Từng tốt nghiệp chuyên ngành kế toán ở một trường ĐH tại Đà Nẵng, với thâm niên làm chuyên môn 13 năm, mức thu nhập lên đến 20 triệu đồng/ tháng, nhưng vì mê hoa lan, Lê Thành Trung (35 tuổi), ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã quyết định rời bỏ công việc đang làm để theo đuổi nghề trồng lan Mokara. Đam mê đó mang về cho anh hơn 2 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm!
Nông dân tiêu biểu Lê Thành Trung bên mô hình Mokara tại phường Hòa Xuân quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng |
1.Trung không phải là người Đà Nẵng. Anh nông dân nhiều năm liền dược vinh danh là một trong những gương mặt làm kinh tế giỏi của thành phố Đà Nẵng và chuẩn bị hành trang về thủ đô Hà Nội dự lễ vinh danh 63 gương mặt nông dân tiêu biểu toàn quốc 2018 tháng 10 tới sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo Quảng Ngãi. Năm 2001, tốt nghiệp THPT, Trung chọn ngành kế toán ở ĐH Duy Tân theo học. Mới bước sang năm thứ 3, chàng SV năng nổ ấy đã tìm được việc làm ở một khu nghỉ dưỡng lớn nhất nhì Đà Nẵng thời đó.
Suốt 13 năm, bám trụ lại Đà Nẵng, Trung trải qua nhiều vị trí và đơn vị làm việc khác nhau. Thời điểm Trung được tín nhiệm làm Phó phòng Kế toán ở một resort quy mô lớn, mức lương anh nhận lên đến 20 triệu đồng. Đó là một con số đáng mơ ước với rất nhiều lao động miền Trung. Nhưng Trung bảo, dù vẫn rất yêu nghề mình đã chọn nhưng mỗi lần nhìn thấy vẻ đẹp của những bình hoa lan Mokara được bài trí trong resort khiến anh mê mẩn. Trước đó niềm đam mê này sẵn có từ những tháng năm còn học trung học khi anh theo cha trên những chuyến đi đường dài vào tận Củ Chi, được tận mắt ngắm những vườn lan đẹp như mơ. Trung âm thầm tìm hiểu nhu cầu thị trường, nghiên cứu và học hỏi kỹ thuật trồng lan… Đầu năm 2016, Trung quyết định bỏ nghề, về đầu tư trồng lan Mokara.
Không có đất sản xuất, anh tìm đến UBND phường Hòa Xuân, Hội Nông dân phường đề đạt nguyện vọng và được hỗ trợ cho mượn 2.000m2 đất sản xuất. Với chút ít vốn liếng để dành, Trung quyết định 100 triệu đồng vào việc xây dựng hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới phun sương và mua 700 cây giống hoa lan từ Thái Lan về trồng. Khi nhận thấy lan phát triển ổn định, Trung quyết định dấn thân cầm cố sổ đỏ nhà đất vay thêm nửa tỷ đồng để đầu tư trồng thêm 4.500 cây.
2.Theo Trung, lan Mokara cho hoa quanh năm. Hơn 4.000 cây lan Mokara được trồng với 9 màu sắc khác nhau, vào thời điểm đó có 1.500 cây ra hoa, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng mình thu về 25 triệu đồng. Không chỉ bán từ nguồn hoa, Trung quyết định đầu tư lấy ngắn nuôi dài, bằng cách vừa bán hoa vừa chăm cây để nhân giống bán. Cuối năm 2017, Trung nhân giống trồng thêm 17.000 cây trên diện tích 2.000m2. Doanh thu bán hoa năm 2017 đạt gần 2 tỷ đồng/năm, doanh thu cây giống đạt 1,2 tỷ đồng năm. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn lại năm 2017 đạt được hơn 2 tỷ đồng.
Trung nhẩm tính, đến nay anh đã trồng được 25.700 cây trên diện tích 4.500m2. Hôm tôi đến, anh đang tất bật mở rộng thêm diện tích 3.000m2, dự định trồng thêm khoảng gần 20 ngàn cây. “Hoa lan Mokara rất dễ cho hoa và thích nghi tốt với thời tiết miền Trung. Mỗi cây một lần cho ra 2 đến 3 hoa, mỗi tháng cho hoa một lần. Lan sống chủ yếu bằng nguồn nước và một ít phân hữu cơ, vỏ đậu. Hiện lan là nhu cầu lớn đối với các resort, nhà hàng, khách sạn. Mỗi tháng, một mình Trung quản lý, kiêm luôn việc cắt hoa, vận chuyển và tự tay cắm hoa cho khách hàng, số hoa Trung bán ra lên tới hàng chục ngàn cành, mỗi cành từ 10 đến 17 ngàn đồng. Với vườn lan có đủ 18 màu hoa khác nhau, chủ yếu màu vàng và đỏ. Bên cạnh đó, Trung còn trồng thêm một vài loại lan như nghinh xuân, Denro… 8 tháng đầu năm 2018, doanh thu từ hoa và giống lan của Trung lên đến 3 tỷ đồng.
3.Không chỉ làm giàu, Trung còn luôn sẵn sàng hỗ trợ cho những nông dân mở vườn lan, dù họ ở xa tận Đắk Lắk, Nha Trang, Thái Nguyên hay Huế. Riêng Đà Nẵng hiện có đến 4 mô hình được Trung cung ứng giống và đến tận vườn chỉ dẫn kỹ thuật ươm trồng. Ở xa, Trung đều sắp xếp thời gian đến tận nơi ít nhất 2 lần khảo sát địa điểm, thổ nhưỡng và chỉ dẫn kỹ thuật trồng cho bà con. Từ mô hình của mình, hai năm liền Trung vinh dự nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp, giấy khen, bằng khen của Phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng.
35 tuổi, Lê Thành Trung đã trở thành một nông dân thực thụ với vườn lan hàng chục ngàn cây rộng hơn 7ha, thu nhập khủng. Mỗi ngày, một mình Trung vẫn đều đặn vận hành vườn bằng hệ thống tưới tiêu tự động, chăm sóc từng cành lan và không ngừng nỗ lực mở rộng. Trung bảo, không có nghề nào không gặp khó khăn, nhất là với kinh tế nông nghiệp giữa biến đổi khí hậu khó lường. Thời điểm mới trồng là cả một thách thức không hề nhỏ, từ khâu xin đất mở rộng trang trại cho đến tìm đầu ra, giá cả và sự phục vụ phải thật sự mềm và chuyên nghiệp mới có thể đánh bật được những nguồn hoa từ TP.HCM, Đà Lạt đã “cắm chốt” với miền Trung hàng chục năm. Khó nhưng đã dấn thân thì cần nỗ lực, cần niềm tin và cần cập nhật thường xuyên những kinh nghiệm cần thiết để đứng vững.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)