Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Bỏ điểm sàn chỉ phù hợp khi có môi trường ĐH đồng đẳng

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là khẳng định của GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ) khi nhận xét về quy định bỏ điểm sàn trong Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 của Bộ GD-ĐT.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM) đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: N.Trinh

GS.TS Võ Tòng Xuân nói: “Theo tôi, Bộ GD-ĐT không nên bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) vì không có tiêu chí này sẽ xảy ra tình trạng các trường tuyển sinh tràn lan, vượt chỉ tiêu. Trong khi, tuyển sinh chất lượng đầu vào thấp, sinh viên ra trường kém chất lượng sẽ làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, tạo ra gánh nặng cho xã hội. Thí sinh không đạt được chuẩn ở mức sàn khi vào ĐH sẽ không theo kịp chương trình, dễ bỏ học. Hơn nữa nếu bỏ điểm sàn thì việc phân luồng học sinh sẽ thất bại. Bỏ điểm sàn ĐH chỉ phù hợp khi nước ta có một môi trường ĐH đồng đẳng, các trường đều được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nhất định”.

2 mặt bằng trình độ trong 1 ngành học

Về quy chế thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết: Qua thực tế tuyển sinh các năm, chúng tôi nhận thấy đa phần thí sinh khi đăng ký xét tuyển đều không sử dụng hết tất cả nguyện vọng của mình. Được phép đăng ký nhiều nguyện vọng có thể dẫn đến tình trạng các em đậu trường thấp, không đến nhập học làm cho các trường không tuyển đủ chỉ tiêu, và làm tăng lượng thí sinh ảo của các trường. Bộ GD-ĐT vẫn nên giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của các thí sinh, để các em phải cân nhắc thật kỹ trước khi có quyết định chọn trường. Có như vậy, các trường mới lọc được lượng thí sinh ảo, đảm bảo được chất lượng đào tạo của mình.

Nguy cơ phá vỡ mục tiêu phân luồng của Chính phủ

TS. Trần Thanh Liêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ) nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất là nền kinh tế Việt Nam đang cần thầy giỏi và nhiều thợ giỏi. Tình trạng đào tạo ĐH quá nhiều thời gian qua khiến số người có trình độ ĐH trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất trong số lao động thất nghiệp, trong khi thợ giỏi rất thiếu. Nay bỏ điểm sàn, trong khi tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp lên tới gần 100%, các em đổ xô vào học ĐH, sẽ làm tăng số cử nhân thất nghiệp, phá vỡ quy hoạch đào tạo các bậc học và mục tiêu phân luồng của Chính phủ. Trong một quốc gia, nếu không phân luồng trong đào tạo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thử tưởng tượng: xã hội Việt Nam sẽ như thế nào khi tất cả người học đều là “thầy” với tấm bằng ĐH (dù không biết chất lượng thực sự như thế nào?). Còn các công ty, xí nghiệp, để có chuyên viên giỏi làm việc thì phải thuê mướn kỹ thuật viên nước ngoài… Nói chung, dự thảo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trong thời điểm này là quá sớm, và khiến trường CĐ, TC vốn đã khó khăn, lại càng thêm khó trong hoạt động. Tại trường chúng tôi, ngành sư phạm có Nhà nước lo, sinh viên không phải đóng học phí, đào tạo theo chỉ tiêu phân bổ của Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, nhưng năm qua trường vẫn không đạt chỉ tiêu cho khối ngành sư phạm.

GS.TS Võ Tòng Xuân dẫn chứng, đợt tuyển sinh năm 2016 vừa qua, để thu hút thí sinh nộp hồ sơ trong các đợt xét tuyển bổ sung, nhiều trường đã hạ điểm nhận hồ sơ với mức điểm thấp hơn nguyện vọng 1. Điều này khiến không ít thí sinh cảm thấy không công bằng, thậm chí nhiều em đến các trường trúng tuyển xin rút hồ sơ để nộp bổ sung vào các trường yêu thích. Mặt khác, các trường cũng gặp khó khăn vì chất lượng tuyển sinh không được như kỳ vọng. Điểm chuẩn đợt xét tuyển bổ sung quá thấp, chênh đến 2-3 điểm so với điểm chuẩn đợt 1 sẽ hình thành hai mặt bằng trình độ khác nhau của sinh viên trong cùng một ngành học, đồng thời ảnh hưởng đến thương hiệu và chất lượng đào tạo của trường.

Nhiều lựa chọn thì lại… khó lựa chọn

TS. Nguyễn Phúc Tăng (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) nhận xét: “Ưu điểm của Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 là tạo điều kiện rộng hơn cho thí sinh khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển các ngành nghề; có nhiều cơ hội trong việc xét tuyển vì không giới hạn số lượng nguyện vọng và số trường đăng ký. Các trường ĐH được tăng tính tự chủ trong tuyển sinh và có nhiều phương án tuyển sinh theo sự lựa chọn của mỗi trường do bỏ điểm sàn… Nhưng bất cập là con đường ĐH rộng mở đồng nghĩa là nhiều học sinh chỉ phấn đấu vì mảnh bằng ĐH, trong khi mục đích chính phải là: Có nghề nghiệp phù hợp năng lực bản thân. Nhiều khả năng lựa chọn thì học sinh lại khó lựa chọn vì không xác định chắc chắn lựa chọn có phù hợp sở trường hay chỉ do ham thích riêng? Đặc biệt, tôi đồng ý với GS.TS Võ Tòng Xuân: Bỏ điểm sàn, các trường không vất vả trong thực hiện chỉ tiêu nhưng số học sinh vào ĐH với điểm tuyển thấp liệu có đủ năng lực theo học chương trình ĐH? Quan trọng hơn, bỏ ra khá lớn thời gian và tiền bạc để có tấm bằng ĐH cho “bằng chị bằng em” nhưng khi ra trường, với năng lực không cao, cơ hội nghề nghiệp liệu có cao hơn so với việc các em học trường nghề, CĐ? Trong khi xã hội – nền kinh tế của chúng ta đang rất cần thợ giỏi”.

Theo TS. Trần Thanh Liêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ), kỳ tuyển sinh năm 2016 Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn CĐ, năm nay bỏ điểm sàn ĐH, lại rút ngắn thời gian đào tạo bậc ĐH một số ngành còn 3 năm, giống như CĐ, sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các trường ĐH nhưng khiến các trường TC, CĐ gặp khó khăn trong hoạt động vì nhiều nguyên nhân như: đại đa số phụ huynh có tâm lý muốn cho con em học ĐH, khi không có cửa vào ĐH mới chọn CĐ, TC. Thực tế tuyển sinh những năm qua tại trường chúng tôi cho thấy: nhiều thí sinh đăng ký vào CĐ chỉ để phòng khi rớt ĐH. Khi có danh sách trúng tuyển ĐH là các em bỏ CĐ khiến trường luôn phải có biện pháp để lọc những thí sinh ảo.

Đan Phượng

Bình luận (0)