Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

TP. Chicago – Mỹ: Đấu tranh chống bạo lực học đường

Tạp Chí Giáo Dục

HS ở Chicago đọc báo trong giờ giải lao (Ảnh có tính minh họa). Ảnh: I.T

Nạn bạo lực gia tăng trong giới trẻ đòi hỏi xã hội phải có những kế hoạch cơ bản, lâu dài. Một kế hoạch đầy tham vọng là tập hợp các trẻ “dễ trở thành nạn nhân và thủ phạm” đã được vạch ra trong hệ thống giáo dục của TP. Chicago.
Kế hoạch khả thi
Ron Huberman, Trưởng khu Giáo dục Chicogo đã vạch một kế hoạch nhằm chấm dứt nạn bạo lực trong các trường phổ thông. Kế hoạch của ông không dựa vào vũ khí hay canh giữ mà dựa trên điều tra, phân loại để giáo dục cá biệt. Đáng tiếc là ý tưởng của ông đến chậm quá, không ngăn được cái chết của Derrion Albert, một thiếu niên 16 tuổi, bị giết ngày 24-10 năm nay trong một cuộc đánh nhau giữa hai phe nhóm kình địch ở Nam Chicago. Một người đã quay được cảnh đó trên mobilephone và đưa lên You Tube, làm dấy lên một làn sóng bức xúc trước một vấn đề nan giải. Là một học sinh tốt, cầu thủ đội bóng đá của trường, Derrion là nạn nhân thứ ba của bạo lực học đường từ khai giảng đến nay, và là nạn nhân thứ 67 kể từ năm 2007. Nếu những tính toán của Ron Huberman là chuẩn xác, thì khoảng 10.000 học sinh trung học sẽ được tách ra khi kế hoạch của ông được thực hiện vào mùa đông sau.
Được Chính phủ liên bang tài trợ trong hai năm, chương trình tốn khoảng 60 triệu USD này dựa vào sự phân tích hơn 500 thủ phạm trong những năm gần đây, cùng với chân dung điển hình của những nạn nhân cũng như những địa chỉ hay thời điểm nguy hiểm nhất. Trong khi những trung tâm học đường lớn khác như New York người ta tập trung vào việc ngăn ngừa bạo lực, chương trình này có ý định nhìn xa hơn bằng cách xác định những thiếu niên dễ bị xâm hại, đưa các em vào một môi trường đặc biệt, như là vào một công việc có thù lao. Ở đó có một cố vấn pháp luật sẵn sàng phục vụ các em 24/24 giờ.
Sau khi nghiên cứu khoảng 500 trường hợp bạo lực, các nhà chức trách biết rằng những vụ đó xảy ra hoàn toàn không phải vô cớ. Theo những con số ghi nhận được, những thiếu niên gây bạo lực thường là thiếu niên da đen sống trong những môi trường không ổn định, và học trong những lớp “phụ đạo”. Trung bình chúng vắng 42% giờ học, và đã bị cảnh cáo về kỷ luật 8 lần nhiều hơn học sinh cùng lớp. Những vụ tấn công thường xảy ra 2 giờ trước hay sau buổi học, nói cách khác từ sáng sớm hoặc muộn vào buổi tối, cách xa nhà hoặc trường, tức là vào giới hạn của khu vực khác. Dự án yêu cầu một cách tiếp cận mới đối với vấn đề an ninh trong hàng mấy chục trường, gắn liền với 80% số nạn nhân các vụ bạo lực. Mục đích hàng đầu là phòng ngừa và cân bằng tâm lý hơn là để kiểm soát và trừng phạt.
“Chúng tôi hy vọng sự phân tích này giúp thấy rõ thực chất nạn bạo lực học đường và gợi ý cho chúng ta cách giải quyết cơ bản”, ông Ron Huberman nhắc lại. Kế hoạch mới này cần huy động một ê-kíp 8 người trong sáu tháng, là chủ trương đúng nhất và có chi phí cao nhất chưa từng thực hiện ở Chicago. Tuy đã được nhân rộng ra vào tháng 9, nhưng chủ trương vẫn chưa được sự đồng tình rộng rãi của cha mẹ học sinh, trong khi số bị chết thường là trẻ em xuất thân từ các gia đình thiểu số không ngừng tăng lên trong những khu phố nghèo. Gần 85% học sinh trường công sống trong nghèo khó. Một số tự hỏi tại sao chỉ có 10.000 em trong một cộng đồng tổng số 410.000 thiếu niên có quyền hưởng trợ cấp.
Phối hợp gia đình – nhà trường và xã hội
TP. Chicago tiêu trung bình 55 triệu USD hàng năm để đảm bảo an ninh cho một trung tâm học đường lớn thứ ba của Hoa Kỳ. Kế hoạch mới sẽ tiêu 30 triệu USD hàng năm chỉ riêng cho 10.000 vị thành niên bị nguy cơ nhất. Ron Huberman biết khá rõ giới hạn của chương trình. Derrion là một học sinh tốt, không bao giờ nó nghĩ rằng mình lại có tên trong danh sách những người bị nguy cơ. Nhưng những kẻ tấn công nó lại có thể có tên, vì tác giả của những hành động bạo lực thường ở chung một địa chỉ với nạn nhân của chúng. Tất nhiên kế hoạch đó cũng chưa chắc cứu được Derrion, nhưng dù sao cũng đem lại một cơ hội xác định được những kẻ có khả năng gây tội ác. Đối với TP. Chicago, thực hiện kế hoạch khó khăn này không dễ, nó đòi hỏi sự phối hợp của nhiều lực lượng nhà nước (chính quyền, cảnh sát…) và xã hội (tổ chức bảo vệ trẻ em) ở địa phương, cũng như những người tình nguyện. Các em cũng cần phải có nhận thức đúng để tham gia, vì nhiều em vẫn còn chưa quen với việc tiếp xúc, làm việc với người lớn. Nếu kế hoạch này được thực hiện tốt, 10.000 em có thể được bảo vệ, không phải do cảnh sát, mà do nhận thức và chuyển biến của chính mỗi em. Nạn bạo lực học đường chắc chắn sẽ giảm đáng kể.
Phan Thanh Quang
 (Theo Courrier international)

Bình luận (0)