Y tế - Văn hóaThư giãn

Câu chuyện thú vị về những ca khúc xúc động tri ân thầy cô

Tạp Chí Giáo Dục

Phía sau những ca từ hay, những giai điệu ngọt ngào, khiến người nghe xúc động của những ca khúc viết về tình thầy trò là những câu chuyện bất ngờ, thú vị.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nổi tiếng với ca khúc Người thầy năm xưa. Ảnh: NSCC

Sáng tác đúng dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tác giả ca khúc Người thầy năm xưa, kể: Ca khúc này là một trong 10 ca khúc đầu tiên mà anh viết khi còn là một cậu sinh viên năm nhất. Đó là thời điểm tôi mới vào nghề, tập tành sáng tác và đang cố gắng tìm viết những chủ đề gần gũi quanh mình. "Và đúng là tôi viết bài đó gần dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm 2001", Nguyễn Văn Chung nhớ lại.
Để sáng tác ca khúc Người thầy năm xưa, Nguyễn Văn Chung đã nhớ về những thầy cô đã dìu dắt anh nên người. Có lẽ cảm xúc dạt dào, thế nên "tôi chỉ viết khá nhanh, chỉ trong một đêm là xong". 
Người thầy năm xưa được giới học trò chuyền tay nhau theo năm tháng. Và đây cũng là ca khúc đánh dấu sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Văn Chung. 
"Người thầy năm xưa cũng là bài hát đầu tiên của tôi được ca sĩ Nguyễn Vũ hát trên sân khấu trong một chương trình lớn là Tri ân người khai sáng vào năm 2002 tại sân khấu Lan Anh. Và cũng nhờ bài hát này mà nhiều công ty biết đến tôi, để rồi có những cơ hội hợp tác sau đó", nhạc sĩ Chung kể.
Với những nội dung đã chia sẻ, tâm tình trong ca khúc, anh muốn chuyển tải đến người nghe thông điệp gì? Nguyễn Văn Chung cho biết anh muốn ghi lại những cảm xúc và sự trân trọng của mình dành cho các thầy cô… 
Điều mà Nguyễn Văn Chung nhớ nhất, xúc động nhất khi nói về ca khúc trở thành bước đệm để giúp anh tỏa sáng này, đó là: "Tôi rất vui khi cứ đến dịp 20.11 là lại nhận được một vài email từ các thầy cô, họ cảm ơn tôi về bài hát này, mong tôi có thể cho phép để các thầy cô biểu diễn trong các chương trình tại trường để tặng lại cho chính các thầy cô lớn tuổi của họ. Và họ kể rằng, khi họ hát, họ rơm rớm và không kiềm được cảm xúc của mình. Đối với tôi, đó là niềm vui lớn nhất của một người nhạc sĩ".
Những người thầy… có thật 

Theo nhạc sĩ Lê Văn Lộc, đồng tác giả ca khúc Bụi phấn, thì hình ảnh "Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi…" là có thật. Đó là lần ông tham gia một lớp hướng dẫn cho nhạc sĩ trẻ, ông vô tình thấy hình ảnh người thầy dính đầy bụi phấn trên đầu. Người thầy có thật ấy chính là nhạc sĩ Trương Quang Lục.

Vì thấy hình ảnh quá đẹp, nên nhạc sĩ Lê Văn Lộc lập tức sáng tác. Trong tích tắc, những giai điệu, lời ca được hoàn chỉnh. Nhạc sĩ Lộc đứng lên hát và nhạc sĩ Trương Quang Lục đệm đàn. Dù chưa phải là một bài ca hoàn chỉnh, nhưng chính sự chân thành, được lấy lại từ hình ảnh có thật, chứa đựng đầy tình cảm của người viết, nên ca khúc sơ khai ấy được hưởng ứng, các thành viên trong lớp vỗ tay rần rần.

Nhạc sĩ Lê Văn Lộc cũng cho biết thêm có nhiều băn khoăn vì sao trong nhiều hình ảnh được phổ biến trên mạng, mọi người thường thấy phụ trách phần nhạc ca khúc Bụi phấn là nhạc sĩ Vũ Hoàng, còn ý thơ mới là của Lê Văn Lộc.

