Đây là thông tin được đưa ra tại lễ ký kết hợp tác giữa Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và công bố kết quả nghiên cứu an toàn giao thông năm 2016.
Lãnh đạo Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cùng các đại diện tại buổi lễ ký kết hợp tác – ẢNH: CHÍ TUỆ |
Công bố kết quả đề án “Nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội và đề xuất giải pháp cải thiện”, PGS.TS. Chu Công Minh, Đại học Bách khoa TP HCM, cho biết, theo nghiên cứu, học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông của trẻ em và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây.
"Sự thay đổi từ phương tiện đi bộ và xe đạp sang xe đạp điện và xe máy điện, loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn (25-50km/h) có thể lý giải tại sao học sinh THPT lại chiếm tới 90% các vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây”, PGS.TS. Chu Công Minh giải thích.
Ba nguyên nhân hàng đầu góp phần gây ra tai nạn giao thông trẻ em bao gồm: đi sai phần đường, vi phạm tốc độ (nguyên nhân hàng đầu) và thiếu quan sát.
Bên cạnh đó, học sinh THPT còn vi phạm những quy định cơ bản khi tham gia giao thông: 34% xe mô tô không có gương chiếu hậu, với xe máy điện, tình trạng này là 81% và với xe đạp điện là 90%.
Tính đến hết năm 2017, chỉ xét riêng hộ gia đình có học sinh cấp 3 thì nghiên cứu cho thấy có tới hơn 200.000 xe đạp điện và xe máy điện lưu hành tại Hà Nội, góp phần không nhỏ vào vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông tại thủ đô.
Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp mang tính đột phá và toàn diện trong đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh THPT.
Thứ nhất, đề xuất thực hiện sửa đổi các văn bản, quy chuẩn và tiêu chuẩn để tạo cơ sở pháp lý cho công tác đảm bảo ATGT cho học sinh.
Thứ hai, đề xuất cải thiện các công trình và tổ chức giao thông khu vực xung quanh trường học để tăng sự an toàn cho học sinh khi tới trường.
Thứ ba, triển khai các chương trình phổ biến kiến thức và thực hành kỹ năng điều khiển phương tiện cho học sinh.
Thứ tư, kiểm soát phương tiện đi lại của học sinh, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải giao Cục đăng kiểm siết chặt quản lý phương tiện xe máy điện, xe đạp điện.
CHÍ TUỆ/TTO
Bình luận (0)