Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Quan tâm đặc biệt đến đầu tư giáo dục!

Tạp Chí Giáo Dục

Trong số báo ngày 24-4, Giáo dục TP.HCM đã có bài trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh (Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Trường THCS, THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ, TP.HCM) về chuẩn của trường quốc tế. Trên số báo này, TS. Huỳnh Công Minh trao đổi tiếp về vấn đề đầu tư cho giáo dục.

Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường cần phân bổ học sinh đúng chuẩn trong lớp. Ảnh: N.Trinh

Theo TS. Huỳnh Công Minh: Đầu tư cho giáo dục là một vấn đề quan trọng, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”. Thế nhưng các nhà quản lý giáo dục thường rất ít quan tâm về lĩnh vực này, hoặc nếu có quan tâm thì chỉ chú ý đến tỉ lệ đầu tư ngân sách trên tổng số ngân sách chung của địa phương, cho đó là phần việc của tài chính kế hoạch tham mưu chính cho lãnh đạo, Hội đồng Nhân dân và chính quyền địa phương. Có lần tháp tùng đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tham quan nước bạn Singapore, ở đó tôi tiếp xúc với Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT của bạn mới biết rằng người vụ trưởng ấy đã từng làm kế hoạch ở Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch Đầu tư trước khi về với giáo dục, chứng tỏ việc làm kế hoạch đầu tư của ngành là rất quan trọng, không nên chỉ dựa vào lực lượng trong ngành, có khi thầy cô giáo dạy học rất giỏi nhưng làm kế hoạch đầu tư cho ngành lại rất khó khăn.

Về cách tính đầu tư cho nhà trường hiện nay, phổ biến là tính trên đầu học sinh, nhà tài chính dự chi trên đầu học sinh với số học sinh do nhà giáo dục dự tính cho một năm học mới, khi nhà trường hoạt động thì ngân sách sẽ chi theo số học sinh thực tế. Tiếc là cách tính đầu tư giáo dục theo đầu học sinh này đã không hợp lý, nhất là trong giai đoạn đổi mới giáo dục theo xu thế hội nhập quốc tế, giảm sĩ số trong lớp học hiện nay.

Tôi còn nhớ trong năm học 2004-2005, kinh phí chi cho học sinh ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai bị eo hẹp vì thầy cô giáo ở đây thâm niên nhiều, số lương chi cho con người theo quy định chiếm tỷ trọng 80% không đủ, số 20% còn lại chi cho các hoạt động phục vụ dạy học của trường bị ảnh hưởng nặng! Trong lúc ấy Sở GD-ĐT phải điều ngân sách chi viện từ trường mới THPT Tây Thạnh, giáo viên trẻ nhiều, ít thâm niên, nên tỷ trọng 80% ở đây rộng rãi hơn. Chúng tôi đã gọi hiện tượng này là “Lấy trường nhỏ nuôi trường lớn”!

Mặt khác, xu thế giảm học sinh trong lớp là xu thế của thời đại, dạy cá thể, dạy tương tác để dạy người là yêu cầu quan trọng của công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, trong khi công luận thường xuyên than phiền về nhà trường quá tải! Nhưng cách tính trên đầu học sinh thì không thể khuyến khích nhà trường giảm học sinh trong lớp được!

Thế thì đầu tư phải tính như thế nào, thưa ông?

– Căn cứ vào giáo viên, nhân vật trung tâm của nhà trường đã được Nhà nước quy định chặt chẽ qua Nghị định 79 lúc mới lập lại hòa bình (ở THPT là 2,1 giáo viên/lớp, ở tiểu học là 1,15 giáo viên/lớp…) và mới nhất là Thông tư liên bộ 35 của Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT (2,25 giáo viên/lớp ở THPT và 1,50 giáo viên/lớp ở tiểu học…).

Số giáo viên đã được xác định theo số lớp, tiếp theo là tính lương. Nếu N là số giáo viên và L là lương trung bình của tập thể giáo viên của đơn vị thì quỹ lương của nhà trường là NL.

Công thức phân bổ định mức đầu tư đã được ban hành theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì ngân sách chi cho con người chiếm 80%, 20% còn lại là chi thường xuyên cho các hạng mục phục vụ dạy và học. Như vậy ngân sách đầu tư A của nhà trường sẽ là: A = NL x 100/80

Thưa ông, như vậy với cách tính này thì ưu thế của nhà trường sẽ có lợi gì?

