Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chung quanh việc học sinh đi xe máy

Tạp Chí Giáo Dục

"Từ niên học 2008-2009 bắt đầu thực hiện chương trình giảng dạy trật tự ATGT mới ở tất cả các cấp học. Từ ngày 1-9-2007 xử lý nghiêm khắc tất cả học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển mô-tô, xe gắn máy…"

Nghị quyết 32 của Chính phủ nêu: "Từ niên học 2008-2009 bắt đầu thực hiện chương trình giảng dạy trật tự ATGT mới ở tất cả các cấp học. Từ ngày 1-9-2007 xử lý nghiêm khắc tất cả học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển mô-tô, xe gắn máy…". Việc thực hiện quy định này có vấn đề gì đáng quan tâm?

Mặc dù các trường đều có quy định cấm tất cả học sinh đi xe máy đến trường. Tuy nhiên vào trước buổi học hay sau các giờ tan học chúng ta vẫn bắt gặp hiện tượng học sinh đi xe máy chở ba, bốn người.

Những học sinh đi học bằng xe máy không dám đưa xe vào trong trường mà gửi xe ở ngoài.

Hầu hết, các em khi được hỏi thì đều viện lý do là nhà xa, đi bằng xe đạp mất nhiều thời gian nên đi xe máy cho tiện.

Thực tế cho thấy, rất nhiều học sinh THPT và một bộ phận học sinh THCS biết đi xe máy và sử dụng phương tiện này tham gia giao thông trên các tuyến đường.

Chúng tôi đã khảo sát vấn đề học sinh đi xe máy ở trường THPT Mỹ Ðức A (Hà Nội) và thấy một số điều đáng quan tâm như sau:

 
Nhiều học sinh biết đi xe máy rất sớm.

Em Lê Quang Chương lớp 12A5 và nhóm bạn cho biết: "Hầu hết chúng em đều biết đi xe máy từ khi còn học lớp 8, lớp 9, đến nay đi cũng khá vững, nên ở nhà có việc gì cần đi xa thì chúng em được đi bằng xe máy".

Việc tập đi xe cũng được các em kể rất đơn giản: "Thường thì chúng em biết đi xe do học từ bạn bè. Trong nhóm, bạn này có xe máy thì dạy bạn khác chứ rất ít bạn được bố mẹ hay anh chị lớn tuổi dạy. Hơn nữa, việc tập đi xe máy cũng đơn giản, chỉ cần được nghe qua về cách nổ máy, đạp phanh và đi thử một hai lần là biết đi xe".

Ði xe máy theo kiểu tự phát (tự dạy, tự học), không có sự quản lý, giám sát của người lớn nên hầu hết các em đều hiểu biết rất sơ sài các quy định về Luật Giao thông đường bộ.

Nhiều em, tuy mới biết đi xe nhưng cũng thích đua tốc độ và thể hiện "bản lĩnh", nên khi gặp sự cố trên đường, các em thường mất bình tĩnh, không xử lý kịp thời, dẫn tới gây tai nạn giao thông.

Em Vũ Thành Long tâm sự: "Trước đây, em là cầu thủ số một trong đội bóng của lớp, nhưng từ khi bị tai nạn do đi xe máy tốc độ cao, gẫy chân, em phải từ bỏ "sân cỏ" vì không thể chạy nhanh và tranh bóng như trước được nữa".

Mặt khác, cũng cần nhìn nhận một thực tế, công tác quản lý, giáo dục các em chấp hành Luật Giao thông đường bộ còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân làm gia tăng số trẻ em chưa đến tuổi, tham gia giao thông bằng xe máy là do sự quản lý lỏng lẻo và nuông chiều của bố mẹ.

Nhiều gia đình khi biết con mình đi xe máy không những không khuyên ngăn mà còn giao xe hoặc một số gia đình có điều kiện, sắm xe máy riêng cho các em.

Giáo viên dạy môn địa lý Ðinh Thị Thu cho rằng: "Rất nguy hiểm khi để cho các em học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy. Ở lứa tuổi này, tay lái của các em còn yếu, không xử lý được tình huống. Bọn trẻ hiểu biết còn hạn chế, lại thích đùa nghịch, nhiều khi đi xe lạng lách để trêu đùa bạn bè. Có những lần đang đi đường, học sinh đi xe máy qua chào cô, chưa kịp nhận ra đó là học sinh của lớp nào thì các em đã phóng vụt đi. Nhà trường và các thầy giáo, cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở các em, tuy nhiên mới chỉ quản lý các em khi tới trường, còn ở nhà thì trách nhiệm thuộc về gia đình và chính quyền địa phương. Quan trọng là gia đình phải quản lý thật nghiêm, tuyệt đối không cho các em đi xe máy khi chưa đến tuổi. Chính quyền địa phương nơi cư trú nên yêu cầu các gia đình có con em dưới 18 tuổi, không có giấy phép lái xe, ký cam kết không cho đi xe máy. Chúng ta thực hiện nghiêm bao nhiêu thì hạn chế được những tai nạn bất trắc xảy ra cho các em bấy nhiêu".

Tìm hiểu về công tác giáo dục Luật Giao thông đường bộ, trong các trường học được biết từ đầu năm học 2008 – 2009, hầu hết các trường đều đưa Luật Giao thông đường bộ vào trong buổi sinh hoạt đầu tuần và lồng ghép vào các tiết học của một số bộ môn như môn giáo dục công dân.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về những khó khăn nhà trường gặp phải trong công tác giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho lứa tuổi học sinh, cô giáo Trịnh Thị Dự, Phó hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Ðức A cho biết: "Ðể học sinh hiểu và chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền tập trung như nhắc nhở các thầy giáo, cô giáo và toàn thể học sinh vào các buổi chào cờ đầu tuần, lồng ghép nội dung ATGT vào trong một số môn học, tổ chức đội thanh niên tình nguyện giám sát các việc thực hiện của học sinh… Tuy nhiên nhà trường còn gặp nhiều khó khăn như thiếu tài liệu giảng dạy. Một số quy định mới về trật tự ATGT đường bộ chưa được cập nhật trong giáo trình nên nhà trường vẫn phải giảng dạy theo những tài liệu cũ. Về phương pháp giảng dạy, các thầy giáo, cô giáo do không chuyên sâu về lĩnh vực giao thông, chỉ dạy lý thuyết, còn thực hành thì phần lớn là do từ thực tế bản thân trải nghiệm truyền đạt lại cho các em. Rất mong các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông, quan tâm giúp đỡ nhà trường như tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên, phân công cán bộ xuống các trường để trực tiếp tuyên truyền cho học sinh. Làm như vậy không những đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền mà còn giúp các thầy giáo, cô giáo có kiến thức sâu hơn về lĩnh vực này.

Thực tế nói trên đang đòi hỏi sự phối hợp tốt hơn, chặt chẽ hơn giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục và quản lý học sinh chấp hành đúng các quy định về trật tự ATGT nói chung và sử dụng xe máy nói riêng.

Theo kênh 14

 

Bình luận (0)