Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Báo động tình trạng mua bán, lộ lọt thông tin cá nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng bị lộ, lọt những thông tin cá nhân (TTCN) đã diễn ra nhiều năm nay, tần suất ngày càng tăng. Đi cùng với đó luôn có một câu hỏi được đặt ra là tại sao khách hàng lại có thể bị lộ, lọt TTCN? Tuy nhiên, câu hỏi này vẫn chưa có lời giải.
Các giao dịch công nghệ liệu dữ liệu cá nhân khách hàng có bị lộ, lọt 
Dữ liệu cá nhân, mua bao nhiêu cũng có
Chị Đỗ Thùy Dung (Mễ Trì, Nam Từ Liêm) cho biết, mỗi ngày trung bình chị nhận được 5 cuộc điện thoại, bất kể từ đơn vị phân phối bất động sản, spa, bảo hiểm… Thời gian gọi bất kỳ các ngày trong tuần, đặc biệt thứ Bảy, Chủ nhật có tăng hơn. Ban đầu, chị trả lời nhã nhặn không có nhu cầu nhưng với tần suất ngày một tăng khiến chị Dung vô cùng bức xúc.
“Không hiểu họ lấy đâu thông tin về con cái tôi mà mời mua đọc vanh vách 2 đứa con học cấp 1 nên mua bảo hiểm loại nào. Nghe thì bực mình, không nghe số lạ thì sợ nhỡ công việc”, chị Dung nói. 
Anh Trần Trung Thành (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sử dụng 2 số điện thoại, 1 số công việc và 1 số mới đăng ký chỉ dùng để liên hệ với một vài thành viên trong gia đình. Đầu tháng 10/2018, anh vô tình sử dụng số điện thoại gia đình gọi vào một số hotline 0927444.xxx để hỏi về giá một dự án bất động sản tại quận Hai Bà Trưng. Việc không có gì đáng nói nếu như một tuần sau số điện thoại này của anh Thành liên tục nhận được các số điện thoại lạ để quảng cáo, mời chào mua chung cư, nhà liền kề. Cao điểm có ngày anh nhận được gần chục cuộc điện thoại mời mua chung cư. Quá bức xúc, anh Thành liên hệ với số hotline ban đầu chất vấn nhưng người trực tổng đài chỉ trả lời không biết. 
Chỉ cần vào Google hoặc mạng xã hội Facebook tìm kiếm cụm từ: “danh sách khách hàng” hoặc “database khách hàng”, lập tức hiện ra hàng chục nghìn kết quả liên quan. Trong đó, có rất nhiều website rao bán lẫn chia sẻ miễn phí các danh sách khách hàng tiềm năng được thu thập từ mạng xã hội. 
Chủ tài khoản có tên Nguyễn Tường D. cho biết trong tay đang có khoảng 500 file excel mới nhất về những người có thu nhập cao tại các doanh nghiệp lớn. Theo danh sách ảnh chụp người này công bố, có các file: “5.600 Giám đốc, trưởng phòng quản lý các doanh nghiệp Cần Thơ; 1.000 CEO tại TP Hồ Chí Minh; 7.700 khách hàng thu nhập trên 10 triệu tháng…”.
Thiếu chế tài xử lý
Trao đổi với PV, đại diện Cty chuyên mua bán Bất động sản tại Hà Nội thông tin: “Với những sàn “ôm” quá nhiều dự án thì việc mua thông tin khách hàng là bắt buộc”. Dữ liệu cá nhân hiện nay đã đến mức chuyên nghiệp, có thể yêu cầu lọc đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ như có thể yêu cầu tệp lứa tuổi 30 – 50; thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng; đã sở hữu nhà hay chưa… Giá cả dao động từ 500 ngàn đến 5 triệu đồng cho một tệp khách hàng (khoảng 10.000 số điện thoại), tùy theo chất lượng, độ chính xác của tệp thông tin. “Với những khách hàng lớn, thường họ cho kiểm tra trước xác suất một vài ngày, đạt trên 70% sẽ mua tệp khách hàng đó”, vị này cho hay. 
Về việc có hay không sau khi bán xong dự án, doanh nghiệp sẽ quay sang bán TTCN của khách hàng, vị này khẳng định là có. Tuy vậy, cũng có trường hợp là do nhân viên kinh doanh sau khi “nhảy việc” từ sàn này sang sàn khác mang luôn toàn bộ dữ liệu khách hàng tới nơi mới hoặc rao bán cho các đối thủ cạnh tranh. 
Đối với một số sàn lớn, danh sách khách hàng được quản lý bằng phần mềm CIM (phần mềm chăm sóc, quản lý khách hàng) phân quyền cho Telesales (nhân viên chuyên gọi điện cho khách hàng) được tiếp cận vài chục khách 1 ngày. Phần mềm cho phép quản lý nhân viên gọi cho ai, gọi trong bao lâu, không cho phép copy dữ liệu để tránh bị mất dữ liệu khách hàng. 
HIỂU MINH (theo tienphong)

 

Bình luận (0)