Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Máy móc cũ nhập lậu đổ bộ dịp cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

Khoảng 90% số vụ vi phạm từ đầu năm đến nay do Cục Hải quan TPHCM phát hiện đều liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại. Ghi nhận của lực lượng chức năng cho thấy, những tháng cuối năm, các mặt hàng máy móc cũ nhập lậu xuất xứ từ các nước phát triển có xu hướng đổ bộ vào Việt Nam. Các sản phẩm này sau đó được “lên đời”, phân phối đến tay người tiêu dùng với mức giá cao ngất ngưởng.

Hàng xịn nhập khẩu?

Lần dò theo các địa chỉ rao bán hàng xách tay xịn, hàng đã qua sử dụng trên mạng internet, phóng viên được người bán khẳng định các sản phẩm của họ đều là hàng nội địa xuất xứ Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… Trong đó, nhiều nhất vẫn là hàng Nhật Bản với mức giá không rẻ, dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Tại điểm bán thuộc phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), chủ hàng cho biết: “Sản phẩm bảo hành 12 tháng, bao lắp đặt, bao đổi trả. Mình bán hàng cho người quen nhiều năm nay rồi. Tất cả sản phẩm đều nhập khẩu chính hãng từ Nhật Bản thông qua người quen. Hàng mới 80% – 90%, có sản phẩm mới 100%, nguyên linh kiện”. Vừa dùng khăn phủi bụi cho chiếc tủ lạnh màu bạc để lăn lóc trên nền nhà cáu bẩn, chủ hàng vừa động viên người mua rằng hàng bền, tiết kiệm điện.

Đội Kiểm soát hải quan TPHCM kiểm tra lô hàng xe máy Nhật Bản cũ nhập lậu. Ảnh: GIA HÂN

Ghé một cửa hàng khác nằm trong hẻm đường Nguyễn Ảnh Thủ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), nhân viên bán hàng say sưa giới thiệu: “Anh xem, hàng mới, đẹp long lanh nhé. Chiếc bếp từ cảm ứng này chính tông hàng Nhật Bản, dòng cao cấp của Toshiba, giá 9 triệu đồng. Hàng được kiểm tra kỹ rồi, xịn nguyên chiếc, chưa sửa chữa gì, mua về là xài thôi”. Qua quan sát của phóng viên, điểm chung của hai cửa hàng chuyên kinh doanh đồ điện tử, điện lạnh nội địa Nhật Bản nêu trên là nằm ngay trong khu dân cư. Mọi giao dịch mua bán, đổi trả hàng đều theo kiểu biết thì đến mua, người này giới thiệu cho người nọ… Mặc dù tự giới thiệu là hàng nhập khẩu, nhưng nếu khách mua hàng cũng chỉ nhận được biên lai mua bán bình thường; không nhận được hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), dù rằng nhiều đơn hàng lên tới hàng chục triệu đồng.

Anh Lê Quốc Việt, khách hàng tìm mua máy lạnh Nhật Bản tại một cửa hàng trên đường Tây Thạnh (quận Tân Phú), phân vân: “Hôm trước, qua nhà người bạn chơi thấy họ sử dụng chiếc máy lạnh hàng Nhật chạy êm ru, phà hơi mát lạnh. Thấy tôi quan tâm, người bạn cho số điện thoại chủ hàng. Thế nhưng, tôi cũng đang chần chừ, không biết nên mua không. Hàng đã qua sử dụng, nhập từ bên đó qua đây, rủi có hỏng thì cũng chỉ thợ bên này mày mò sửa. Chưa kể phụ tùng thay thế hầu như không kiếm nổi, giá lại cao”. Kỹ sư Nguyễn Văn Tuất, chuyên về hàng điện máy, nhận định: “Thực sự, hàng nhập khẩu của các nước phát triển, nhất là Nhật Bản thì khỏi phải chê. Thậm chí, hàng đã qua sử dụng, còn mới từ 70% – 80% sử dụng cũng ổn, không vấn đề gì. Tuy vậy, người mua phải có chút ít kiến thức, hiểu biết sơ về sản phẩm. Hàng nội địa thường bền, chất lượng, nên người tiêu dùng rất thích, nhưng cần lưu ý khả năng sản phẩm bị lên đời kiểu “hồn Trương Ba da hàng thịt”, vỏ xịn nhưng ruột dỏm”.

