Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Khám phá nền giáo dục ở Macau

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Khám phá nền giáo dục của một đất nước, một vùng lãnh thổ nào đó là những cuộc trải nghiệm thú vị và bổ ích. PGS. Hồ Sĩ Hiệp chia sẻ cùng Báo Giáo Dục TP.HCM về nền giáo dục Macau nhân chuyến thăm của ông trong dịp Macau long trọng kỷ niệm 10 năm (1999-2009) đặc khu được chuyển về Trung Quốc sau hàng trăm năm thuộc lãnh thổ của Bồ Đào Nha.

Bài 1: Giáo dục gắn với lịch sử dân tộc
Sự giao thoa giữa nền văn hóa Đông-Tây
Năm 2009 toàn dân Macau long trọng kỷ niệm 10 năm (1999-2009) đặc khu được chuyển giao về Trung Quốc sau hàng trăm năm thuộc lãnh thổ của Bồ Đào Nha. Thời xưa Macau vốn là một làng chài nhỏ nghèo khổ và hoang vắng ven biển tỉnh Quảng Đông. Giữa thế kỷ XVI tư bản phương Tây bắt đầu tìm đến phương Đông. Năm 1553 thuyền buôn người Bồ Đào Nha đã cập bến Macau và đến năm 1557 người Bồ Đào Nha bắt đầu định cư lâu dài ở Macau. Hơn 400 năm từ một làng chài nhỏ bé, tư bản Bồ Đào Nha đã phát triển Macau thành một lãnh thổ giàu có. Năm 1951 sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập (1949) Chính phủ Bồ Đào Nha công khai tuyên bố Macau là “một tỉnh hải ngoại” của Bồ Đào Nha và đưa 5 ngàn quân đến bảo vệ Macau. Năm 1979 cùng với việc thực thi chủ trương cải cách mở cửa Chính phủ Trung Quốc tiến hành đàm phán với Chính phủ Bồ Đào Nha việc chuyển giao Macau về Trung Quốc. Sau hơn 10 năm đàm phán năm 1999 Macau được chuyển giao về Trung Quốc (Hồng Kông được chuyển giao năm 1997) với thể chế “một nước hai chế độ” và “Người Macau quản lý Macau” như mô hình của Hồng Kông. Với địa thế thuận lợi cảng biển tấp nập lại tiếp giáp với thành phố Chu Hải và cách Hồng Kông 60km Macau trở thành một trung tâm thương mại lớn của Châu Á. Nhà cửa chọc trời, cảnh quan tuyệt mỹ với 26 di tích, danh thắng “di sản văn hóa thế giới” ngày 15-7-2005 khu thành lịch sử Macau được xếp hạng thứ 31 vào danh mục “Di sản thế giới”.
Macau là bán đảo nhỏ hẹp, dân số ít. Diện tích của Macau là 29,2km, gồm 3 đảo: bán đảo Macau (9,3km2), đảo Đãng Tử (6,7km2), đảo Lộ Hoàn (7,6km2) và khu đất lấn biển (5,6km2). Dân số của Macau là 552.000 người, trong đó người Hoa chiếm 97%, người Bồ Đào Nha chiếm 2% và người Thổ sinh (gốc lai) chiếm 1%. Thiên nhiên địa lý của Macau rất tốt, trời biển mênh mông. Sau khi trở về Trung Quốc, cùng với các đặc khu kinh tế rộng lớn của tỉnh Quảng Đông như Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và đặc khu hành chính Hồng Kông, Macau là một trung tâm giao thương cảng biển quan trọng của thế giới. Với 29 sòng bạc hoạt động suốt ngày đêm, Macau được coi là trung tâm đánh bạc và giải trí lớn trên thế giới. Không có quốc gia nào trên thế giới có sự giao thoa văn hóa Đông – Tây rõ nét như ở Macau thể hiện ở kiến trúc và cuộc sống hàng ngày.
Một hệ thống giáo dục tiến bộ
