Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thị trường hoa Tết Miền Tây: Kỳ cuối: Trái cây “hàng độc” lên ngôi

Tạp Chí Giáo Dục

Bưởi “bàn tay Phật” sẽ cao giá gấp 5 giá bưởi bình quân trên thị trường vào Tết Ất Mùi
Trong mấy năm gần đây, bưởi hồ lô, dưa hấu hồ lô, dưa hấu hình xe hơi, dưa hấu thỏi vàng, trái cây hình Phật thủ, dưa hoàn kim có khắc chữ tài lộc… ra đời nhờ khả năng sáng tạo của nông dân đã rầm rộ thu hút thị trường Tết. Tết Nguyên đán Ất Mùi năm nay, thị trường sẽ có thêm hai sản phẩm độc đáo đầy tính hứa hẹn là bưởi “bàn tay Phật” và đào tiên hồ lô.
Bưởi “bàn tay Phật”
Bưởi “bàn tay Phật” hay còn gọi là bưởi “lễ cát tường”, tác giả của sản phẩm độc đáo này chính là ông Võ Trung Thành (Ba Thành) – Chủ nhiệm CLB Khuyến nông Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ông cũng chính là người đầu tiên cho ra mắt sản phẩm bưởi hồ lô vào Tết Nguyên đán Kỷ Sửu (2009). Tiếp theo sản phẩm này, dưa hấu hoàng kim hồ lô, dưa hấu xe hơi, dưa hấu thỏi vàng; bưởi hình “Phúc Lộc Thọ”… liên tục ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu chưng Tết của người dân. Đó cũng là những nỗ lực nghiên cứu và sáng tạo không ngừng của ông Ba Thành cùng với sự hợp tác của những nông dân tâm đầu ý hợp. Đó cũng là lý do mà bà con ở xứ vườn Phú Hữu không mấy khi thấy ông Thành được rảnh rang. Khi thì ông đi Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn để tìm đối tác và tìm nơi làm khuôn mẫu mới. Có khuôn rồi, ông cùng với các nhà vườn cùng bắt tay tạo hình trái cây.
Ông Thành cho biết cơ duyên ra đời của sản phẩm bưởi “lễ cát tường” bắt nguồn từ việc nông dân miền Bắc thu bạc tỷ khi trồng trái “Phật thủ” để phục vụ nhu cầu chưng cúng Tết của người dân. Để có được sản phẩm bưởi “lễ cát tường” dự định lưu hành vào mùa Tết năm nay, ông Thành cùng với Công ty Nguyễn Gia (Hà Nội) đã thử nghiệm trong ba mùa. Sau đó hướng dẫn cho 50 hộ dân thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng đầu tư trồng 160ha. Do thời tiết không thuận lợi khiến cho cây bị rụng trái non nhiều, nhưng ông Thành phỏng đoán rằng bưởi “lễ cát tường” tuy sản lượng không cao nhưng sẽ có giá cao gấp 5 lần giá bưởi bình quân trên thị trường, do nó có ý nghĩa mang lại hạnh phúc và điều may lành cho các gia đình trong năm mới.
Trong tương lai gần, nhiều nhà vườn đang suy tính sẽ tạo hình bưởi có hình Phật Quan âm, hình chúa Giê-su hầu đáp ứng nhu cầu của các tín đồ Phật giáo và Kitô giáo tại Việt Nam. Đồng thời, họ cũng đang hướng đến việc mở rộng quy mô để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, nơi có phần đông dân số theo tín ngưỡng Phật giáo.
Đào tiên hồ lô
Thực tế cho thấy nếu người nông dân mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu để tạo ra các sản phẩm chưng Tết độc đáo, thì người dân cũng không ngại bỏ ra 5-10 triệu đồng để “sắm” cho gia đình cặp dưa hấu hồ lô có chữ “tài lộc”, dưa hấu hình xe hơi, dưa hấu hình thỏi vàng… với mong cầu sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc trong năm mới. Nắm bắt thị hiếu này nên hai năm qua ông Võ Hồng Quốc (ngụ ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang) đã kiên trì tận dụng những khoảnh đất trống trong vườn bưởi để trồng thử nghiệm 300 gốc cây đào tiên cho ra trái hình hồ lô.
Theo ông Quốc, đào tiên hồ lô là loại dễ trồng và không tốn nhiều chi phí như bưởi hay dưa hấu hồ lô, vì cây ít bệnh, không rụng trái, không bị sâu cắn phá. Tuy nhiên đây là loại trái không ăn tươi được, chỉ có tác dụng làm thuốc trị bệnh. Dự kiến Tết Ất Mùi năm nay, ông Quốc sẽ cung ứng khoảng 1.500 trái đào tiên hồ lô với giá bán khoảng 1 triệu – 1,4 triệu đồng/cặp.
Cũng như bưởi “lễ cát tường, mặc dù đào tiên hồ lô là sản phẩm duy nhất và có mặt trên thị trường lần đầu tiên, nhưng ông Quốc vẫn kỳ vọng quả đào tiên hồ lô với ý nghĩa đem đến sự trường thọ sẽ thu hút thị hiếu của người dân. Hiện, ông đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong nước.
Bài, ảnh: Bích Vân
Nói về xu hướng chuộng chưng Tết những loại trái cây độc đáo, tiến sĩ phong thủy Nguyễn Văn Vịnh cho rằng nước ta là xứ nhiệt đới không thiếu gì hoa quả để thờ cúng lễ tết. Tuy nhiên, tâm lý thờ cúng càng nhiều, càng đắt, càng “độc” sẽ càng nhận được sự phù trợ của tổ tiên, thần linh đã ăn sâu trong đời sống tâm linh của người tiêu dùng.  Theo tiến sĩ Vịnh, căn cứ vào điều kiện kinh tế chung của xã hội thì điều đó là không cần thiết, mà quan trọng là người cúng phải có cái tâm và có lòng thành kính. 
 

Bình luận (0)