Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bất an thực phẩm mùa cuối năm: Kỳ 3: Những “sát thủ” của người tiêu dùng

Tạp Chí Giáo Dục

Đội quản lý thị trường TP.HCM đang kiểm tra thuốc lá nhập lậu. Ảnh: C.V
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, chưa bao giờ tình hình buôn lậu và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lại diễn biến phức tạp như hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao. 
Nhức nhối thuốc lá lậu
Cũng như các mặt hàng xa xỉ khác, thuốc lá là mặt hàng kinh doanh siêu lợi nhuận, vì thế một số người bỏ vốn ra để tìm cách kinh doanh nhằm thu lợi bất chính. Mặt khác, đây là sản phẩm hàng hóa đi qua biên giới dễ cất giấu và không cần đến thời hạn sử dụng. Không chỉ các tỉnh dọc biên giới như Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh mà ngay cả một số địa phương giáp ranh với các quận nội thành như Hóc Môn, Củ Chi, Q.12, tình hình buôn lậu thuốc lá diễn ra rất phức tạp, luôn là bài toán khó giải cho các nhà chức trách mà cụ thể là công an kinh tế và cảnh sát điều tra. Những đường dây này thường được tập kết tại các điểm trung gian như Đức Hòa, Đức Huệ ở Long An. Để che mắt chính quyền, nhiều trùm buôn lậu tổ chức các mạng lưới chân rết nhỏ và luôn có lực lượng “cảnh vệ” giám sát. Hàng lậu được cất giấu tinh vi bằng nhiều hình thức và vận chuyển bằng các con đường khác nhau. Ngoài ô tô đường bộ là các “cửu vạn” vận chuyển bằng xe máy, lội bộ băng rừng ở nhiều thời điểm khác nhau, nhất là khi cơ quan chức năng thiếu cảnh giác. Nổi cộm nhất là vụ án vừa mới xảy ra vào ngày 9-1 trên địa bàn xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ (Long An). Sau một thời gian phá án, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) đã bóc gỡ được đường dây vận chuyển, buôn lậu và tàng trữ thuốc lá ngoại nhập lớn nhất từ trước đến nay. Tang vật thu được là 52 ngàn gói thuốc lá ngoại gồm Jet, Hero và 555. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của một “tảng băng chìm” buôn lậu thuốc lá ngoại.  
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã từng có chỉ thị tăng cường chống buôn lậu, nhưng hiện vẫn diễn biến phức tạp và có phần nghiêm trọng hơn, đặc biệt là tại các tỉnh thành lớn như TP.HCM. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thành thuốc lá ngoại thấp nên đem lại lợi nhuận cao, ý thức chấp hành luật của người dân yếu kém, lực lượng chức năng làm việc thiếu đồng bộ và chưa đủ nhân lực. Ngoài ra, có cầu ắt có cung, nhu cầu người dân hút thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn cao, chưa có dấu hiệu giảm bớt nhất là đối tượng thanh thiếu niên!  
“Điệp khúc” vi phạm an toàn thực phẩm
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, mỗi đợt kiểm tra liên ngành có vài chục ngàn cơ sở kinh doanh trong cả nước vi phạm – một con số không hề nhỏ. Sẽ có không biết bao nhiêu con người bị ảnh hưởng sức khỏe trước mắt và lâu dài. Ngoài xử lý tại chỗ các cơ quan chức năng đã cảnh cáo, phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm của từng cơ sở. Qua kết quả kiểm nghiệm nhiều mặt hàng ăn uống không đạt tiêu chuẩn hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác theo quy định. Thời gian gần đây, nhiều loại động vật gia súc gia cầm vận chuyển trái phép không đảm bảo an toàn do chưa được kiểm định chất lượng. Ngoài đường phố vẫn có nhiều sạp bán gà, vịt, heo do người dân tự ý giết mổ nguồn gốc từ nhiều nơi đưa về. Hiện nay nhiều người dân đã có ý thức mua các loại trứng gia cầm do các công ty cung cấp rất đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nơi kinh doanh nhỏ lẻ vì hám lợi đã nhập về các loại trứng gà vịt không rõ nguồn gốc. Tại các chợ Bình Triệu, An Nhơn vẫn có người bán trứng gà trứng vịt trôi nổi nhưng lại gắn nhãn mác của các hàng cung cấp trứng gia cầm nổi tiếng quen thuộc như Hồng Gò Vấp, Ba Huân… để đánh lừa người tiêu dùng. Một số cơ sở kinh doanh trái phép đã vận chuyển và tái chế các thực phẩm như da, ngũ tạng động vật từ Trung Quốc và miền Bắc để tuồn vào các bếp ăn và nhà hàng ẩm thực.

Theo Cục An toàn thực phẩm thì năm 2014 cả nước ghi nhận có 189 vụ ngộ độc thực phẩm. Cuối năm 2014 dư luận lại nóng lên các vụ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương. Đặc biệt là vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty Nam Sung Vina (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vào ngày 8-1 làm cho 163 công nhân bị ngộ độc phải nhập viện. 

Mặc dù đã được tập huấn kỹ lưỡng về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng một số hộ kinh doanh vẫn phớt lờ chuyện giữ gìn thức ăn đường phố như: Không đeo bao tay khi chế biến thức ăn, thức ăn lạm dụng phẩm màu độc hại, phù phép thực phẩm quá đát thành món ăn đặc sản.
Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra. Xét về nguyên nhân, trước hết do thực phẩm chế biến sẵn ngày càng nhiều, các bếp ăn tập thể gia tăng dẫn đến nguy cơ ngộ độc. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường tạo nên sự cộng hưởng làm cho môi trường thực phẩm bị nhiễm bẩn. Rau củ bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thịt cá “lưu trữ” thuốc thú y và hóa chất bảo quản thực phẩm quá liều cũng làm tăng các vụ ngộ độc. Bên cạnh đó, nhiều quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh tìm cách “qua mặt” các nhà chức năng nên gây khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, các vụ ngộ độc ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng con người. Đây luôn là tiếng chuông báo động để cảnh tỉnh ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân.
Quang Phan
Người tiêu dùng hãy cẩn trọng
Ông Huỳnh Tấn Phát – Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM cho biết: Chúng tôi liên tục phát hiện thịt gà không rõ nguồn gốc, thịt heo thối đang được làm sạch để phân phối cho các chợ, cơ sở chế biến heo quay, các quán ăn. Vì lợi nhuận từ việc kinh doanh thực phẩm “bẩn” quá cao nên người buôn bán chẳng dễ dàng gì từ bỏ. Dịp Tết là thời điểm thuận lợi để thịt gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch trà trộn vào các chợ, quán ăn nên người tiêu dùng nên cẩn trọng.
 
T.B

 

Bình luận (0)