Trong xu thế phát triển ngày càng nhanh của thế giới, cũng như xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu, rộng, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, hơn lúc nào hết, cần nắm bắt và tận dụng tối đa các cơ hội nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, song song với những thuận lợi, những thách thức và khó khăn cũng không hề ít. Các quốc gia ngày càng trở nên gần nhau hơn, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và internet, ở một chừng mực nào đó, gần như đã xóa nhòa các ranh giới địa lý.
Các nhóm, cộng đồng các quốc gia ngày càng xuất hiện nhiều hơn nhằm gắn kết và tăng cường sức mạnh, tận dụng tối đa nguồn lực để phát triển, và mạng internet lại đóng vài trò vô cùng quan trọng. Internet liên kết các quốc gia, củng cố sức mạnh cộng đồng không chỉ ở phạm vi quốc gia, mà đối với từng cá nhân. Các mạng xã hội đã giúp gắn kết tất cả mọi người trên thế giới, không phân biệt quốc gia, khu vực địa lý.
Tuy nhiên, để có thể khai thác tốt các lợi thế nêu trên, nền tảng căn bản vẫn là ngôn ngữ giao tiếp. Nếu internet là điều kiện cần giúp xây dựng các cộng đồng, đưa các cá nhân, quốc gia xích lại gần nhau thì sự sẵn sàng, thuần thục trong sử dụng ngôn ngữ, ngoại ngữ là điều kiện đủ, giúp thắt chặt, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng.
Là một quốc gia đang phát triển, nằm trong khối ASEAN là một trong những khối kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, Việt Nam đã, đang và tiếp tục hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Việt Nam nhận thức chính xác tầm quan trọng của công nghệ thông tin, Internet cũng như ngoại ngữ trong việc phát triển và hội nhập của đất nước trong thế kỷ 21. Việc đầu tư cho công nghệ thông tin, cũng như giảng dạy và học tập ngoại ngữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, không những chỉ của ngành giáo dục, mà là của tất cả các bộ ngành cũng như của chính phủ, trong đó nhân tố “con người” có vai trò trung tâm và quyết định.
Việc hội nhập mang lại cho chúng ta nhiều lợi thế và cơ hội, nhưng trên thực tế chúng ta cũng gặp phải không ít những khó khăn. Trong sự giao thoa ngày càng sâu sắc giữa các nền văn hóa, giữa con người với con người, các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị đạo đức cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Mặt trái của xu thế toàn cầu hóa, của việc hội nhập và nền kinh tế thị trường đang có những ảnh hưởng tiêu cực tới văn hóa, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, sinh viên, học sinh.
Vì vậy, với kim chỉ nam “hòa nhập nhưng không hòa tan”, nhằm hạn chế tối đa mặt trái của quá trình hội nhập, nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục là phát triển nhân cách, đạo đức song song với phát triển kiến thức và chuyên môn cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.
Các chương trình học, các môn học trong hệ thống giáo dục nói chung và ngoại ngữ nói riêng, không chỉ cung cấp kiến thức mà cần phải hàm chứa nhiều câu chuyện, bài học có tính giáo dục về giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc này giúp thế hệ trẻ nhận diện và có ý thức tốt, đầy đủ về bản thân, về đất nước và con người, những đặc trưng, những điểm khác biệt và sự tương đồng giữa các nền văn hóa.
Các em có thể sử dụng ngoại ngữ để tiếp cận, tìm hiểu đặc trưng của các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới và các em cũng có thể sử dụng ngoại ngữ để mô tả về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè 5 châu.
Trên thực tế, so với những năm trước đây, học sinh, sinh viên nói riêng và Việt Nam nói chung, số lượng người hiểu, sử dụng và giỏi ngoại ngữ ngày càng tăng lên. Đó cũng là một trong những kết quả và ảnh hưởng của “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trong giai đoạn 2020”.
Tuy nhiên, nếu thiếu sự quan tâm đúng mức, nhận định và định hướng mang tính chiến lược trong việc giáo dục song song văn hóa truyền thống và giá trị đạo đức của dân tộc, con người Việt Nam, việc xuất hiện sự lai căng, sự biến tướng, mai một sẽ là các hệ quả nhãn tiền, chúng ta có thể thấy rõ trong tương lai không xa.
Lê Hoàng Nam
Bình luận (0)