Truyền thống giáo dục của Macau có từ lâu đời. Nền giáo dục phong kiến lạc hậu, lỗi thời dưới thời nhà Thanh dần dần lu mờ khi luồng giáo dục tân tiến của phương Tây thổi tới. Năm 1594 khi những người truyền giáo Bồ Đào Nha đặt chân tới Macau đồng thời cũng mở ra một thời kỳ mới cho giáo dục Macau. Công việc đầu tiên của những người truyền giáo Bồ Đào Nha là thành lập “Học viện Thánh Paolo” để truyền bá văn hóa và giáo dục Tây phương. “Học viện Thánh Paolo” có thể coi là mô hình trường đại học Âu châu đầu tiên được xây dựng ở châu Á. Do kinh tế lạc hậu, biển giao thông bất tiện nên hàng trăm năm giáo dục của Macau phát triển rất chậm. Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước do kinh tế phát triển và nhu cầu về giáo dục tăng cao nên Chính phủ Bồ Đào Nha rất coi trọng việc “chấn hưng” giáo dục ở Macau. Vì hoàn cảnh lịch sử và địa lý nên giáo dục của Macau kết hợp được hai yếu tố “Đông – Tây”. Hai ngôn ngữ chính trong giáo dục ở Macau là Trung văn (tiếng Quảng Đông) và tiếng Bồ Đào Nha (gọi là Bồ văn). Sách giáo khoa các cấp phổ thông ở Macau đều do người Macau biên soạn để phù hợp với đối tượng người bản xứ. Năm 1991 Chính phủ Bồ Đào Nha ban bố “Biện pháp quan trọng về giáo dục cao đẳng ở Macau” và “Biện pháp quan trọng về chế độ giáo dục ở Macau”. Cụ thể của hai pháp lệnh này là quy định rõ ràng về: cơ cấu giáo dục (tư lập), giáo dục miễn phí, giáo dục đặc thù, giáo dục thành nhân, giáo dục kỹ thuật – nghề nghiệp, bồi dưỡng giáo viên. “Giáo dục miễn phí” mà pháp lệnh quy định là “giáo dục tư”. “Giáo dục thành nhân” dành riêng cho những người lớn tuổi, được đào tạo theo hình thức hàm thụ, thường xuyên. Hai pháp lệnh quan trọng này có tác dụng rất lớn thúc đẩy sự phát triển giáo dục của Macau trong giai đoạn mới mà mục tiêu cơ bản của nó là “xác lập chế độ giáo dục tương đối hoàn thiện ở Macau”.
Trường học ở Macau phân bố đều ở ba đảo và chia làm hai loại: trường quan lập (công lập) và trường tư (tư lập). Ở Macau ranh giới giữa hai loại trường này rất rõ ràng. Trường công lập là do Nhà nước quản lý và cung cấp kinh phí có giới hạn cụ thể, nghĩa là không phát triển ồ ạt, tràn lan. Nói chung, giáo dục ở Macau là do các tổ chức xã hội, đoàn thể và tư nhân phụ trách. Toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục và coi đó là nhiệm vụ của nửa triệu dân Macau. Giáo dục là trách nhiệm của giáo hội, công hội, hội phố phường (hội khu phố), hội phụ nữ (hội phụ liên), hội đồng hương và các đoàn thể từ thiện, cơ sở kinh doanh. Tính chất “xã hội hóa giáo dục” ở Macau hoạt động thiết thực và có hiệu quả. Các trường tư lập đều tự chủ về kinh phí, học chế, tài liệu (sách giáo khoa), tuyển sinh, thi cử, tuyển dụng và đãi ngộ giáo viên. Các quy định này đều thống nhất ở các cấp học, các trường học và Nhà nước không can thiệp vào. Việc tổ chức thi và kết quả thi đều do nhà trường chịu trách nhiệm trước nhân dân và chính quyền địa phương. Do diện tích đất rất hạn chế nên quy mô của các trường tư lập tương đối nhỏ và không khuếch trương về hình thức mà chỉ chú trọng nội dung như các trường công.
PGS. Hồ Sĩ Hiệp

Bình luận (0)