Giáo viên tiểu học trên địa bàn TP.HCM sẽ được chủ động hơn trong việc ra đề kiểm tra định kỳ |
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn ra đề kiểm tra định kỳ bậc tiểu học năm học 2016-2017. Theo hướng dẫn, việc ra đề kiểm tra dựa trên tinh thần của Bộ GD-ĐT, đó là trao quyền tự chủ, tăng quyền chủ động nhiều hơn cho giáo viên về đánh giá học sinh tiểu học nói chung và việc ra đề kiểm tra định kỳ nói riêng. Trong đó không quy định “cứng” mỗi giáo viên phải thực hiện tuần tự, đúng các bước xây dựng ma trận đề, biên soạn đề như trong tài liệu tập huấn của Bộ GD-ĐT. Tài liệu tập huấn và đề minh họa là để giáo viên tham khảo và vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế, tránh rập khuôn, máy móc trong quá trình thực hiện Thông tư 22. Các yêu cầu cụ thể về đề kiểm tra như tỉ lệ điểm, tỉ lệ mức nhận thức… được thực hiện theo quy định tại công văn 4057.
Đối với môn tiếng Việt: Cần linh hoạt trong việc phân chia số lượng câu hỏi theo tỷ lệ mức nhận thức, không cứng nhắc ép buộc giáo viên phải thực hiện câu hỏi theo mức nhận thức ở những phân môn như tập làm văn, chính tả, đọc thành tiếng… Môn toán: Do không có chuẩn quy định, bắt buộc một dạng bài cụ thể phải thuộc một mức độ nhận thức nào đó nên giáo viên có thể tùy theo từng khối lớp để chọn lựa mức độ nhận thức phù hợp cho từng dạng bài. Giáo viên cần chú ý dạy học sinh theo năng lực, nhưng đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Những bài tập có nâng cao độ khó lên nhưng kiến thức vẫn thuộc chuẩn thì vẫn được xem xét chấp nhận. Môn lịch sử, địa lý, khoa học: Giáo viên xây dựng ma trận đề kiểm tra theo 4 mức độ giúp hệ thống mạch kiến thức, mức độ, hình thức đề kiểm tra. Việc xác định mức độ nhận thức cần bám sát vào chuẩn kiến thức, kỹ năng và có thể linh hoạt tăng giảm tỷ lệ giữa các mức nhận thức trong khoảng 5%. Môn tiếng Anh: Đề kiểm tra cần đảm bảo 4 kỹ năng. Tổng thời gian cho cả 3 kỹ năng nghe, đọc, viết không quá 35 phút và không quá 30 câu hỏi cho cả 3 kỹ năng. Riêng kỹ năng nói, thi riêng hoặc sử dụng kết quả đánh giá thường xuyên trong lớp. Đối với lớp 1, 2, 3 – tập trung vào nghe, nói nên bài kiểm tra trên giấy lần lượt là 25-30-35 phút. Tỷ lệ các kỹ năng ở các lớp 1, 2, 3: Trọng tâm bài kiểm tra thiên về kỹ năng nghe, nói; lớp 4: tăng đọc, viết; lớp 5: cả 4 kỹ năng đều nhau (tỷ lệ 25%). Môn tin học: Số câu hỏi lý thuyết tối đa 10 câu, các câu hỏi thực hành tối thiểu là 2 câu. Câu hỏi lý thuyết được soạn theo định hướng chuẩn quốc tế, hướng đến những tính năng hiện đại, cốt lõi thay vì chỉ xoay quanh các kỹ năng thao tác trên các phần mềm và hệ điều hành lỗi thời. Theo Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường duyệt đề kiểm tra theo đúng quy định, cần sửa chữa các lỗi về cách đặt câu hỏi của giáo viên, nhanh chóng tham mưu cho lãnh đạo địa phương từng bước cập nhật hệ thống máy tính và phần mềm đi kèm để có thể nâng cao chất lượng dạy tin học theo mặt bằng chung của thành phố.
N.Trinh
Bình luận (0)