Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Khởi động tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009: Trường nào đào tạo ngành PR?

Tạp Chí Giáo Dục

 

Học trường ĐH tư thục cần điều kiện gì, có phải thi tuyển không? Điểm chuẩn Trường ĐH Nông nghiệp 1 những năm gần đây? Ngành tiếng Anh quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao đào tạo những gì?… là những thắc mắc tuyển sinh 2009 thí sinh gửi về Tuổi Trẻ Online.
* Em tốt nghiệp năm 2008, hiện là thí sinh tự do. Năm nay em có nguyện vọng thi vào ngành PR và quảng cáo. Cho em biết rõ về ngành học này cũng như trường ĐH hay CĐ nào sẽ đào tạo? Điểm chuẩn của các năm trước là bao nhiêu? (thocon1750@…)
– Từ kỳ tuyển sinh năm 2006, ngành quan hệ công chúng (còn được gọi là PR – Public Relations), đã được đào bậc ĐH chính quy tại Học viện Báo chí – Tuyên truyền (Hà Nội). Đây là nơi đầu tiên đào tạo ngành này bậc ĐH chính quy.
Ngành quan hệ công chúng dành riêng cho những ai muốn trở thành người phát ngôn, cán bộ tổ chức sự kiện, quảng bá hình ảnh trong các bộ, ngành, các sở ngoại vụ, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan báo chí và truyền thông.
Trong bốn năm, sinh viên sẽ học các môn đại cương, cơ sở ngành rồi mới đến chuyên ngành. Chuyên ngành gồm bốn phần đi sâu vào kỹ năng liên quan đến báo chí, giao tiếp, quản lý thông tin, giải quyết khủng hoảng, marketing và bảo vệ thương hiệu, và PR ứng dụng. Giáo viên của khoa hầu hết từ nước ngoài về, có kiến thức báo chí, ngoại ngữ, tiếp cận nhiều thông tin mới với giáo trình giảng dạy từ nước ngoài.
Trong kỳ tuyển sinh đầu tiên năm 2006, ngành quan hệ công chúng có 40 chỉ tiêu và tuyển sinh trên toàn quốc, thi khối D1 (toán, văn và tiếng Anh), điểm chuẩn là 20,5. Năm 2007 Học viện cũng tuyển 40 chỉ tiêu cho ngành này, thi khối D1, điểm chuẩn là 18,5. Năm 2008 ngành này tuyển thêm khối C, điểm chuẩn khối C là 21,5 và khối D1 là 20.
Lưu ý, tất cả thí sinh muốn dự thi vào Học viện Báo chí – Tuyên truyền phải là Đảng viên hoặc Đoàn viên mới được dự thi. Đây là quy định sơ tuyển bắt buộc của trường.
Tại TP.HCM ngành quan hệ công chúng được đào tạo chính quy tại Trường ĐH dân lập Văn Lang từ năm 2007. Ngành quan hệ công chúng của trường đào tạo những người có khả năng thích ứng cao, viết tốt, giao tiếp tốt, những phát ngôn viên, nhân viên marketing, quảng cáo, thuyết trình viên, tư vấn khách hàng, những người có khả năng tổ chức các hội nghị, các cuộc họp báo, xây dựng những chương trình an sinh xã hội, quảng bá thương hiệu…
Sinh viên ngành quan hệ công chúng và truyền thông sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng để trở thành những người làm công tác truyền thông, tổ chức sự kiện, quan hệ khách hàng, tổ chức – cung cấp thông tin… trong các cơ quan, doanh nghiệp. Đây là một “nghề của giới trẻ”, nghề cung cấp cho bạn cơ hội đi đây đi đó, tiếp xúc với nhiều người, làm việc với áp lực cao, môi trường năng động.
Điểm chuẩn năm 2007 khối A: 15, C: 14 và D1: 13. Năm 2008 ngành này có điểm chuẩn 13 khối A và D1, 14 khối C.
Ngoài ra, nếu muốn trở thành PR, bạn có thể học ngành báo chí, kinh tế, ngoại thương… Ngoài ra, các trường ĐH khối kinh tế đều có tổ chức dạy ngắn hạn chuyên viên PR. Chẳng hạn, bạn có thể theo học các khóa học PR do khoa Thương mai – Du lịch của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức, hay tham khảo thư viện chuyên khảo quảng cáo của Công ty truyền thông tiếp thị (Vietnam Marcom) tại đường Nguyễn Trung Trực, quận 1, TP.HCM (bên hông Thư viện Tổng hợp).
