“Trong công tác giáo dục, người giáo viên đừng nên đặt nặng cái tôi của mình mà hãy luôn đặt mình vào vị trí học trò, hiểu học trò và cũng đừng nên quá cứng nhắc, luôn coi mình là đúng”, đó là chia sẻ của thầy Trần Văn Đức (nguyên giáo viên toán, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) trong buổi tọa đàm “Kỹ sư tâm hồn, giữ vững niềm tin” do Trường THPT Nguyễn Du tổ chức sáng 26-4.
Bà Nguyễn Hồ Thụy Anh cho rằng các trường sư phạm nên đưa ra những khóa học dạy sinh viên hóa giải áp lực… |
Trước quá nhiều vấn đề của ngành giáo dục liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, buổi tọa đàm như một tiếng nói, lời động viên, khích lệ, sốc lại tinh thần, hóa giải những áp lực về nghề của các thầy cô giáo, qua đó đề ra những phương pháp giáo dục đúng đắn. Đồng thời, hun đúc thêm niềm tin cho học sinh trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề.
Theo kết quả khảo sát của Trường THPT Nguyễn Du về mối quan tâm của học sinh trong trường trước những vấn đề giáo dục, có tới 46% bày tỏ thái độ quan ngại về hình ảnh của nhà giáo trong tình hình hiện nay; 53% trả lời rất quan tâm và lên án. Từ kết quả này, em Võ Phi Thành Đạt (Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Du) cho rằng hình ảnh của một số thầy cô giáo đang dần mất đi giá trị cao đẹp về nghề và thậm chí trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều học sinh. Là một người mẹ và cũng là một người giáo viên, cô Nguyễn Thị Hoa Hồng (dạy môn vật lý tại Trường THPT Nguyễn Du) đặt ra câu hỏi: “Ngày nay liệu nhà trường có còn là nơi an toàn nhất cho học sinh khi vô vàn những điều “phi giáo dục” đã diễn ra?”. Theo quan điểm của cô Hồng, người giáo viên hiện nay đang thiếu những kỹ năng về giao tiếp, về ứng xử với học sinh dẫn đến sự thiếu tôn trọng lẫn nhau giữa thầy và trò; người giáo viên cũng chưa thật sự nắm được tâm lý học sinh, phương pháp giảng dạy chưa có sự tương tác cao giữa thầy và trò. Đặc biệt, việc ít cập nhật kiến thức về chuyên môn và xã hội cũng là một yếu tố khiến thầy và trò “lạc” mất nhau.
Dưới góc độ tâm lý học, ThS. Đào Thị Duy Duyên (giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng những hiện tượng phi giáo dục xảy ra trong thời gian qua một phần là do người giáo viên chịu quá nhiều áp lực. “Sự tổn thương về mặt tâm lý của học sinh đôi khi là do cách hiểu của các em. Đây cũng chính là thử thách của người thầy để làm sao trung hòa được cảm xúc này ở mỗi em. Bên cạnh đó, suy nghĩ giữa thầy và trò chưa có sự tương đồng, thông hiểu cũng là nguyên nhân dẫn đến các hành vi thiếu chuẩn mực”, ThS. Duyên chỉ ra.
Theo ThS. Duyên, để hạn chế những sự việc này cần phải có sự can thiệp kịp thời từ phía ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo ngành giáo dục… và chính bản thân người giáo viên cũng phải nhìn nhận lại cách ứng xử đối với học sinh, sớm đưa ra bộ quy tắc ứng xử trong học đường. Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết người giáo viên không nên coi mình có “toàn quyền” với học sinh trong giờ lên lớp để có thể o ép, áp đặt các em. Mà hãy coi “toàn quyền” là trách nhiệm của mình để hoàn thành giờ dạy thật hiệu quả. “Hãy luôn cập nhật kiến thức để không bị đào thải, đi sau học sinh. Biết chọn lựa kiến thức trước mênh mông kiến thức trên mạng xã hội để có thể truyền đạt cho các em một cách chính xác nhất”, TS. Hồng nhấn mạnh.
Cho rằng chính sự ứng xử của người giáo viên góp phần hình thành nên một phần nhân cách cho học sinh, ThS. Nguyễn Hồ Thụy Anh (Trường phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers) kiến nghị các trường sư phạm nên đưa ra những khóa học dạy sinh viên sư phạm hóa giải những ức chế, áp lực thành những điều tích cực.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du), người giáo viên nếu muốn học sinh thương mình thì trước hết phải biết trân quý lấy nghề. Từ đó đưa ra được những “khuôn vàng thước ngọc” trong cách cư xử đúng mức giữa thầy và trò…
Yến Hoa
Bình luận (0)