Cuối tuần qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp UBND TP.Cần Thơ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo (KN-ĐMST) vùng ĐBSCL năm 2022 – Techfest Mekong 2022. Đây là lần thứ 2 TP.Cần Thơ đăng cai tổ chức Techfest Mekong.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Techfest Mekong 2022
Với chủ đề “Khát vọng vùng đất Chín Rồng”, Ngày hội Techfest Mekong 2022 có 12 sự kiện chuyên sâu diễn ra với các chuyên đề như: Diễn đàn KN-ĐMST vùng ĐBSCL – lần 3; Lễ ra mắt Mạng lưới cố vấn KN-ĐMST TP.Cần Thơ và Mạng lưới nhà đầu tư, quỹ đầu tư; các phiên tư vấn kết nối tư vấn – đầu tư và các hội thảo chuyên đề…
Techfest Mekong 2022 thu hút hơn 100 gian triển lãm, trưng bày trực tiếp và 30 gian triển lãm trực tuyến, giới thiệu các sản phẩm, dự án KN-ĐMST, sản phẩm KH-CN của ĐBSCL, trong nước và quốc tế. Đây là dịp kết nối các sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường, định hướng phát triển cho các sản phẩm của doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó còn có các hoạt động trình diễn các thiết bị công nghệ, sản phẩm và dự án KN-ĐMST (Startup Demo) nhằm giới thiệu, tư vấn và thương mại hóa trực tiếp các sản phẩm.
Tại lễ khai mạc, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, khẳng định: “Techfest Mekong 2022 là sự kiện rất ý nghĩa… Tại đây, các cá nhân, nhóm và DN KN-ĐMST, học sinh, sinh viên được tiếp cận ý tưởng, tri thức mới, có cơ hội gặp gỡ, quảng bá sản phẩm, dịch vụ với các chuyên gia, nhà đầu tư, quỹ đầu tư có tiềm năng hợp tác trong tương lai… TP mong muốn sẽ có thêm nhiều sự kiện về khoa học, công nghệ và ĐMST được tổ chức trong thời gian tới, để tạo môi trường liên kết và hợp tác phát triển giữa các địa phương trong vùng, với cả nước và quốc tế”.
Với chuỗi hoạt động phong phú, ý nghĩa, Techfest Mekong 2022 đã trở thành cầu nối, ươm mầm cho các ý tưởng phát triển các sản phẩm và hỗ trợ các DN khởi nghiệp, trong đó Diễn đàn KN-ĐMST vùng ÐBSCL lần 3, với chủ đề “Khai mở vùng đất Chín Rồng cho KN-ÐMST” đã góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy tư duy đổi mới, bứt phá trong hành động, tiến đến nâng tầm vị thế các sản phẩm, dịch vụ KN-ÐMST vùng ÐBSCL trên trường quốc tế.
Tại diễn đàn, các tham luận xoay quanh những vấn đề: Khai thác các tiềm năng và cơ hội của ĐBSCL trong các lĩnh vực lợi thế để phát triển KN-ĐMST. Các giải pháp chuyển đổi, thích ứng, bứt phá trong tình hình mới của DN nhỏ và vừa. Gợi mở những định hướng, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐBSCL trong thời gian tới, đưa KN-ĐMST trở thành một phần động lực phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Theo các diễn giả, để có nền kinh tế năng động, có sức cạnh tranh, thích ứng với các vấn đề lớn đối mặt như biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19…, ÐBSCL cần phát triển nhiều hơn số lượng và chất lượng các DN, trong đó thúc đẩy hoạt động KN-ÐMST là một trong những vấn đề quan trọng then chốt.
Ông Martin Kim – Giám đốc Shinhan Future’s Lab Việt Nam, chia sẻ: Vùng ÐBSCL tăng trưởng rất ấn tượng nhờ sự đổi mới mở và đang dần hình thành hệ sinh thái KN-ÐMST phù hợp. Ðây là điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động ĐMST cấp quốc gia và toàn cầu. Ðể KN-ÐMST thành công, DN cần phải vạch ra những con đường cụ thể, rõ ràng, nắm bắt chìa khóa để vươn đến thành công, trong đó phải tìm ra lời giải cho các bài toán: Tìm ra chiến lược phát triển, quá trình vận hành, cơ cấu hoạt động, đối mặt với các thử thách về pháp lý, xây dựng văn hóa DN.
