Các nhà khoa học đã tìm được chứng cứ xác thực nhất cho thấy tại sao một số người lại già nhanh hơn và chết sớm hơn người khác, với hy vọng có thể kéo dài tuổi thọ loài người.
Có những người ăn uống lành mạnh, đều đặn ngủ 8 – 9 giờ/ngày, có công việc chẳng hề gây áp lực mà cuối cùng vẫn chết sớm. Các trường hợp này đi ngược lại đa số nhân loại nói chung, gây thắc mắc cho giới khoa học. Trưởng nhóm nghiên cứu Steve Horvath của Đại học California tại Los Angeles đã công bố kết quả báo cáo trên chuyên san Aging cho thấy đồng hồ sinh học nội tại chính là nguyên nhân khiến một số người già nhanh hơn những người còn lại.
Theo đó, tuổi sinh học cao hơn, bất chấp tuổi trên thực tế, luôn đi với cái chết trẻ. Đối với những người lọt vào nhóm 5% dân số già nhanh nhất, điều này có nghĩa là họ đối mặt với nguy cơ cao gấp 50% chết sớm so với nguy cơ trung bình dẫn đến cái chết ở bất cứ độ tuổi nào.
“Đồng hồ” lão hóa được tiến sĩ Horvath áp dụng dựa trên việc đo đạc các thay đổi hóa học tinh tế nhất, đó những biến đổi xung quanh hoạt động hợp chất methyl bám vào hoặc rời khỏi bộ gien di truyền mà không làm biến đổi mã gien bên dưới. Trước đó, nhóm của ông phát hiện hàm lượng methyl tại 353 điểm cụ thể trên bộ gien tăng và giảm theo một mô hình hết sức cụ thể trong quá trình cơ thể già đi, và mô hình này vô cùng kiên định xuyên suốt các cộng đồng. Báo cáo mới, dựa trên kết quả phân tích mẫu máu của 13.000 người, cho thấy một số người bị đẩy đi nhanh hơn về mặt sinh học so với những người còn lại, bất chấp lối sống của họ.
“Chúng tôi chứng kiến những người ở độ tuổi 20 lão hóa rất nhanh, và sau 20 năm tốc độ này càng tăng”, theo tiến sĩ Horvath. Ví dụ, các nhà khoa học so sánh 2 người cùng 60 tuổi, với Peter bị liệt vào nhóm 5% già nhanh nhất và Joe ở nhóm 5% chậm nhất. Nếu cả hai đều hút thuốc và có công việc đặc biệt áp lực, nguy cơ tử vong của Peter trong vòng 10 năm tới là 75% so với 46% của Joe. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phát hiện tốc độ lão hóa khác nhau giữa hai giới, và đến độ tuổi 40 khoảng cách này bắt đầu nở rộng ở mức chênh lệch 1 – 2 tuổi. “Phụ nữ luôn già chậm hơn so với nam giới. Điều này không phải do lối sống nhưng quy trình lão hóa nội tại đã thiên vị phái yếu”, theo ông Horvath.
Ấn tượng hơn nữa, các thay đổi sinh học có liên quan đến tình trạng già đi có thể được đảo nghịch, mở ra viễn cảnh sẽ có ngày giới khoa học nghĩ ra các liệu pháp điều trị mới ngăn chặn được quá trình lão hóa nhanh và từ đó kéo dài tuổi thọ cho con người.
Tụ Yên (TNO)
Bình luận (0)