Năm nào cũng vậy, lịch sử luôn là môn thi ít được HS lựa chọn. Ảnh: D.Bình |
Hiện nay, các sở GD-ĐT đang cho thí sinh đăng ký môn dự thi trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Theo đó, cũng như trước đây, môn lịch sử được rất ít học sinh (HS) lựa chọn.
Sử lại… ế
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Số liệu ban đầu cho thấy, tại nhiều trường THPT, đặc biệt là các trường thuộc vùng sâu, vùng xa, rất nhiều thí sinh đăng ký dự thi cụm thi địa phương với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Chẳng hạn như THPT Bất Bạt (H.Ba Vì), trong tổng số 340 HS lớp 12 thì có tới 2/3 em chọn thi để xét tốt nghiệp. Tại các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng vậy, đa phần HS chỉ có nhu cầu dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp.
Vì vậy, trong số 8 môn thi tự chọn và bắt buộc, phần lớn HS chọn cách né môn lịch sử. Đơn cử, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành có 292 HS lớp 12 nhưng chỉ có 11 em đăng ký thi môn lịch sử. Trong khi môn vật lý là 158 em, địa lý đứng thứ hai với 109 em; hóa học: 103…
Thống kê tạm thời nguyện vọng đăng ký môn thi của HS Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) cho thấy: Không có HS nào chọn thi môn lịch sử. Tương tự, đại diện Trường THPT Lương Thế Vinh, cũng khẳng định: Thống kê ban đầu, không có HS đăng ký dự thi môn lịch sử.
Tương tự, lãnh đạo Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm), cho biết: HS có xu hướng chọn môn địa lý, môn sinh học, còn môn lịch sử thì rất khiêm tốn. Trong tổng số trên 600 HS lớp 12 nhưng chỉ có khoảng 20 em chọn môn này.
Không chọn thi, không phải vì không yêu
Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm HS lựa chọn môn thi là xã hội lại dấy lên nỗi lo môn lịch sử bị… “ế”. Các nhà khoa học lịch sử, các giáo sư đầu ngành về môn học này cũng lên tiếng và đưa ra nguyên nhân. Trong đó có không ít ý kiến cho rằng, HS không chọn môn sử vì các em không yêu thích môn học này. Vậy, có thực sự là HS “ghét” môn lịch sử?
Cô Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS& THPT Nguyễn Tất Thành (ngôi trường chỉ có 11/292 HS chọn thi môn lịch sử) – chia sẻ: “Là một trong những ngôi trường sớm đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào phục vụ giảng dạy, nên việc học sử của HS Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành không phải chỉ là những dữ liệu “thô” được đưa trong sách giáo khoa mà còn có trải nghiệm thực tế, được học theo chuyên đề. Gần đây nhất, với chuyên đề văn hóa trống đồng Đông Sơn, HS được đi thực tế tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Về trường, các em lại được thầy cô hướng dẫn, cung cấp tư liệu, sau đó các em được nêu lên những hiểu biết, quan điểm về lịch sử của trống đồng Đông Sơn. Kết quả, các em không chỉ có kiến thức lịch sử của trống đồng Đông Sơn mà còn có thêm kiến thức về mỹ thuật từ những hình ảnh được lưu giữ trên mặt trống đồng. Kết thúc giờ học, các em được tự tay tô vẽ những hoa văn trên mặt trống vào một chiếc vòng đeo tay. Mỗi em sẽ có một sản phẩm của riêng mình, không giống với bạn nào trong lớp học. Qua mỗi tiết học như thế, HS rất hứng thú. Nói các em quay lưng với lịch sử, không yêu sử là không chính xác”.
Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao HS không chọn sử để thi trong khi rất yêu môn học này thì cô Thu Anh thừa nhận là: Chưa tìm được lời giải thích xác đáng. “Có lẽ do cơ hội việc làm của các em sau này đã quyết định đến sự lựa chọn đó”, cô Thu Anh tâm tư.
Đồng quan điểm, PGS. Nghiêm Đình Vỳ – Nguyên trưởng Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội – cho rằng: Các ngành kinh tế, tài chính ngân hàng dễ “kiếm ăn hơn” thì dại gì HS chọn sử.
Còn lãnh đạo Trường THPT Trần Phú thì cho rằng: Qua thực tế các năm, đề thi môn lịch sử bao giờ cũng khó “ăn điểm” hơn đề thi địa lý. Trong khi đó, những em chọn môn thi xét tốt nghiệp thì chỉ cần những môn có thể dễ đạt điểm để thi.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)