Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nói tục, không phải là chuyện nhỏ: “Ăn có nhai, nói có nghĩ”

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ ngày nay mà trước đây trẻ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ nhắc nhở nói năng phải lễ phép, lịch thiệp. Bởi đôi lúc chỉ qua một câu nói mà con người được đánh giá đúng bản chất và đạo đức của mình. Có không ít trẻ chưa biết cách giao tiếp với mọi người trong xã hội nên luôn được cha mẹ nhắc nhở: “Ăn cho nên đọi, nói cho nên lời”. Mỗi khi có xô xát về ngôn từ, không ít người đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng mà thấm thía: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Không ít kẻ thô lỗ cục cằn, ứng xử kém thì được khuyên có hình ảnh: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Ngay phụ nữ cũng có cảm tình với đàn ông qua lời ăn tiếng nói qua câu ca dao: “Anh đã có vợ hay chưa/ Mà sao ăn nói gió đưa ngọt ngào”. Lời nói hay chiếm cảm tình người giao tiếp.

“Đi thưa về chào, gọi dạ bảo vâng” cũng là một cách dạy con trẻ biết lễ phép bằng lời tránh những câu nói hỗn hào, vô lễ. Đối với khách đến nhà họ coi: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Khi nói ra những điều không hay thì dù có ân hận cũng khó lấy lại được vì thế mới có câu: “Sa chân đỡ lại, sa miệng đỡ không lại”. Vì thế không ít người khuyên dù hơi quá mức: “Trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần” nhưng không phải không có lý do của nó. Cũng giống như: “Ăn có nhai, nói có nghĩ” không thể bạ đâu văng tục ra đó. Trong cuộc sống vì một câu nói mà làm cho chị em xa lánh, vợ chồng chia lìa, làng xóm đánh nhau nên người xưa đã răn: “Bệnh vào từ miệng, họa ra từ miệng”, hay có khi đánh đổi bằng tính mạng, sức khỏe con người: “Lời nói đọi máu”. Nói tục, chửi thề đôi khi do rượu nên mới có câu: “Tửu nhập ngôn xuất”. Vì thế mới có câu ca dao: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa đỡ rơi hạt nào”.  Nói nặng lời với nhau thì không bao giờ quên vì: “Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời”. “Nghe quen tai, nói quen miệng” làm cho những tiếng đệm chửi thề gây khó chịu với người đối diện nhưng lại quá đỗi bình thường với chủ nhân lời nói.

Nếu trích dẫn một câu thơ về vẻ đẹp của lời ăn tiếng nói, tôi xin chọn câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật trong bài Lửa đèn thật ý nhị: “Cây trúc làm duyên thì nhờ ngọn gió/ Con gái làm duyên thì nhờ giọng nói”. Tuy không phê phán trực tiếp nhưng tác giả cũng muốn nhắn gửi một thông điệp, không thể chấp nhận một cô gái xinh đẹp mà nói năng thiếu văn hóa. Yêu con trẻ, chắc chắn nhiều người cũng rất yêu thích một ca khúc cho thiếu nhi đã có những câu thật dễ thương: “Mẹ mẹ ơi cô dạy/ Cãi nhau là không vui/ Cái miệng nó xinh thế? Chỉ nói điều hay thôi”.

Phan Sông La (TP.HCM)

Bình luận (0)