Ở tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi trên quê hương của mình sau những tháng năm tuổi trẻ cống hiến, ươm mầm bao thế hệ trẻ, GS.TS Yoshiaki Takahashi (ĐH Chuo, Nhật Bản) lại tình nguyện rời quê hương, đến Việt Nam, giảng dạy tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Ông bảo rằng, việc chọn Đà Nẵng để tiếp tục công việc giảng dạy là bởi ông tìm thấy ở mảnh đất này sự thân thương như ở quê hương mình…
GS.TS Yoshiaki Takahashi và các sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng |
Suất học bổng nghĩa tình
Năm 2013, sau khi về hưu, GS. Yoshiaki Takahashi đã đến Đà Nẵng làm công việc giảng dạy tình nguyện cho Trường ĐH Kinh tế. Gần 4 năm gắn bó với Đà Nẵng, ông không chỉ truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sinh viên trên giảng đường mà ông còn dành nhiều tâm huyết của mình thông qua các suất học bổng để giúp các bạn sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp tục đến trường. Sinh viên Huỳnh Thị Thu Trang, một trong 5 sinh viên đầu tiên của Trường ĐH Kinh tế được nhận học bổng xúc động nói: “Ngày em đỗ ĐH, ba mẹ em vui mừng lắm nhưng sau đó là cả niềm âu lo vì chặng đường 4 năm trên ghế nhà trường của em cần rất nhiều chi phí học tập. Được nhận học bổng của GS.TS Yoshiaki Takahashi, không chỉ em mà cả ba mẹ đều rất vui. Trước mắt, không còn phải lo khoản học phí cho năm học này. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt”. Với 1 tỷ đồng học bổng mà GS. Yoshiaki Takahashi trao tặng, trong vòng thời gian 5 năm, nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Trường ĐH Kinh tế được đỡ đần, hỗ trợ về chi phí học tập.
Nói về những suất học bổng của mình, GS.TS Yoshiaki Takahashi tâm tư: “Tôi cũng từng là một cậu học trò được nhận những suất học bổng tiếp sức đến trường để được như ngày hôm nay. Bởi vậy, tôi muốn dành những học bổng này để trao cơ hội cho các bạn sinh viên nghèo. Đó cũng là một điều cần làm, sự trao đi không mất mà sẽ nhân thêm lên nhiều niềm vui và niềm tin”. Số học bổng mà ông trao tặng lần này là số tiền ông tích cóp được từ tiền bảo hiểm mà mình nhận được khi về hưu.
Tiếp sức văn hóa đọc
GS.TS Yoshiaki Takahashi trao tặng quỹ học bổng 1 tỷ đồng |
GS.TS Yoshiaki Takahashi từng đi qua 47 quốc gia để thực hiện giảng dạy và nghiên cứu. Năm 2000, ông đến Việt Nam cùng một nhóm nghiên cứu. Các năm tiếp sau đó, cứ mỗi năm ông đến Việt Nam một lần trong khoảng thời gian tầm 1 đến 2 tháng để làm giáo viên tình nguyện. Năm 2013, khi về hưu, ông nhận lời mời của ĐH Đà Nẵng, sang giảng dạy tình nguyện tại Trường ĐH Kinh tế và gắn bó tận bây giờ. Ở trường, ông không chỉ truyền đạt cho sinh viên và trao đổi với đồng nghiệp về các kiến thức hiện đại, những kinh nghiệm quý báu mà ông còn dành cho các sinh viên những đầu sách quý giá, tiếp sức cho văn hóa đọc vốn đang là một vấn đề trăn trở trong thời đại công nghệ số. Năm 2014, GS.TS Yoshiaki Takahashi từng tặng cho Trung tâm Học liệu ĐH Đà Nẵng 7.000 đầu sách chuyên ngành kinh tế và quản trị kinh doanh có giá trị bằng tiếng Nhật và tiếng Anh. Số sách này, năm 2015 đã được chuyển giao cho thư viện Trường ĐH Kinh tế. Đó là số sách quý giá mà ông đã sưu tầm được trong suốt cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu của mình. Ông kể lại: “Những năm đầu trên giảng đường ĐH, tôi rất mê và hay đọc sách nhưng không có tiền để mua. Một tuần tôi làm gia sư 5 buổi, mỗi tháng được trả công 13.000 Yên. Thế là tôi dành 2/3 số tiền đó để mua sách. Nhờ có sách mà tôi mới trở thành nhà nghiên cứu như hôm nay. Bởi vậy, tôi rất quý sách”. GS. Takahashi cũng cho rằng, dù sách đối với ông rất quý nhưng việc trao tặng cho ĐH Đà Nẵng là cần thiết, bởi sách chỉ có giá trị khi có người muốn đọc nó.
Để ghi nhận sự cống hiến của GS. Yoshiaki Takahashi, ngày 16-2-2017, ĐH Đà Nẵng đã tổ chức lễ bổ nhiệm chức danh giáo sư danh dự cho GS. Yoshiaki Takahashi (ĐH Chuo, Nhật Bản). GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, GS.TS Yoshiaki Takahashi là chuyên gia hàng đầu về ngành nhân sự và quản lý doanh nghiệp ở Nhật Bản. Ông là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho quan hệ hợp tác trao đổi học thuật giữa ĐH Đà Nẵng với Trường ĐH Chuo. |
Hỏi ông về việc tình nguyện đến Đà Nẵng, ông bảo rằng, ông thích Việt Nam, nhất là Đà Nẵng bởi mảnh đất này có phong cảnh mà một cảm giác thân thiết giống quê hương ông. Một điều đặc biệt khác, niềm vui với ông như được nhân đôi bởi được sống nơi này và truyền đạt kiến thức, giúp đỡ được nhiều sinh viên nghèo tới trường.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)