Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vô sinh không còn vô vọng

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật MTH vì mục đích nhân đạo
Chính phủ vừa ban hành nghị định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo. Nghị định này được ví như “một phép mầu” giúp các cặp vợ chồng không thể có con theo cách mang thai tự nhiên sẽ có con như ước nguyện.
“Tuyệt vọng” sẽ chấm dứt
Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (quận 3, TP.HCM) sau ba lần mang thai bị hư, nói rằng chị đã rơi vào tuyệt vọng cùng cực. Vợ chồng chị buồn đến phát bệnh và biết mình đã hết hy vọng, do kết cấu niêm mạc tử cung của chị mỏng và yếu, phôi thai không thể làm tổ được lâu, nên dù đã thụ tinh trong ống nghiệm 2 lần nhưng vẫn không thành công. Hai vợ chồng do áp lực từ gia đình vì kỳ vọng có cháu đích tôn nối dõi tông đường, vì lời đàm tiếu “cây độc làm sao sinh trái” của hàng xóm… nên đã có lần tính chuyển đi nơi khác sinh sống, nhưng nghĩ thương cha mẹ già cả nên họ lại thôi.
Thật may, sự xiềng xích vô hình đã được tháo gỡ khi vợ chồng chị biết được thông tin vào ngày 19-6-2014, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi, chính thức cho phép MTH vì mục đích nhân đạo từ năm 2015. Ngay sau đó gia đình chị đã bàn bạc và quyết định chọn người họ hàng ở đời thứ 4 nhờ MTH. Khát mong có được đứa con để nâng niu sắp thành hiện thực khiến vợ chồng chị cứ có cảm giác trong người lâng lâng.
Trong khi vợ chồng chị Dung đang tính đến chuyện gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật MTH vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế cấp phép, thì chị Lan (32 tuổi, ở TP.HCM) bị sẩy thai hai lần vẫn chưa có con, đang phân vân rằng liệu chị có thể nhờ người thân MTH được không. Hay như chị N.T.B, 28 tuổi (ngụ Long An), bị dị dạng tử cung nên không thể mang thai. Vợ chồng chị cũng chưa thể tìm được người MTH. Tuy nhiên, họ đang quá nóng lòng nên đã tìm đến BS nhờ tư vấn mong sớm có thể thụ tinh trong ống nghiệm và trữ phôi đông lạnh. Sau này, khi tìm được người MTH thì sử dụng phôi đã đông lạnh để mong cầu của họ sớm thành hiện thực.
Không chỉ các cặp vợ chồng hiếm muộn mới mong muốn có con, chị H., 30 tuổi (Đồng Nai) hiện đang sống độc thân, không muốn lập gia đình, khi hay thông tin về nghị định cho phép MTH vì mục đích nhân đạo, chị cũng muốn có được đứa con từ phương pháp này do chị cũng bị dị dạng tử cung. Chị cho hay đang có ý xin tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm và nhờ người quen MTH để có được đứa con hủ hỉ về già.
Ý kiến chuyên gia
ThS.BS Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản Khoa Y – ĐHQG TP.HCM, lưu ý trong trường hợp bị sẩy thai của chị Lan (TP.HCM) cần đến BS sản khoa để khám tìm nguyên nhân và cách điều trị. Nếu BS chẩn đoán sẩy thai nguyên nhân do tử cung thì chị có thể nghĩ đến phương án nhờ người thân MTH. Vì MTH chỉ áp dụng cho những trường hợp sẩy thai do nguyên nhân từ tử cung. Một trong những điều kiện để được MTH theo qui định sắp tới là phải đúng chỉ định MTH và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận.
Riêng đối với trường hợp của chị N.T.B (Long An), ThS.BS Tường khuyên chị nên tính đến việc thụ tinh trong ống nghiệm và trữ phôi đông lạnh sớm. Vì dị dạng tử cung là một chỉ định của MTH. Nếu đã quyết định sẽ thực hiện MTH, chị nên đến các trung tâm chuyên khoa để làm thụ tinh trong ống nghiệm sớm và trữ lạnh phôi. Sau đó, chị có thể hoàn tất hồ sơ xin MTH ở các cơ quan chức năng và cấy phôi vào tử cung người MTH ở bệnh viện. ThS.BS Tường lưu ý, phụ nữ càng lớn tuổi thì buồng trứng càng đi xuống về số lượng và chất lượng noãn. Khi lấy noãn làm thụ tinh trong ống nghiệm sớm và trữ lạnh phôi, tỉ lệ có thai có thể tốt hơn.
BS. Tường cũng khuyến cáo trường hợp muốn nhờ MTH của chị H. là không được phép, vì quy định của pháp luật chỉ cho phép một cặp vợ chồng hợp pháp và người vợ có các bất thường về y khoa đúng chỉ định nhờ MTH thì mới được thực hiện kỹ thuật này.
Bài, ảnh: Bích Vân
Các điều kiện MTH
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, các điều kiện MTH gồm: Các bên tự nguyện và được lập thành văn bản. Vợ chồng nhờ người MTH phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Người được nhờ MTH cũng phải đáp ứng các điều kiện: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ MTH; đã từng sinh con và chỉ được MTH một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng MTH. Theo đó, người nhờ MTH và người được nhờ MTH đều được hưởng chế độ thai sản theo quy định chung. Hiện có ba cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật MTH vì mục đích nhân đạo gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế.
 
 

Bình luận (0)