Chúng tôi đến lữ đoàn xe tăng 201 đúng ngày đơn vị đang tổ chức thực hành bài bắn đạn 12,7mm cho thành viên kíp xe tăng là chiến sĩ nạp đạn. Thao trường là ngọn đồi trong khu rừng, mục tiêu ở cách xa khoảng 1km.
Lữ đoàn xe tăng 201 trong một lần huấn luyện – Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy |
Tăng thiết giáp – binh chủng chiến đấu, lực lượng đột kích quan trọng của lục quân Việt Nam. Với ưu thế vỏ thép dày, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao; trong các trận đánh then chốt và quyết định thì tăng thiết giáp có ảnh hưởng lớn đến cục diện chiến trường…
Lần lượt từng chiến sĩ nạp đạn lên xe thực hành bắn súng 12,7mm. Chỉ huy bắn là đại úy Nguyễn Văn Khoái – phó tiểu đoàn trưởng, tham mưu trưởng tiểu đoàn 1; chỉ huy chung là thiếu tá Vũ Bá Trường – phó lữ đoàn trưởng, tham mưu trưởng lữ đoàn.
Anh chăm chú quan sát từng loạt bắn của chiến sĩ và đưa ra những nhận xét, rút kinh nghiệm ngay sau mỗi lần bắn.
Vì sao chỉ có… bốn anh em trên một chiếc xe tăng?
Trong cái nắng oi bức, nhiệt độ ngoài trời đang là 37-38 độ C thì trong xe lúc nào cũng lên tới 41-42 độ C. Bởi trong xe tăng bốn bề là sắt thép hấp thụ nhiệt cao, cùng với lượng dầu lớn nên nhiệt độ luôn cao hơn bên ngoài.
Thế nhưng, người chiến sĩ vẫn bền bỉ thực hiện bài bắn của mình. Tiếng đạn nổ vọng vào núi đồi. Có lúc tiếng chỉ huy bắn khen “bắn tốt”, “xuất sắc” lại vang lên.
Cứ thế, sau mỗi một lần bắn, từng chiến sĩ bước xuống ai cũng đầm đìa mồ hôi, mặt đỏ ửng vì nắng nóng nhưng vẫn bừng sáng nụ cười mãn nguyện sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Đại úy Nguyễn Chí Thanh (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3) cho hay anh vừa tham gia huấn luyện bài bắn 12,7mm cho trưởng xe và pháo thủ ngày hôm trước. Thành viên kíp xe của anh đều đạt loại giỏi. Hôm nay đơn vị tổ chức bắn cho thành viên kíp xe tăng là chiến sĩ nạp đạn.
Tôi hỏi có bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng mà sao kíp xe của anh chỉ có bốn người, đại úy Nguyễn Chí Thanh trả lời đó là dòng xe tăng T-34 và SuCay có thêm một thành viên lái phụ nữa là năm người.
Còn xe tăng của Việt Nam bây giờ kíp xe chỉ có bốn người (trưởng xe, pháo thủ, lái xe và nạp đạn), thậm chí có loại xe chỉ có ba thành viên.
“Đặc thù, tính chất, hoạt động của bộ đội tăng thiết giáp khác so với các binh chủng khác. Lính bộ binh tác chiến trong không gian rộng, chiến đấu, hi sinh khác với người lính xe tăng. Xe tăng trúng đạn, trúng bom mìn đã bị cháy là cả kíp xe đều hi sinh. Cho nên anh em rất gắn bó với nhau “như năm ngón tay trên một bàn tay”.
Sự gắn bó, ăn ý của lính xe tăng cao hơn hẳn so với các lực lượng khác. Thành tích là thành tích chung, không có cá nhân. Lính tăng huấn luyện từng thành viên theo chuyên ngành, trên cơ sở đó về đơn vị biên chế thành một kíp xe hoàn chỉnh” – đại úy Nguyễn Chí Thanh nói.
Hiểu nhau qua ánh mắt, cử chỉ
Thượng úy Bùi Mạnh Tưởng (trung đội trưởng trung đội xe tăng 8 – đại đội xe tăng 10, tiểu đoàn xe tăng 3) giải thích thêm: “Vũ khí trang bị trên xe tăng đòi hỏi các thành viên kíp xe phải phối hợp nhịp nhàng, hiệp đồng chặt chẽ, gắn kết, hiểu ý nhau hơn.