Ngoài ra, bạn có thể đọc sách “Introduction to Marketing Communications” của hai tác giả John Burnett và Sandra Moriarty cũng là những tài liệu thú vị để bạn hiểu thêm về công việc này. Đặc điểm của phần lớn sách chuyên khảo này là viết bằng tiếng Anh nên cũng đòi hỏi khả năng đọc hiểu tiếng Anh của bạn thật tốt.
* Học sinh tốt nghiệp THPT muốn vào trường ĐH tư thục phải cần điều kiện gì? Có trải qua thi hay xét tuyển không? Thời gian nộp hồ sơ là khi nào? (Ngọc Thanh, cun_con_002@…)
– Học trường ĐH, CĐ công lập hay tư thục thì thí sinh vẫn phải dự thi, trừ hệ ĐH đào tạo từ xa không phải thi tuyển. Nhiều trường ĐH, CĐ không tổ chức thi, nhưng thí sinh phải mượn một trường ĐH khác để đăng ký dự thi nhờ vào trường đó, theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Các trường bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 10-3 đến ngày 17-4.
* Em đang học lớp 12 và rất thích thi vào Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội nhưng hiện nay em vẫn không biết nhiều thông tin về trường. Cho em muốn biết điểm chuẩn của tất  cả các ngành những năm gần đây. (toainguyen113@…)
– Trường ĐH Nông nghiệp 1 tuyển sinh hai khối A và B. Hằng năm trường lấy điểm chuẩn theo khối. Năm 2008 khối A: 15, khối B: 18,5; riêng ngành công nghệ sinh học A: 19 – B: 23, môi trường A: 16 – B: 20,5, kế toán doanh nghiệp A: 18 – B: 22. Năm 2007 khối A: 17, khối B: 20. Năm 2006 khối A và B: 15,5…
* Em muốn biết ngành tiếng Anh quan hệ quốc tế của Học viện Quan hệ quốc tế đào tạo những gì và điểm chuẩn năm 2008 của ngành đó? Sau khi tốt nghiệp ngành này sinh viên có thể làm những công việc gì? (thanhbinh62003@…)
– Ngày 23-6-2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 82 nâng cấp Học viện Quan hệ quốc tế thành Học viện Ngoại giao. Do đó, hiện tên gọi chính thức của học viện là Học viện Ngoại giao.
Ngành chương trình cử nhân tiếng Anh quan hệ quốc tế được thiết kế theo mô hình ngành chính – phụ. Ngành chính tiếng Anh trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức ngôn ngữ, văn hóa – văn học, kiến thức tiếng và kiến thức chuyên ngành tiếng Anh quan hệ quốc tế. Ngành phụ quan hệ quốc tế cung cấp cho sinh viên một số kiến thức cơ sở và kiến thức chung của ngành quan hệ quốc tế.
Một số môn sẽ học của ngành chính: học ngữ âm – âm vị học, ngữ pháp, ngữ dụng học; văn học Anh – Mỹ, đất nước học Anh – Mỹ; các kỹ năng thực hành tiếng; tiếng Anh chuyên ngành quan hệ quốc tế; thực hành biên dịch, thực hành phiên dịch…
Ngành phụ: lịch sử quan hệ quốc tế, lý luận quan hệ quốc tế, kinh tế đối ngoại Việt Nam, quan hệ kinh tế quốc tế, công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế, chính sách đối ngoại Việt Nam, báo chí và thông tin đối ngoại, đàm phán quốc tế…
Các cử nhân tiếng Anh quan hệ quốc tế có thể đảm nhận các vị trí phiên dịch, biên dịch, biên tập, nghiên cứu, giảng dạy… tại các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các Sở Ngoại vụ, các bộ phận đối ngoại của các cơ quan, bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp, các trường đại học, các cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình…
Ngành này thi tuyển khối D1, điểm ngoại ngữ nhân hệ số 2. Năm 2008 điểm chuẩn là 25,5; năm 2007 là 26,5; năm 2006 là 21.
QUỐC DŨNG ( TTO)

 

Bình luận (0)