Báo Giáo dục TP.HCM ngày 6-1 có bài viết khá thú vị Xưng hô trong học đường của nhà giáo Trần Ngọc Tuấn. Đặc biệt, tôi rất tâm đắc với ý kiến của tác giả: “Hơn ai hết, tự bản thân của mỗi giáo viên cần một chút chú ý, cân nhắc khi giao tiếp”.
Việc xưng hô trong nhà trường phải thể hiện nguyên tắc tôn trọng, lịch sự, văn minh. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường TH Nguyễn Đình Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: N.Trinh |
1. Vấn đề xưng hô trong nhà trường (từ bậc phổ thông cho đến ĐH) đã được đề cập khá nhiều nhưng có thể nói là rất khó đưa ra một cách tiếp cận nào có thể đáp ứng được các yêu cầu cũng như thỏa mãn các góc nhìn khác nhau. Nhiều người nói đến đòi hỏi “thầy phải ra thầy” nên cần có những xưng hô thể hiện rõ vai trò người thầy của mình, bằng cách gọi người học (cả học sinh và sinh viên) là “em”, là “con”, dù tuổi tác có thể không cách biệt lớn với người học. Có người quan niệm người học cần được tôn trọng, dù ở lứa tuổi nào, nên cần có những cách gọi “ngang vai” hơn, như “bạn” hoặc “anh/chị”, dù có thể cách biệt rất nhiều tuổi; và vì vậy việc “dạ” với người học cũng là bình thường. Hay có người bảo vệ quan điểm truyền thống “quân – sư – phụ” nên đặt người thầy ngang hàng với cha mẹ, từ đó gọi người học là “con” và thoải mái với việc xưng những vai ngang khi giao tiếp với cha mẹ (tự xưng là “em” hoặc “anh/chị”). Cũng có người cho rằng không nên tạo khoảng cách giữa người dạy và người học mà nên có thái độ thân mật, gần gũi, chan hòa nên không loại trừ việc xưng hô “mày, tao” với người học, dĩ nhiên vẫn đòi hỏi người học phải có xưng hô phù hợp. Mỗi quan niệm đều có lý riêng nên không dễ gì thuyết phục lẫn nhau.
2. Về phía người học, ít người quan tâm hoặc khảo sát xem thực sự người học muốn được xưng hô như thế nào, bản thân được gọi thế nào và có thể xưng với giáo viên ra sao. Theo truyền thống, người học vẫn thường giữ cách xưng hô nhún nhường với người dạy; ở bậc phổ thông, xưng “em” hoặc “con” là rất bình thường, có lẽ không ai băn khoăn việc đó. Đặc biệt, học sinh tiểu học gần như thích xưng “con” với giáo viên, bởi phần lớn giáo viên có tuổi tác ngang hoặc lớn hơn cha mẹ mình. Ở bậc ĐH, vẫn có một số sinh viên xưng “con” với giảng viên, nếu xác định thầy cô đó ngang hoặc lớn tuổi hơn cha mẹ; còn những sinh viên lớn tuổi hơn giảng viên vẫn gọi là “thầy, cô” và khá thoải mái khi xưng “em”. Gần như rất ít người tự tin, mạnh dạn xưng “tôi” với giảng viên. Như vậy, nếu đặt vấn đề xưng hô trong nhà trường mà chỉ nhìn ở góc người dạy thôi thì chưa đủ; tương tự như vậy, nếu chỉ nhìn theo cách gọi truyền thống thôi thì cũng có thể phiến diện. Do đó, đặt vấn đề chuẩn hóa cách xưng hô trong học đường e là việc làm rất khó và cũng có thể nói là không thực sự cần thiết.
3. Dù không chuẩn hóa nhưng xưng hô trong nhà trường cần phải thể hiện được các yêu cầu về tính tôn trọng lẫn nhau, tính lịch sự – văn minh, tính bình đẳng… Tôn trọng lẫn nhau được hiểu là bên cạnh sự tôn trọng của người học đối với người dạy thì rất cần thái độ ngược lại. Tức là, giáo viên gọi học sinh thế nào cho thể hiện được sự tôn trọng của mình đối với người học, có thể là “em”, là “bạn”, là “anh/chị”, thậm chí là “con”, bởi sự tôn trọng không chỉ thể hiện trong cách gọi mà còn ở nhiều hình thức khác nữa. Tính lịch sự – văn minh là một chuẩn mực ứng xử (thông qua cách xưng hô) sao cho phù hợp với môi trường sư phạm, thể hiện rõ tính “thầy ra thầy, trò ra trò”, tức là không phải “cá mè một lứa”, nhưng cũng không phải sự cách biệt quá lớn dẫn đến khó gặp nhau được. Do đó, việc thầy cô “dạ” với học sinh cũng nên xem là một biểu hiện lịch sự, còn thầy cô gọi học sinh là “thằng”, “con”, “tụi bây”… khó có thể coi là biểu hiện thân mật mà là sự suồng sã. Tính bình đẳng thể hiện, tuy là người dạy, là người quyết định nhiều việc liên quan đến việc học, kiểm tra, thi cử, đánh giá…, nhưng người thầy không nên tỏ ra mình là một “đẳng cấp” khác, một “cung bậc” cao hơn người học. Xét cho cùng, đó là sự phân công của xã hội, và cũng chỉ nên giới hạn trên lớp, trong nhà trường, chứ đừng lạm dụng ở những nơi khác.
4. Việc xưng hô nên để người dạy chủ động theo những nguyên tắc đó, tùy theo bậc học, lứa tuổi, không gian… Thí dụ, thầy cô hoàn toàn có thể gọi học sinh tiểu học là “con”, gọi học sinh THCS và THPT là “em”; nếu giáo viên đứng tuổi thì có thể gọi học sinh THCS và THPT là “con”, nhưng nên giới hạn ở chỗ riêng (giáo viên với một nhóm nhỏ học sinh, gặp riêng với từng học sinh…) chứ không phải gọi trên lớp, và xưng là “thầy/cô”. Ở bậc ĐH thì nên gọi là “bạn” hoặc “anh/chị”, xưng là “thầy/cô” hoặc “tôi”; trên ĐH hoặc các lớp vừa học vừa làm thì chỉ nên là “anh/chị” và xưng là “tôi”. Các cách xưng hô khác nên dùng trong các trường hợp không có tính chất rộng rãi, phổ biến (với ý nghĩa là công khai trên lớp, trên diễn đàn…).
Tóm lại, xưng hô trong học đường cũng cần theo quan điểm “người học là trung tâm”, tức là người học phải được tôn trọng, đề cao đúng mực với sự bình đẳng nhất định. Từng cách gọi cụ thể nên được người dạy và người học thấy thoải mái, vui vẻ là được, không nhất thiết chuẩn hóa!
Trúc Giang
Bình luận (0)