Ngày càng có nhiều quốc gia EU tìm cách bảo vệ thị trường nội địa trước lượng ngũ cốc Ukraina ồ ạt đổ vào.
Một con tàu trong đoàn tàu vận chuyển ngũ cốc thứ hai từ Ukraina đi qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7.8.2022.
Một số quốc gia EU đã bắt đầu ngừng nhập khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraina nhằm giảm thiểu mối đe dọa mà nông dân địa phương phải đối mặt do thị trường nội địa tràn ngập các sản phẩm này.
RT phân tích những lo ngại về ngũ cốc của Ukraina và ý nghĩa của các biện pháp ngừng nhập khẩu đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Vấn đề là gì?
Một số quốc gia EU đã viện dẫn sự cần thiết phải bảo vệ thị trường nội địa khỏi “sự bất ổn” do dòng hàng hóa giá rẻ từ Ukraina gây ra.
Nông dân địa phương ở một số quốc gia tuyên bố đã bị thiệt hại tài chính đáng kể do tình trạng dư thừa ngũ cốc Ukraina.
Bộ Nông nghiệp Ba Lan cho biết, lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraina là cần thiết để “EU mở rộng tầm mắt trước thực tế là cần có thêm các quyết định cho phép các sản phẩm từ Ukraina đi sâu vào châu Âu chứ không ở lại Ba Lan”.
Những quốc gia EU nào đã ngừng nhập khẩu ngũ cốc?
Các nước thành viên của EU có chung đường biên giới với Ukraina cảm nhận tác động rõ rệt nhất, mặc dù một số quốc gia khác cũng đã yêu cầu Ủy ban châu Âu có hành động về nông sản của Ukraina.
Đặc biệt, Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia và Bulgaria đã vận động hành lang để áp dụng lại thuế quan.
Ba Lan là nước đầu tiên công bố “lệnh cấm tạm thời” một số mặt hàng nhập khẩu từ Ukraina, trong khi Slovakia hôm 17.4 cảnh báo sẽ làm điều tương tự.
Một số quốc gia Trung và Đông Âu đang xem xét các bước đi như vậy.
Trung tâm điều phối chung ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ giám sát việc thực hiện vận chuyển ngũ cốc từ Ukraina, ngày 27.7.2022.
Tại sao ngũ cốc được vận chuyển đến các quốc gia đó?
EU cho phép nhập khẩu nông sản của Ukraina để hỗ trợ tài chính cho Kiev trong bối cảnh xung đột với Nga.
Tất cả thuế quan và hạn ngạch đã được dỡ bỏ đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina sang 27 quốc gia thành viên EU nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển ngũ cốc tiếp tục đến các thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung cuối cùng bị mắc kẹt ở các nước Đông Âu, nơi nó phải cạnh tranh với các sản phẩm địa phương.
Lập trường của EU về lệnh cấm nhập khẩu của các nước thành viên?
EU bác bỏ các lệnh cấm, gọi hành động đơn phương đối với thương mại của các quốc gia thành viên EU là không thể chấp nhận được.
Ủy ban châu Âu trước đó cho biết đã thông qua gói viện trợ trị giá 56 triệu euro (61 triệu USD) để hỗ trợ nông dân ở các quốc gia tuyến đầu phải giải quyết hậu quả của một lượng lớn nông sản và thực phẩm từ Ukraina vào khối. Tuy nhiên, số tiền đó sẽ không đủ.
Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, nông dân ở Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria và Slovakia đã thiệt hại khoảng 417 triệu euro (451 triệu USD) trong năm qua do dư thừa ngũ cốc Ukraina.
Các lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina như thế nào?
Các biện pháp bảo hộ đang được thực hiện ở một số quốc gia EU có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu, đặc biệt nếu thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen không được gia hạn.
Thỏa thuận đạt được vào tháng 7 năm ngoái giữa Nga và Ukraina, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, nhằm giúp nối lại các chuyến hàng ngũ cốc từ các cảng của Ukraina.
Thỏa thuận đã được gia hạn một lần nhưng sẽ hết hạn vào ngày 18.5 và có ít triển vọng sẽ được gia hạn.
Ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu
Các chuyên gia cho rằng, tác động tổng hợp của các lệnh cấm và khả năng không đồng ý gia hạn thỏa thuận sẽ khiến hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt bên trong Ukraina, có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực ở các nước nghèo.
Việc giảm nguồn cung cho thị trường có thể dẫn đến tăng giá. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo vào đầu tháng này rằng tình trạng mất an ninh lương thực vẫn ở mức chưa từng có.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)