Tăng kiểm tra, soi chiếu hàng tồn

Ông Phạm Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, cho biết từ đầu năm đến nay, lực lượng hải quan TP đã bắt giữ, lập biên bản trên 1.000 vụ vi phạm, trị giá hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, có 952 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại. Nhìn chung, số vụ vi phạm giảm 41,6% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng tăng 454% về trị giá vi phạm.

Cách đây vài ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước phối hợp cùng Công an TPHCM phát hiện, kiểm tra 3 container hàng lậu. Chủ hàng là lãnh đạo một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh Bình Dương. Kiểm tra thực tế container hàng khai là giấy nguyên liệu này, cơ quan chuyên trách ghi nhận hàng loạt hàng máy lạnh, nồi cơm điện… cũ nhập từ Nhật Bản. Qua khai báo của chủ đại diện lô hàng, toàn bộ sản phẩm nếu ra khỏi cảng sẽ được tân trang, “lên đời” thành hàng mới, phân phối cho các điểm chuyên doanh hàng nội địa Nhật Bản ở TPHCM, cùng một số tỉnh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Các mặt hàng đã qua sử dụng này đều thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Trước đó, Đội Kiểm soát hải quan trực thuộc Cục Hải quan TPHCM cũng lần lượt khui ra ánh sáng nhiều vụ khai một đường nhập hàng một nẻo. Ví dụ, vụ Công ty C.H.V, Công ty Y.V, Công ty L.V lần lượt nhập hàng loạt xe máy, tủ lạnh, máy giặt, bếp điện từ cũ… từ Nhật Bản. Theo một cán bộ của Đội Kiểm soát Hải quan TPHCM, các đối tượng buôn lậu đã dùng đủ chiêu trò, lợi dụng danh nghĩa hàng quá cảnh để rút ruột container tiêu thụ hàng trong lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp bị lực lượng chuyên trách Việt Nam nghi ngờ, các đối tượng buôn lậu nhanh chóng thay đổi mặt hàng khai nhận, người nhận để tìm cơ hội thông quan trót lọt sang nước bạn (Lào, Campuchia), sau đó xé lẻ hàng và tuồn về nước ta. Như vậy, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu nội địa “xịn”, mà các cửa hàng trên đường Tây Thạnh (quận Tân Phú), Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn) đang kinh doanh, có nhiều khả năng là cánh tay nối dài của các chủ hàng lậu mới bị lực lượng chức năng “sờ gáy” nêu trên.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Quốc Hùng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng quá cảnh rất nhẹ, chỉ từ 5 – 30 triệu đồng. Số tiền này chẳng thấm vào đâu so với lô hàng nhập lậu khủng trị giá hàng tỷ đồng. Chưa kể, có tình trạng “quý công ty” (doanh nghiệp hoạt động theo quý, chỉ vài tháng) chỉ xuất hiện thời gian ngắn, sau đó lặn mất tăm. Mục đích lập ra những doanh nghiệp này chỉ để buôn lậu. Lực lượng chuyên trách đã điều nghiên xem thực hư một số doanh nghiệp vi phạm hoạt động thế nào. Khi tới trực tiếp địa điểm kinh doanh, mọi người bất ngờ vì đó chỉ là các biển hiệu nhưng không có trụ sở; cũng có nơi chỉ là địa chỉ ma… “Hải quan TP sẽ tăng cường kiểm tra, soi chiếu hàng tồn, hàng quá 90 ngày tại cảng những chủ hàng chưa tới làm thủ tục, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hàng lậu tuồn vào tiêu thụ nội địa”, ông Phạm Quốc Hùng khẳng định.

THI HỒNG/ SGGP

 

Bình luận (0)