Mỗi người một nhiệm vụ nhưng phải đồng tâm, hiệp lực, phối hợp ăn ý thì kíp xe mới hoạt động hiệu quả. Pháo thủ muốn bắn thì người nạp đạn phải nạp đúng loại đạn, đúng thời cơ để pháo thủ kết thúc phát bắn.
Pháo thủ muốn bắn chính xác thì trưởng xe phải quan sát chiến trường, phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho pháo thủ để tiêu diệt.
Quá trình bắn muốn cơ động tiêu diệt phải phối hợp với người lái xe, biết dừng đúng địa điểm, đúng thời cơ để kết thúc phát bắn thì mới tạo điều kiện thuận lợi cho pháo thủ hoàn thành nhiệm vụ chính xác”.
Thiếu úy chuyên nghiệp Lê Quang Hiệp, trưởng xe, cho biết thêm: “Vì trong xe tăng khi làm nhiệm vụ rất ồn, độ rung xóc lớn, thông tin liên lạc qua máy móc có lúc chập chờn, nói không nghe rõ. Cho nên anh em phải thật sự hiểu nhau, thông qua cử chỉ, hành động, ánh mắt làm tín hiệu hiệp đồng…”.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hiến, phó chính ủy lữ đoàn, cho biết cường độ huấn luyện của bộ đội tăng thiết giáp rất cao. Từ tháng 8 đến tháng 12 là đợt huấn luyện cao điểm thứ hai trong năm. Hằng tuần, lữ đoàn liên tục tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
“Bộ đội huấn luyện ở thao trường với điều kiện nắng nóng, có lúc luyện tập bảy tiếng, do nhiệt độ trong xe cao nên mỗi lần huấn luyện xong anh em từ đầu đến chân ướt hết, người toàn mùi dầu.
Khi bắn, một viên đạn pháo bắn ra kéo giật toàn bộ xe dịch chuyển về sau hai mắt xích. Buồng chiến đấu, buồng lái rộng chưa tới 1m2, rất chật, mỗi vị trí chỉ đủ một người ngồi thao tác.
Khi xe cơ động, độ rung xóc lớn, anh em bị va chạm với các trang thiết bị là chuyện bình thường, vậy mới là bộ đội xe tăng” – thượng tá Hiến nói.
Vất vả nhất là khi phải khắc phục những sự cố trên dọc đường khi huấn luyện. Khi hành quân dã ngoại, ban chỉ huy luôn tạo ra nhiều tình huống như thật để anh em xử lý: xe bị sa lầy, bị đứt xích…
“Bộ đội xe tăng thường đóng quân ở vùng đồi núi. Đường đồi bị bào mòn nhiều, trơ ra, trơn, cứ nghiền đất thành bùn. Cho nên mỗi lần hành quân ra thao trường rất vất vả.
Tùy theo “bệnh” của xe, đơn giản thì mất 30 phút khắc phục, “bệnh” phức tạp phải hàng giờ mới xong. Địa hình thì lầy lội, trơn trượt, xe thụt, phải dùng xe chuyên dụng cứu kéo” – thượng úy Bùi Mạnh Tưởng kể.
Chăm xe như chăm con Thượng úy Bùi Mạnh Tưởng tâm sự anh mê xe tăng từ khi còn nhỏ. Lớn lên, anh quyết định thi vào Trường Sĩ quan tăng thiết giáp. Đại úy Nguyễn Chí Thanh thì cho hay lính xe tăng coi xe không chỉ là vũ khí chiến đấu, mà còn là chiến mã, giáp sắt của chính mình. Xe tốt thì mới chạy tốt, bắn tốt. Ra chiến trường, xe tăng là vỏ thép bảo vệ thành viên kíp xe. “Cho nên lính xe tăng chăm xe như chăm con, nâng niu, chăm chút từng li, từng tí” – đại úy Chí Thanh cho biết. |
“Đã là lính xe tăng, tay anh nào cũng dầu mỡ, nổi chai. Dụng cụ tháo lắp sửa chữa cái gì cũng to, nặng. Xe nặng 36 tấn, riêng mỗi mắt xích đã nặng 16kg. Mỗi lần tháo lắp rất mệt. Có lúc tháo nắp đáy dưới gầm xe tăng, dầu chảy cả vào mặt. Anh nào anh nấy mặt mũi lấm lem dầu nhớt nhìn nhau bật cười. Tháo nắp đáy thì vất vả lắm, tấm đáy nặng 1 tạ, phải 2-3 anh em xúm vào Thượng úy BÙI MẠNH TƯỞNG |
Bình luận (0)