Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Hiệp sĩ” của voọc chà vá

Tạp Chí Giáo Dục

Voọc chà vá chân nâu ở báo đảo Sơn Trà
28 tuổi, cô gái Lê Thị Trang ở Liên Chiểu (Đà Nẵng) được nhiều người biết đến như một “hiệp sĩ” của loài voọc chà vá chân nâu – một loài linh trưởng quý hiếm trong sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ ở bán đảo Sơn Trà. Trang vinh dự nhận giải thưởng quốc tế Nhà bảo tồn trẻ xuất sắc thế giới – Future For Nature Award 2015.
Linh trưởng chà vá sống ở phố!
Câu chuyện nghe có vẻ lạ lẫm đối với nhiều người nhưng lại là sự thật ở Đà Nẵng. Tuy nhiên đằng sau câu chuyện thú vị ấy, ít ai biết rằng, có một Lê Thị Trang mê bảo tồn động vật hoang dã, một trong những thành viên trẻ thuộc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt Xanh (GreenViet) đang lặng thầm những bước chân giúp bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm, tuyên truyền ý thức bảo vệ động vật hoang dã đến tận người dân, học sinh. Chính những đóng góp thầm lặng ấy đã góp phần tạo nên không gian sống xanh cho linh trưởng chà vá ở phố.
Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng năm 2009. Ra trường, cô cử nhân ngành công nghệ môi trường không chọn một công việc như ngành học mà cô theo đuổi niềm đam mê hoạt động bảo tồn động vật đã theo đuổi suốt 2 năm trước đó, khi đang ngồi trên ghế giảng đường. Ban đầu Trang vào làm ở nhóm dự án Mac Arthur khu vực miền Trung, Tây Nguyên của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), phụ trách khu vực từ Quảng Trị đến Gia Lai. Công việc chính là nghiên cứu các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn động vật hoang dã. Đến giữa năm 2013, Trang xin về GreenViet. “Mình nghĩ, ngay tại thành phố mình đang sống cũng đang có linh trưởng nằm trong sách đỏ cần bảo vệ nguy cấp nên mình muốn góp một chút công sức với công cuộc bảo tồn nơi đây”, Trang nói. Một chiến lược truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực, mở đầu với Chiến dịch bảo tồn loài chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà được cô gái trẻ này chung tay xây dựng cùng đồng nghiệp. Với bốn mục tiêu dự án của Trang đưa ra, gồm: Nghiên cứu lại toàn bộ số liệu về loài voọc chà vá chân nâu; Từ kết quả nghiên cứu đó sẽ đưa thông tin đến những nhà bảo tồn để vận động chính sách, giúp chính quyền thành phố có những cân nhắc và tính toán hợp lý trong quy hoạch, đảm bảo không phá vỡ hệ sinh thái; Đẩy mạnh truyền thông giáo dục đến với người dân; Hướng đến năm 2020, loài voọc chà vá chân nâu sẽ trở thành biểu tượng đầy thân thiện của Đà Nẵng. Dự án xuất sắc lọt vào top 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc thế giới.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Lê Thị Trang (bìa phải) và nhóm GreenViet
“Bảo tồn động vật hoang dã không thể thực hiện được khi chỉ có tình yêu, niềm đam mê cá nhân mà đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng”. Nghĩ và hành động! Trang bắt tay cùng đồng nghiệp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là lớp trẻ mỗi khi các bạn tham quan bán đảo Sơn Trà. Thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa cho học sinh các cấp ở Đà Nẵng tham quan, dã ngoại thực tế. Bằng các ống nhòm, Trang đã chỉ cho các bạn cách ngắm nhìn tận mắt sự đáng yêu của các loài linh trưởng rồi từ đó tuyên truyền cho các bạn cách bảo vệ động vật. Với cách làm việc đầy lửa của mình, Trang đã truyền tình yêu động vật hoang dã cho hàng ngàn lượt du khách. Suốt 2 năm nay, nhiều chương trình truyền thông đã được Trang cùng nhóm GreenViet thực hiện. Đặc biệt là chương trình “Hiệp sĩ rừng Sơn Trà” triển khai thí điểm tại các trường học thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà như: Trường TH Trần Quốc Toản, Trường TH Nguyễn Tri Phương; Trường THCS Lý Tự Trọng, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh. Riêng đối với những nhóm phượt tham quan dành cho giới trẻ, sinh viên, bao giờ Trang cũng là người đi cuối hành trình. Trang bảo, như vậy để có thể dễ dàng bao quản hết nhóm, không sợ các bạn bị bỏ lại vì một lí do nào đó. “Một không gian thiên nhiên hoang dã ở phố với sự góp mặt của chà vá chân nâu sẽ khiến cảm xúc của người đến đong đầy, lắng đọng chứ không trơn tuột theo nhịp sống tất bật thường ngày!”, du khách Muraki đến từ Nhật Bản bộc bạch.
Trang chia sẻ: “Hiện mình đang dự định theo học thạc sĩ tại Úc hoặc Mỹ, muốn có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về các loài động vật hoang dã, đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu để có phương án tối ưu bảo tồn loài linh trưởng này trước nguy cơ tuyệt chủng!”. Trò chuyện với Trang, tôi cảm nhận được niềm say mê và tình yêu đối với các loài động vật hoang dã, chợt nhận ra rằng, không dễ để một loài linh trưởng hiếm như chà vá chân nâu sống trong không gian thành phố một cách thân thiện. Chính tình yêu và những bước chân thầm lặng trong công cuộc bảo tồn như Trang đã góp phần làm nên điều kì diệu đó!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Theo số liệu thống kê, hiện bán đảo Sơn Trà có khoảng 350 cá thể voọc chà vá chân nâu. Đây là một loài linh trưởng nằm trong sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ.   
 

Bình luận (0)