Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tự tin hay… tự cao?

Tạp Chí Giáo Dục

(Ảnh minh họa)Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng, họ thành công là nhờ tự tin, dám thể hiện mình. Ngược lại, không ít người gặp… thất bại khi sự thể hiện bản thân của họ bị những người xung quanh “khó chịu”. Rõ ràng, việc thể hiện mình là điều không đơn giản…

Miễn là nổi bật?

Một sự kiện đình đám mang tiếng xấu mà ai cũng biết: Tối 13/9/2008, Công ty FPT tổ chức lễ hội chào mừng 20 năm thành lập. Bất ngờ, có hai học viên Trung tâm FPT Arena xuất hiện trên sân khấu với tình trạng gần như khỏa thân, nhảy múa suốt hai phút trong tiếng la ó của khán giả. Sau xì-căng-đan này, hai “diễn viên” ưa chơi trội đã bị báo chí lẫn cộng đồng blog lên án kịch liệt. Mannhung – một blogger, phản ứng: “Đó là cách thể hiện mình điên rồ nhất mà tôi từng gặp. Đúng là bây giờ hai người đó nổi tiếng thật, nhưng là tiếng… xấu”.

Mai Thanh, 25 tuổi, vừa nhận chức trưởng phòng marketing của một công ty tại Q.1, TPHCM. Cô triệu tập ngay một buổi họp đột xuất, trình bày kế hoạch đổi mới cách làm việc của phòng, dù chưa nắm nhiều về công việc trước đây của đồng nghiệp. Cô cũng góp ý thẳng với nhân viên, mạnh dạn “chỉ bảo” cho những nhân viên mà cô cho là còn yếu về chuyên môn.

Thế rồi một lần, Thanh bị sốc khi vô tình nghe cấp dưới xì xào: “Nhỏ trưởng phòng đúng là ngựa non háu đá, chưa biết tài giỏi đến đâu nhưng vừa về đã làm xáo trộn hết lên”. Cô buồn bã chia sẻ: “Tôi vẫn sống đúng tính cách của tôi, việc tôi thì tôi làm và cố gắng làm tốt nhất trong mức có thể. Tôi nghĩ, mình có bộc lộ tâm tư, nguyện vọng ra thì mọi người mới chia sẻ với mình. Không ngờ mọi người lại cảm nhận về tôi như vậy”.

Hoàng Lan, SV năm cuối trường ĐH KHXH-NV bị bạn bè xa lánh do cách thể hiện bản thân quá mạnh mẽ. Trong các giờ thuyết trình, Lan cầm micro xưng “tôi”, chất vấn với giọng bằng vai phải lứa với thầy giáo. Phần đông SV trong lớp bảo Lan làm những việc “chướng mắt”, nếu thực sự giỏi giang thì đâu cần thể hiện như thế?

Có lần, một cô bạn còn ghé tai Lan góp ý: “Thầy gần 60 tuổi, lớn hơn tuổi cha của bạn, bạn đâu cần thiết phải tỏ thái độ như thế, làm thầy buồn thì sao? Lan bày tỏ: “Rõ ràng thầy khuyến khích SV xưng “tôi” và mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình. Dường như nhiều bạn trong lớp đang chống lại tôi”.

Thể hiện đúng mực

Nhiều bạn trẻ thích thể hiện sự tự tin và cảm thấy càng tự tin mình càng nổi bật, nhưng sự thể hiện này khi vượt ngưỡng, khiến người ngoài nhìn vào rất dễ cho đó là tự cao, tự đại. Thạc sĩ Võ Văn Nam (giảng viên khoa Tâm lý – ĐH Sư phạm TPHCM) nhận định: “Ranh giới giữa tự tin và tự cao rất mong manh, sự tự tin được thể hiện quá một chút có thể thành tự cao. Vấn đề là mỗi người phải xác định được năng lực bản thân đến đâu để thể hiện cho đúng”.

Nguyễn Thúy Uyên Phương, 25 tuổi (Phó giám đốc PACEBOOK, Tổ hợp giáo dục PACE) chia sẻ: “Sinh viên, thanh niên các nước trên thế giới rất chủ động trong việc thể hiện mình. Trong bất cứ đám đông nào, họ cũng tìm cách tốt nhất để làm nổi bật mình. Ở ta, phần lớn SV, thanh niên còn thụ động trong việc này. Cũng vì thế, một số ít người muốn làm nổi bật mình khó tránh bị hiểu nhầm là “chảnh”. Tôi thì chọn cách thể hiện hết mình, dù khó tránh khỏi chuyện khen chê.

Vấn đề là mình thể hiện như thế nào mà thôi. Nếu lời nói nhất quán với việc làm, thì người khác khó có thể cho mình là “thùng rỗng kêu to”. Điều quan trọng là thể hiện phải chừng mực. Bản thân tôi cũng va vấp nhiều trong cách thể hiện mình, nhưng trải nghiệm nhiều mới thấy, việc thể hiện cũng phải học và rèn luyện từng ngày”.

Thạc sĩ Võ Văn Nam chia sẻ: “Bạn trẻ cần chọn cách thể hiện mình hợp lý nhất: thể hiện ấn tượng, nhưng không quá hình thức hoặc lập dị. Thế hệ chúng tôi ngày trước bị đè nặng quan niệm “Nói là gieo, nghe là gặt” nên ít dám thể hiện mình, từ đó phải chịu nhiều thiệt thòi. Nếu nghĩ rằng “nghe là gặt”, vậy ai cũng muốn “gặt” thì lấy ai “gieo”? Không nói mà chỉ biết nghe cũng là một cái lỗi”.

Theo Phụ Nữ TPHCM

Bình luận (0)