Hội nhậpGiáo dục phát triển

Quyết liệt hơn với nạn học sinh bỏ học sau tết

Tạp Chí Giáo Dục

Việc học sinh bỏ học là một thực tế diễn ra nhiều năm, ngành GD&ĐT đã tìm nhiều giải pháp để khắc phục hiện tượng này. Tuy nhiên, số HS phổ thông bỏ học mặc dù con số không lớn nhưng vấn đề là ở chỗ HS (từ 6 đến 14 tuổi) bỏ học ở nhà mà không học tiếp bổ túc, không học nghề, TCCN hoặc không đi làm với công việc ổn định thì trở thành bỏ học “tiêu cực”. Về lâu dài, số HS bỏ học “tiêu cực” ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các em, rộng hơn, xã hội sẽ gánh chịu nguồn nhân lực chất lượng thấp. Vậy thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề này như thế nào?

Bỏ học “tiêu cực”

Xã Vĩnh Hưng huyện Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế) là một xã bài ngang, đời sống của hơn 8000 người dân ở đây chủ yếu dựa vào đánh bắt cá trên Phá Tam giang. Thu nhập không ổn định, phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên và kinh nghiệm nên cuộc sống bà con nơi đây khá vất vả. Điều này đã tác động không nhỏ đến tình hình giáo dục.

Nói về thực trạng giáo dục, hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Hưng Phan Văn Nhơn không khỏi trăn trở cho biết: Từ năm 2001 trường tách cấp, hiện có 18 lớp với 816 HS. Do cơ sở vật chất còn thiếu thốn, HS vẫn đang phải học 2 ca. Từ đầu năm học 2007- 2008 trường đã có 53/816 HS bỏ học. Số HS bỏ học chủ yếu tập trung ở thôn Trung Hưng. Đây là thôn có đông bà con vạn chài, cuộc sống bấp bênh nhưng lại sinh đông con (trung bình mỗi gia đình có 4- 6 con). Trước thực trạng này, nhà trường đã tổ chức các cuộc vận động nhưng HS đi học lại rất ít. Để HS quay lại trường, nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường đều vào cuộc. Ngay cả Bí thư, Chủ tịch xã cũng trực tiếp đi vận động HS đến trường và kết quả có 2 em quay trở lại học được vài hôm rồi lại bỏ.

10 nguyên nhân dẫn đến HS bỏ học

1. Sự thiếu quan tâm, động viên hỗ trợ cho việc học tập của HS, nên khi HS học yếu kém cộng với các điều kiện không thuận lợi khác thì các em bỏ học.

2. Sự thiếu quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về hỗ trợ, khắc phục khó khăn (trường lớp tạm bợ, thiếu nhà công vụ cho GV, nợ lương GV…)

3. Ngành GD chưa sâu sát, chưa đánh giá đúng chất lượng GD, nhiều địa phương còn chạy theo thành tích, chấp nhận tiêu cực trong thi cử để có thành tích phổ cập…nên đã để một bộ phận HS không đạt chuẩn học tập lên lớp, từ đó các em chán học, bỏ học.

4. Điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học chưa đáp ứng và thuận tiện cho việc học của HS.

5. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến HS ngại đi học

6. Chương trình học ở một số môn còn nặng… nhiều nơi chưa quan tâm, hỗ trợ đúng mức đến HS yếu kém dẫn đến chán học, bỏ học.

7. Nhiều HS bỏ học để phụ giúp công việc gia đình vào mùa vụ, khi quay lại học gặp khó khăn.

8. Do sự phân luồng tự nhiên: thu nhập ở các khu công nghiệp cao hơn thu nhập đi làm ở nông thôn, hấp dẫn đối với HS yếu kém.

