Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trẻ miền núi làm “nhiếp ảnh gia”

Tạp Chí Giáo Dục

Các bạn trẻ đang xem những bức ảnh do chính trẻ em vùng cao thực hiện tại triển lãm

Triển lãm ảnh Dung dăng dung dẻ vừa diễn ra tại Không gian Toa tàu (Q.Bình Thạnh) đã thu hút nhiều bạn trẻ tham quan. Đây là chuỗi hoạt động nằm trong chương trình “Em yêu trường em” – một dự án thông qua hoạt động photovoice để thúc đẩy tính chủ động và nâng cao tiếng nói của trẻ em miền núi.
Ước mơ giản dị qua lát cắt cuộc sống
Triển lãm có 60 bức ảnh kèm theo 60 câu chuyện do chính người chụp ảnh là trẻ em miền núi ở Ninh Thuận, Lào Cai, Đắk Nông chụp và kể lại. Nội dung triển lãm gồm các phần như câu chuyện của trẻ em ở khu vực Lào Cai, Ninh Thuận, Đắk Nông, khu vực chân dung trẻ em và ảnh tác nghiệp của nhóm ở khu vực TP.HCM thực hiện.
Đến xem triển lãm, không ít bạn trẻ đau đáu trước những bức ảnh kể về đôi dép, nhà vệ sinh hay trường học, cái bàn học… tưởng chừng rất giản dị nhưng đó là những ước mơ của các em. Bức ảnh chụp các em đang học bài với chú thích “Út đang nằm dưới đất học bài, nhà Út không có bàn ghế nên Út nằm dưới đất dễ đau bụng. Út học bài mấy em ngồi bên cạnh xem. Út thích có bàn ghế để ngồi học cho hết đau bụng” của em Pinăng Thịnh (lớp 5, Trường TH Phước Tân B, xã Phước Tân, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) hay bức ảnh chụp lan can trường với chú thích “Khi em mới vào trường thì lan can trên tầng 2 lớp 8, 9 đã gãy rồi. Mấy anh chị lớp 8, 9 chơi ở đó rất là nguy hiểm, em rất sợ là khi các anh chị đang chơi đùa ở đó lỡ bị rớt xuống thì gãy chân, tay. Mặc dù như thế nhà trường vẫn chưa sửa lại cái lan can bị gãy. Em mong nhà trường sẽ sửa lại cái lan can để khi mà em lên lớp 8, 9 có thể chơi đùa vui hơn mà chẳng sợ bị rớt xuống nữa” của em H’Cúc (lớp 6A, Trường THCS Phan Chu Trinh, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông)… là những ước muốn rất thiết thực, đơn giản của các em.
Không giấu được cảm xúc, Phan Thoại Ly, sinh viên năm 4 – khách tham quan chia sẻ: “Những mẩu chuyện các em kể tuy ngây ngô nhưng rất dễ thương. Em rất xúc động bởi khi thấy những bức ảnh này, em hiểu rõ hơn về những thiếu thốn của trẻ em ở miền núi như nhà vệ sinh quá bẩn hay câu chuyện một bé đi hái lá đu đủ ăn thêm vì bụng đói cồn cào…”.
Trong khi đó, anh Đỗ Hữu Thịnh – người thành lập Không gian Toa tàu miễn phí toàn bộ để các bạn trẻ thực hiện triển lãm tại địa điểm này chia sẻ: “Dù những dòng tâm sự của em còn ngô nghê, ảnh chụp không canh đúng góc cạnh nhưng các em đã nói lên được tiếng nói của mình. Nhờ vậy, mọi người hiểu rõ hơn hoàn cảnh, mong muốn của các em”.
“Tạo cơ hội cho trẻ nói lên tiếng nói của mình”
Để thực hiện triển lãm này, những thành viên tại khu vực TP.HCM (gồm 12 bạn trẻ) được dự án tuyển chọn đã không quản khó khăn đến vùng núi xa xôi dạy cho các em cách chụp ảnh. Nguyễn Diệu Linh, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn tham gia dự án 2 năm nay đã bỏ hơn nửa tháng cùng các thành viên đến nhiều huyện miền núi tỉnh Ninh Thuận và Đắk Nông để giúp các em nhỏ thực hiện những bức ảnh này chia sẻ khó khăn: “Mới đầu, tụi mình rất khó tiếp xúc vì các em còn ngại ngùng, hơn nữa các em nói tiếng dân tộc nên đây cũng là trở ngại trong giao tiếp. Cũng may sau hai ngày làm quen, các em bắt đầu hiểu rõ công việc của tụi mình và hào hứng bắt tay hỗ trợ tụi mình”.
Trong khi đó, Bùi Thị Mỹ Yến, sinh viên ngành marketing, ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) cho hay: “Những thành viên trong nhóm chủ yếu là sinh viên, các bạn tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện nên những khó khăn ấy các bạn không quản ngại. Tuy nhiên, tụi mình thấy rất tội cho các em nhỏ vì các em phải băng rừng lội suối đoạn đường khoảng 5km mới đến được địa điểm học chụp ảnh trước khi cầm máy đưa về nhà. Những câu chuyện và bức ảnh mà tụi mình thu góp được và thực hiện triển lãm nhằm chia sẻ cho mọi người biết nhiều hơn về cuộc sống và suy nghĩ của trẻ em ở miền núi, qua đó truyền đi thông điệp “Hãy tạo cơ hội cho trẻ nói lên tiếng nói của mình”.
Triển lãm ảnh Dung dăng dung dẻ còn kèm thêm hoạt động quyên góp để góp phần giúp trẻ em ở ba tỉnh thành miền núi Lào Cai, Ninh Thuận và Đắk Nông thực hiện ước mơ của mình. Được biết, đến nay triển lãm đã quyên góp được 4 chiếc xe đạp giúp trẻ đến trường thuận tiện hơn.
Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)