Tôi đã về hưu nên có thời gian giúp cho đứa cháu học lớp 7 ôn tập thi học kỳ I. Tôi thấy cháu được thầy cô phát cho nhiều đề cương ôn tập đã đóng lại thành một tập. Nếu trừ môn nhạc, thể dục, mỹ thuật thì 10 môn còn lại môn nào cũng có đề cương, mỗi đề cương có từ 15 đến 20 câu hỏi và trả lời. Môn văn, toán còn được “khuyến mãi” thêm mấy chục đề tham khảo. Nhìn xấp đề cương dày cộm mà tôi thấy ngán ngẫm dùm cháu. Còn cháu hồn nhiên nói: “Từ nay đến ngày thi chúng con phải “nuốt” trọn bộ đề cương này đó cô Ba”.
Qua hai tuần dò bài, cháu đã “nuốt chửng” được đề cương của những môn thi đầu tiên. Nhưng tôi nhìn mặt cháu, thấy “khờ” hẳn ra. Cháu lại tiếp tục ê a nhồi nhét vào đầu đề cương các môn thi sau. Nghĩ cũng nể thật! Ngay cả thầy cô giáo, nếu bảo học thuộc lòng xấp đề cương ấy, tôi e cũng khó thuộc.
Theo Thông tư 58 của Bộ GD-ĐT, giáo viên kiểm tra đánh giá học sinh bằng cách cho điểm thông qua kiểm tra miệng 15 phút, một tiết và kiểm tra học kỳ. Bên cạnh đó, việc đánh giá còn bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh; bằng kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với từng chủ đề. Quan trọng hơn còn có hình thức kiểm tra thực hành nữa. Vậy mà thực hành và các yếu tố khác dường như bị bỏ quên.
Ở một số trường, đa số giáo viên vẫn còn đánh giá học sinh theo kiểu dựa trên ghi nhớ kiến thức. Trước kỳ thi, thầy cô tung ra đề cương ôn tập cho học sinh. Khi kiểm tra, học sinh chỉ cần trả bài hay ghi lại đúng từ, đúng ý như trong đề cương là có thể đạt điểm cao. Tôi dò hỏi thì được biết, trong quá trình ôn tập, thầy cô có người hệ thống kiến thức lại giúp cho học sinh hiểu bài, nhưng có người không làm. Khi ôn tập, có bài cháu tôi đọc làu làu mà chẳng hiểu chi. Tôi đã giúp cháu bằng cách giải thích thêm những chỗ cháu chưa hiểu, dạy cháu cách làm dàn ý, sơ đồ tư duy; hướng dẫn cháu nhìn các nhánh của sơ đồ tư duy mà diễn đạt ý tưởng. Nhờ thế, cháu hiểu và thuộc bài nhanh. Nhưng nói chung, cô và cháu vẫn loay hoay ở chỗ “học thuộc lòng”.
Thiết nghĩ, khi kiểm tra, giáo viên nên đặt ra nhiều câu hỏi thuộc dạng tổng hợp, so sánh hay liên hệ thực tế, giải quyết tình huống, học sinh được động não, tư duy, có dịp thể hiện suy nghĩ riêng và phát huy tính tích cực hơn. Thầy cô nên cho điểm thực hành càng nhiều, càng tốt. Vì như vậy thể hiện rõ quan điểm giáo dục “học đi đôi với hành”. Các em “hành” trên cơ sở “hiểu” bài, sẽ hứng thú hơn là ngồi “nhai đi nhai lại” từng câu chữ trong sách giáo khoa. Khi học sinh hoạt động nhóm dựa theo kiến thức đã học: thí nghiệm, thuyết trình, diễn tiểu phẩm, kịch, làm phim…, thầy cô sẽ nhận xét đánh giá và cho điểm nhóm, cá nhân, thay vì chỉ gọi trả bài.
Tôi rất tâm đắc khi môn văn có sự thay đổi. Đề thi văn thường gắn liền với cuộc sống nên học sinh không cần học thuộc lòng mà phải nắm vững phương pháp. Nếu các cháu chịu khó quan sát cuộc sống là có thể tích lũy nhiều kiến thức để làm bài. Gần đây, với hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhà trường, các cháu được tạo điều kiện tham quan thực tế. Qua mỗi chuyến đi, các cháu thực hiện một số hoạt động, viết thu hoạch sau chuyến đi, thầy cô sẽ nhận xét và đánh giá học sinh bằng điểm số từ đó.
Như vậy, có nhiều cách để kiểm tra, đánh giá học sinh. Nếu chỉ đơn thuần học thuộc lòng, các cháu chỉ là “những con vẹt biết nói” không hơn, không kém.
Mong sao có sự thay đổi tích cực từ các thầy cô giáo để việc học của học sinh ngày một hứng thú, thiết thực và hiệu quả hơn. Từ đó, học sinh sẽ bớt khổ trước các kỳ thi.
Trần Thị Minh Thi
Bình luận (0)