"Điều đó không đúng. Tôi là đồng tác giả. Sau khi có bản thảo ca khúc xong, có đưa Vũ Hoàng xem và nhờ hoàn chỉnh. Anh ấy có chỉnh sửa một vài cao độ, rồi phát triển bài thêm câu cuối của ca khúc, đó là: Mai sau lớn nên người/ Làm sao, có thể nào quên/ Ngày xưa thầy dạy dỗ/ Khi em tuổi còn thơ”. Thế nên nếu gọi tôi chỉ phụ trách ý thơ thì không chuẩn xác", nhạc sĩ Lê Văn Lộc chia sẻ thêm.
Nhạc sĩ Lê Văn Lộc, đồng tác giả ca khúc Bụi phấn vô cùng nổi tiếng. Ảnh: NSCC
Còn nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy thì chia sẻ, hình ảnh "chiếc áo xưa sờn đôi vai" là chi tiết có thật, từ hình ảnh người thầy của ông.
"Người thầy trong ca khúc Người thầy ấy chính là nhạc sĩ Trí Thanh. Mỗi lần đến nhà thầy, tôi luôn thấy thầy khoác trên mình chiếc áo sờn vai. Chính 'chiếc áo sờn đôi vai' ấy đã giúp tôi phát thảo ra những giai điệu đầu tiên", nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy, kể.
"Ngày đó cùng với Trường Huy, Hoài An và các nhạc sĩ trẻ khác thì tôi là đứa học trò dở nhất lớp, lại… lười học nên ai cũng nghi ngại cho 'tiền đồ' của tôi. Vậy mà có lần thầy khen nhạc tôi 'có chỗ' hay đó, và còn viết giấy giới thiệu tôi cho nhạc sĩ Quỳnh Hợp bên đài phát thanh. Lần đó tôi sung sướng cả đêm không ngủ được, và hồi hộp chờ đợi ca khúc đầu tiên của mình được phát trên sóng phát thanh. Không chỉ với tôi, mà thầy vẫn nặng lòng với tất cả các học trò khác, thầy ân cần chỉ bảo cho các học trò như là một trách nhiệm của một nhạc sĩ “nặng nợ” với cuộc đời. Lần cuối cùng tôi đến thăm thầy, trông thầy ốm đi nhiều bên cây piano, và 'vẫn chiếc áo xưa sờn đôi vai', thầy đến bên tôi và hỏi 'Huy sao rồi em, đã có bài nào mới chưa, có bài nào được giới thiệu chưa…'. Tôi cảm thấy ấm áp vì dường như thầy lúc nào cũng dõi theo từng bước chân của những đứa học trò nhỏ như tôi trong cuộc đời", nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy chia sẻ.
Sáng tác ca khúc Người thầy, như là cách để nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nhớ về người thầy cũ của mình, cố nhạc sĩ Trí Thanh. Ảnh: NSCC
Anh cũng kể thêm, khi ca sĩ Cẩm Ly ghi âm bài hát Người thầy, lúc hát đến đoạn “Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi. Tóc xanh bây giờ đã phai, thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy, dõi theo bước em trong cuộc đời…”, Cẩm Ly đã bật khóc. "Tôi chọc Cẩm Ly là 'mít ướt' nhưng thực ra lúc đó tôi cũng sắp khóc vì khi ca khúc này được ghi âm thì thầy đã vĩnh viễn đi xa, và khi ca khúc này được hát lên là những hình ảnh ngày xưa của thầy như chợt hiện về từng cử chỉ và lời nói ân cần của thầy như còn đâu đó quanh tôi", nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy kể thêm.

Tri ân thầy cô bằng âm nhạc
Có lẽ nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện là một trong những nhạc sĩ sở hữu nhiều ca khúc về trường lớp, thầy cô nhất. Có thể kể như: Nhớ ơn thầy côKhoảng lặng phía sau thầyNgày đầu tiên đi học… Và cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, những ca khúc ấy lại được ngân vang ở khắp mọi nơi, từ ti vi đến mạng xã hội, và nhất là ở các trường học.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, sở dĩ ông "bén mảng" vào việc sáng tác chủ đề trường học, thầy cô, tình cảm thầy trò, vì ông nói riêng và mọi người nói chung, ai cũng đã từng cắp sách đến trường, trải qua quãng đời học sinh, và có vô vàn kỷ niệm. Thế nên ông thường nhớ về những kỷ niệm ấy để khai thác, để viết thành những ca khúc cho thế hệ về sau.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: NSCC

Nhạc sĩ này cho rằng ngày càng khan hiếm những bài hát mới về đề tài học đường, thầy trò, dù đây là mảng quen thuộc. Ông hy vọng ngày sẽ có nhiều những bài hát, những sáng tác thật hay về đề tài ấy, để cùng được rộn ràng vào mỗi dịp năm học mới, tổng kết năm học, hay kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11… và trên hết, đó cũng là một cách để tôn vinh "những người lái đò".

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung cũng là người sáng tác nhiều ca khúc về mái trường, thầy cô. Vì theo anh, gởi gắm tình cảm của bản thân dành cho những người làm nghề "gõ đầu trẻ" giống như là cách tri ân thầy cô giáo bằng âm nhạc.
Được biết ca khúc Tháng năm học trò được nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung viết ở thập niên 80. Bài hát là một kỷ niệm của tuổi thơ mà chính nhạc sĩ đã trải qua. Sau khi ra mắt và nhận được sự hưởng ứng, yêu thích của khán giả, đã giúp anh có thêm niềm hứng khởi, cho ra đời thêm các ca khúc: Lời thầy cô, Thầy cô vẫn hát…"Thật sự rất vui vì những ca khúc của mình, viết về thầy cô đã đi cùng năm tháng, có chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc, nhất là với những học sinh, sinh viên", anh chia sẻ.
Theo Thanh Nam/TNO

 

Bình luận (0)