– Như trên đã nói, có ý nghĩa rất lớn là coi trọng giáo viên, lấy giáo viên làm trung tâm để đầu tư. Kế đến là có cơ sở khoa học và pháp lý rõ ràng (nếu tính trên đầu học sinh, không biết dựa vào đâu!), tránh được tình trạng “Trường nhỏ nuôi trường lớn”, nó sẽ rất biện chứng khi L thay đổi và N có lúc cũng thay đổi, nhà quản lý không phải lúng túng trong quá trình điều hành, tham mưu, đàm phán… Và quan trọng hơn cả là ý nghĩa tiến bộ, khuyến khích cho nhà trường sử dụng biên chế tinh gọn và khuyến khích nhà trường phân bổ học sinh đúng chuẩn trong lớp, chống tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng đào tạo nhà trường theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện, hội nhập quốc tế hiện nay.

Hầu hết các tiêu chí đầu tư sản xuất, người ta đều tính trên sản phẩm, nên đầu tư giáo dục nhà trường tính trên đầu học sinh là việc tất nhiên. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

– Thật ra hoạt động giáo dục và hoạt động sản xuất có những điểm khác biệt rất căn bản nhưng trong cuộc sống thì người ta thường đánh đồng với nhau, nên hoạt động giáo dục rất khó phát triển, như khi nói đến nhà trường thì họ không dùng từ “Học hiệu”, cứ nói là “Thương hiệu” rồi cũng chính họ phiền trách “Tại sao thương mại hóa nhà trường”!

Sản xuất ra sản phẩm thì theo kỹ thuật máy móc đã được lập trình, càng nhiều sản phẩm càng tốt; hoạt động giáo dục thì số lượng học sinh trong lớp có sẵn theo quy định (tiểu học 35 học sinh/lớp, trung học 45 học sinh/lớp). Sản phẩm của hoạt động giáo dục là chất lượng đào tạo mà mỗi học sinh tiếp nhận được, lớp càng ít học sinh, điều kiện tiếp nhận của học sinh càng cao.

Ngay cả trong sản xuất ngày nay, người ta cũng không đơn thuần đánh giá trên sản phẩm. Tôi có người bạn làm may mặc, đối tác ở Mỹ đến ký hợp đồng, họ không chỉ xem xét trên sản phẩm may được mà họ còn xem xét cả điều kiện ăn, nghỉ và chế độ chính sách cho công nhân.

Thực tế áp dụng phương thức tính đầu tư nói trên như thế nào khi ông còn công tác ở Sở GD-ĐT TP.HCM?

– Phát hiện tình trạng “Lấy trường nhỏ nuôi trường lớn”, tôi đã cùng anh chị em ở Phòng Kế hoạch Tài chính của Sở GD-ĐT làm việc với bộ phận tham mưu của Sở Tài chính công thức tính mức đầu tư cho nhà trường trước khi trình UBND TP quyết định mức chi cho năm học mới và thông qua Hội đồng Nhân dân. Tất cả các cấp lãnh đạo của TP đã rất nhất trí với cách tính này với những ý nghĩa nêu trên.

Kết quả thực tế cũng rất rõ nét, như mức chi trên đầu học sinh trung học lúc bấy giờ là 2,1 triệu đồng/năm thay vì 1,7 triệu đồng/năm cứ ổn định như những năm trước trong khi mức lương tối thiểu và định mức biên chế nhà trường đã thay đổi. Hoạt động tài chính của các cơ sở trường học của TP.HCM từ năm học ấy trở nên dễ dàng hơn nhiều so với những năm trước. Tôi đã báo cáo cách tính này với Bộ GD-ĐT và trong cụm thi đua 5 TP trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM).

Câu chuyện tính kinh phí đầu tư cho nhà trường nói trên chỉ là một chuyện nhỏ trong nhiều vấn đề về hoạt động đầu tư giáo dục. Chúng ta phải đầu tư vào trọng điểm nào để khỏi dàn trải thiếu hiệu quả trong điều kiện ngân sách còn khó khăn. Chúng ta phải xây dựng cơ chế thế nào để huy động tốt nguồn vốn của xã hội và nhân dân vào lĩnh vực giáo dục… là những việc mà cán bộ quản lý giáo dục phải hết sức quan tâm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phan Ngọc Quang (thực hiện)

Bình luận (0)