Tòa soạnThư đi – tin lại

Có nên thay đổi thói quen viết tay trái?

Tạp Chí Giáo Dục

Do sợ ảnh hưởng xấu đến việc viết chữ hay trong sinh hoạt hàng ngày nên một số phụ huynh ra sức rèn cho trẻ sử dụng tay phải khi biết con thuận tay trái.

Sợ ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt

Những ngày hè chị Mai Hạnh (ở Q.3, TP.HCM) ra sức uốn nắn cậu con trai Gia Minh (6 tuổi) cầm bút tô từng chữ cái bằng tay phải. Lý do là Gia Minh thuận tay trái nên chị sợ con cầm bút bằng tay này sẽ gặp bất tiện khi viết chữ, ảnh hưởng đến sức khỏe và bạn bè xung quanh.

Chị Mai Hạnh cho rằng, theo quy tắc viết chữ bằng tay phải sẽ thuận chiều từ trái qua phải và kéo bút. Nhưng khi cầm tay trái, trẻ phải làm điều ngược lại. Chưa kể cầm bút tay trái rất dễ bị dính mực ở cạnh bàn tay, hay bị đè khiến chữ bị lem mực. Chưa hết, trong quá trình viết, một số trẻ còn phải cong người lên để tránh lem mực. Nếu thói quen này duy trì lâu e rằng ảnh hưởng xấu đến cột sống. “Với những bất tiện đó, tôi quyết định tập cho con dùng tay phải cầm bút. Tôi rèn cho con được một thời gian rồi, chứ đợi đến cận ngày đi học mà tập thì khó thay đổi thói quen lắm”, chị Mai Hạnh cho biết.

Tương tự, chị Khánh Vân (ở Q.5) cũng phát hiện ra cậu con trai Trí Hoàng (5 tuổi) có những biểu hiện thuận tay trái thông qua việc cầm nắm các đồ chơi, vật dụng sinh hoạt hàng ngày từ lúc mới 3 tuổi. Không để con phát triển theo chiều tự nhiên, chị đã chú trọng ngay vào việc thay đổi thói quen ấy của con từ cách cầm muỗng ăn cơm, sử dụng đồ chơi… đến cách cầm bút khi viết. Giải thích cho việc thay đổi này, chị Khánh Vân cho hay: “Con người thuận tay trái sẽ gặp nhiều rắc rối, bất tiện trong cuộc sống. Việc cầm nắm các vật dụng sinh hoạt sẽ yếu hơn tay phải do không thuận chiều. Trong bàn ăn sẽ không tránh được va chạm hay đụng đũa với người ngồi bên cạnh. Còn trên bàn học thì dễ đụng khuỷu tay đến bạn bè xung quanh. Thay đổi thói quen này cũng không có gì là khó, đặc biệt thay đổi từ khi trẻ còn nhỏ, chính vì thế tôi mới quyết tâm rèn cho con thay đổi”.

Phụ huynh, giáo viên không nên ép buộc trẻ dùng tay phải cầm bút nếu thấy trẻ thuận tay trái. Bởi thuận tay trái là điều hết sức bình thường, không ảnh hưởng đến chữ viết, sức khỏe… (ảnh mang tính minh họa)

Nên để trẻ phát triển tự nhiên

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bán cầu não phải chi phối nửa bên trái cơ thể bao gồm cả hoạt động của các ngón tay, và ngược lại đối với bán cầu não trái. Bán cầu não phải vượt trội hơn, đồng nghĩa với con người thuận tay trái. Vì có mối liên quan, người thuận dùng tay trái sẽ giúp bán cầu não phải phát triển và ngược lại.

Các chuyên gia y học khuyên phụ huynh không nên ép buộc trẻ thuận tay trái chuyển sang tập cầm bút bằng tay phải mà nên để trẻ phát triển tự nhiên như những gì chúng vốn có.

ThS. tâm lý Kiều Thanh Hà, Giám đốc Công ty Tâm Lý Trẻ, chia sẻ: “Thuận tay trái hay phải chỉ khác nhau ở chỗ bán cầu não bên nào vượt trội hơn mà thôi, còn lại không có bất kỳ khác thường nào về mặt sinh học. Các chuyên gia y học khuyên phụ huynh không nên ép buộc trẻ thuận tay trái chuyển sang tập cầm bút bằng tay phải mà nên để trẻ phát triển tự nhiên như những gì chúng vốn có. Ép trẻ đổi sang tay phải là phụ huynh đang vô tình tác động và cố gắng thay đổi hoạt động của bán cầu não phải của trẻ, có thể khiến trẻ lúng túng, vụng về, áp lực vì phải lo khắc phục “vấn đề” của mình. Ngoài ra, sự ép buộc còn có thể gây ra những hậu quả không lường trước được, ví dụ như tật nói lắp, làm tổn thương lòng tự trọng, về lâu dài còn có thể gây mặc cảm, rối loạn tính tình… Trong trường hợp phụ huynh nhất định muốn con thay đổi thì phải tập cho trẻ một cách từ từ, cần có thời gian. Theo đó, bước đầu phụ huynh hướng dẫn, khuyến khích trẻ làm những công việc đơn giản như tập lấy khăn mặt, đồ chơi, đũa, muỗng, đồ dùng cá nhân, tập tô chữ cái thông qua tay phải… Thời gian đầu của quá trình thay đổi luôn khó khăn, nhất là khi trẻ đã vào học thế nên đòi hỏi cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường. Đặc biệt là phụ huynh cần chú ý đến tâm lý trẻ, không gò ép để tránh tạo áp lực”.

ThS. Kiều Thanh Hà chia sẻ thêm, có một số ý kiến cho rằng người thuận viết tay trái là những người thông minh, có những năng khiếu nổi bật. Thực tế thì giữa những người thuận tay trái, tay phải chưa phát hiện ra sự khác biệt nào về trí thông minh. Hoạt động nổi trội của bán cầu não phải thiên về không gian, màu sắc, âm nhạc, nghệ thuật; còn bán cầu não trái thiên về ngôn ngữ, tính toán. Trẻ thuận tay trái sẽ có bán cầu não phải phát triển, có khuynh hướng phát triển yếu tố nghệ thuật. Điều này không có ý nghĩa quyết định người thuận tay trái sẽ thông minh, tư duy nhanh nhạy hơn người thuận tay phải và ngược lại.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Trẻ thuận tay nào thì dùng tay đó viết chữ

Theo cô Phan Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền (Q.3), tại mỗi trường học luôn có những học sinh dùng tay trái viết chữ, kể cả thầy cô giáo. Giáo viên không ép buộc các em phải thay đổi tay cầm bút bởi đây là điều hết sức bình thường, không ảnh hưởng đến chữ viết, sức khỏe, sinh hoạt học tập hay bạn bè xung quanh. Thậm chí nhiều em thuận tay trái viết chữ rất đẹp. Cũng có những trường hợp trẻ thuận tay trái nhưng phụ huynh bắt con phải tập tay phải, kết quả là trẻ dùng được hai tay để viết nhưng nét chữ tay phải yếu, xấu hơn tay trái. Thiết nghĩ trẻ thuận tay nào thì phụ huynh cứ để trẻ dùng tay đó viết chữ và không nên thay đổi.

 

Bình luận (0)