Theo ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (SIHUB): Các thách thức hiện nay là năng lực sáng tạo, phát triển kết quả sáng tạo cho DN, hình thành công ty startup, spinoff chưa đạt như kỳ vọng. Năng lực hấp thụ công nghệ của DN; năng lực hiểu biết thị trường và xây dựng các chương trình kết nối các thành phần hệ sinh thái còn hạn chế… ÐBSCL có thể đề xuất mục tiêu 5 năm tới như hệ sinh thái KN-ÐMST của khu vực đồng bằng sẽ vô top 1.000 thế giới, 50% DN tham gia ĐMST sau 5 năm; toàn vùng thu hút vốn đầu tư 1 tỷ USD và chiếm 5% lượng dự án gọi vốn hằng năm của Việt Nam. Ðặt ra mục tiêu để phấn đấu và cần thiết kế các chính sách và quản trị hệ sinh thái KN-ÐMST, đề ra định hướng, kế hoạch gắn với triển khai các chương trình liên kết vùng.
Mạng lưới hỗ trợ KN-ÐMST là cánh tay nối dài, tiếp sức cho các dự án KN-ÐMST ở ÐBSCL. Theo bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Hiệp hội Ðầu tư thiên thần Ðông Nam Á, những người khởi nghiệp thường nhìn thấy cơ hội nhưng lại hạn chế ở khả năng tăng tốc. Do vậy cần thay đổi cách làm, cách nghĩ, cách xây dựng công ty. Trong quá trình chuyển đổi, để trưởng thành, bản thân DN phải nhìn thấy điểm đến và xác định quyết tâm đi đến đó với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư thiên thần.
Các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học, tìm hiểu sản phẩm tại một gian hàng khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ Techfest Mekong 2022
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH-CN, Bộ KH-CN, cho rằng: Các trường đại học cần mở ra không gian hỗ trợ KN-ĐMST và mời các tập đoàn, DN tham gia hỗ trợ, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận thực tế để nghiên cứu, phát triển ý tưởng ĐMST thành sản phẩm khởi nghiệp, đồng thời huy động hiệu quả sự tham gia của các quỹ hỗ trợ phát triển KH-CN của các tập đoàn, các DN.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng khẳng định: “Một trong những điểm nổi bật của hệ sinh thái KN-ĐMST vùng ĐBSCL là đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy, hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối được các chủ thể trong hệ sinh thái. Đặc biệt, Bộ KH-CN đánh giá cao việc TP.Cần Thơ đã chủ động đề xuất thành lập mạng lưới cố vấn KN-ĐMST và triển khai đề án thành lập trung tâm KN-ĐMST tại Cần Thơ, phục vụ cho cả vùng ĐBSCL. Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng hệ sinh thái KN-ĐMST vùng, kết nối ngày càng hiệu quả hơn với các hệ sinh thái KN-ĐMST khác trong nước và thế giới. Về phía Bộ KH-CN, chúng tôi hết sức ủng hộ và kỳ vọng Trung tâm KN-ĐMST tại Cần Thơ sẽ từng bước trở thành trung tâm quốc gia, kết nối, thu hút nguồn lực và có những hoạt động ở phạm vi quốc tế. Đây là tiền đề để hình thành và phát triển một hệ sinh thái bền vững và năng động tại ĐBSCL” .
Trên địa bàn TP.Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL có khoảng 59.452 DN đang hoạt động và bình quân một năm có khoảng từ 400 đến 500 dự án khởi nghiệp, trong đó có khoảng từ 20% đến 30% số này là các dự án khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo và có tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, mạng lưới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cũng được hình thành từ nguồn vốn của các cá nhân và DN. Từ thực tế đó, Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đã có những hoạt động thúc đẩy KN-ĐMST hiệu quả.
Đan Phượng
Bình luận (0)