều các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói là bị cáo trong các vụ lừa đảo đó lại là giới trí thức có sự hiểu biết nhất định về pháp luật nhưng vẫn phạm tội vì những tham vọng cá nhân.
Cú lừa ngoạn mục
Đã từng là giảng viên của Học viện Hàng không nhưng Lê Hữu Phước (52 tuổi, ngụ quận Gò Vấp TP.HCM) đã đánh mất cả tương lai của mình khi quyết định từ bỏ nghề giáo và chuyển sang làm môi giới việc làm.
Nhiều người nghĩ rằng, làm tiếp viên hàng không hay nhân viên kiểm tra an ninh ở sân bay thì sẽ có được mức lương cao, ổn định. Nắm bắt được tâm lý này, Lê Hữu Phước đã dựa vào mối quan hệ với một số người làm trong Sân bay Tân Sơn Nhất rồi lên kế hoạch lừa đảo tiền của 12 người có nhu cầu xin việc vào sân bay. Từ cuối năm 2012, Phước tự xưng mình là Trưởng phòng Tổ chức nhân sự của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 960 triệu đồng nhưng không xin được việc cho bất kì ai trong số đó. Trong phần tranh luận, bị cáo Phước vẫn cho rằng mình có khả năng xin việc vào sân bay và nhiều người đã được vào làm tại đây với sự giúp đỡ của bị cáo. Tuy nhiên, cả luật sư và bị cáo Phước đều không đưa ra được bằng chứng cho lời bào chữa của mình. Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh: “Những tranh luận đó thực chất chỉ là những lời biện hộ cho hành động lừa đảo của bị cáo, khi bị cáo không xin được việc thì phải chủ động trả lại tiền cho các bị hại, nhưng bị cáo đã không trả lại được số tiền đó. Hơn nữa, trong vòng 3 tháng bị cáo chiếm đoạt một số tiền lớn để tiêu xài cá nhân, ăn chơi trác táng…”.
Lời sám hối
Trong phần tranh luận, vị luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra một số lý lẽ nhằm gỡ tội. Nhưng với các chứng cứ và tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được cũng như phần xét hỏi công khai tại phiên tòa thì tội danh của bị cáo khó mà chối bỏ. Chính vì vậy, phần tranh luận không mấy gay gắt, riêng bị cáo lúc này đã tỏ ra sám hối vô cùng. Vị luật sư đưa ra một số tình tiết nhằm giảm tội như đã  từng là giảng viên của Học viện Hàng không nhưng sau đó chuyển sang làm môi giới việc làm, đây là một bước ngoặt sai lầm của bị cáo. Đến đây, có vẻ như bị cáo Phước đã có phần nào hối tiếc cho quá khứ đẹp của mình. Nước mắt lăn dài trên đôi gò má… Đã sống quá nửa đời người nhưng bị cáo vẫn chưa có con, cuộc sống gia đình không hạnh phúc nên cũng sớm ly hôn với vợ. Chính vì vậy, tại phiên tòa bị cáo cũng chỉ có một mình không gia đình, không người thân. Nhưng thỉnh thoảng bị cáo Phước lại dáo dác đưa mắt quanh phòng xử như muốn tìm kiếm một điều gì đó còn sót lại. Kết thúc phiên tòa, được nói lời sau cùng, bị cáo đã xin lỗi bị hại và xin tòa giảm án để khắc phục thiệt hại mà mình đã gây ra. HĐXX nhận định hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên tuyên phạt Lê Hữu Phước 13 năm tù giam, đồng thời buộc bị cáo bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế 
 

Bình luận (0)