9. HS yếu kém không muốn tiếp tục ở phổ thông mà chuyển sang học bổ túc văn hóa, học nghề, TCCN (phân luồng tích cực).

10. Do thiên tai, lũ lụt, mất mùa cộng với điều kiện gia đình khó khăn nên HS cũng bỏ học.

Tổng kết năm học 2006- 2007, toàn trường có 138 HS yếu kém phải thi lại, nhưng vẫn có 21 HS không đến học phụ đạo để thi lại. Như vậy đồng nghĩa với 21 trường hợp bỏ học. Nhiều GV trong trường tâm sự: Để HS quay lại lớp, GV ngoài việc vận động đi học, còn phải dạy phụ đạo cho các em không thu tiền bất kể thời gian nhàn rỗi. Nhưng vấn đề HS bỏ học dường như ngoài tầm kiểm soát của nhà trường.

Đâu là nguyên nhân?

Xã Vĩnh Hưng tuy chỉ có hơn 8000 dân nhưng lại có đến 3 nhà thờ, nên bà con ở đây chủ yếu theo công giáo. Để giải quyết việc HS bỏ học, nhà trường và chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với bên nhà thờ để vận động các em đến lớp. Thầy giáo Nguyễn Duy Thông cũng là người theo công giáo, ngoài công tác ở trường, cuối tuần thầy còn tham gia dạy giáo lý cho con em giáo dân ở nhà thờ. Chính vì thế, trước hiện tượng HS bỏ học, thầy đã báo cáo với Cha giáo sứ nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên cũng chỉ có duy nhất em Trịnh Đình Thuận (Thôn Bắc Thắng, làng Diêm Trường) đi học trở lại và học đến hết lớp 9. Thầy Thông cho biết: bản thân tôi cũng chưa thấy giải pháp nào tối ưu để vận động HS đi học trở lại.Tôi vừa là thầy giáo của các em, ở nhà thờ là người anh tham gia cùng các em sinh hoạt tập thể, hoạt động cộng đồng và dạy giáo lý. Quan hệ rất gần gũi nhưng việc bỏ học vẫn tiếp diễn. Vậy nguyên nhân vì sao các em lại không chịu đi học?

Chúng tôi đến thôn Trung Hưng (thôn có đông HS bỏ học) vào thời điểm các gia đình đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Cả thôn vắng hoe vắng hoắt. Chợ cóc đầu thôn cũng chỉ lác đác vài sạp hàng rau, cá. Vào thăm các gia đình có con em bỏ học theo số liệu báo báo của nhà trường chúng tôi không gặp được em nào. Các gia đình chủ yếu còn lại người già và trẻ em, người trong độ tuổi lao động đều bỏ quê đi kiếm ăn, cuối năm mới về thăm nhà ăn Tết. Ông Huỳnh Phụ (57 tuổi) một người dân trong thôn nói: Thời gian này các em bỏ học đi vào Sài Gòn và Đà Nẵng làm ăn, trong thôn chỉ còn người già hết sức lao động và trẻ em mẫu giáo, tiểu học. Bản thân ông Huỳnh Phụ cũng có 4 người con thì 3 đang làm ăn ở Sài Gòn còn 1 người ở HN.

Ông Huỳnh Diện, trưởng thôn cho biết, từ lâu lắm rồi trong thôn mới thấy có một em đỗ vào trường ĐH. Nhiều gia đình các cháu mới lớn là bỏ học để thoát li gia đình. Không thể vận động HS đến lớp được, do nhiều gia đình khó khăn, lại là địa bàn bãi ngang nên nghề chính là chài lưới mà nghề chài lưới bây giờ cũng khó kiếm ăn nên các cháu cứ đến tuổi 14, 15 là nhăm nhe bỏ học đi làm. Thời điểm bỏ học nhiều nhất là dịp Tết. Bởi khi đó các “ông chủ” của các công ty may ở Sài Gòn, Đà Nẵng về làng ăn Tết và thông báo tuyển dụng công nhân. Những em bỏ học phần lớn do gia đình khó khăn, bố mẹ làm xa thiếu sự quan tâm, nên các em học kém dẫn đến chán học và bỏ học. Vì thế, nhu cầu bỏ quê đi làm sớm trở thành phổ biến trong thôn.

Do có nhu cầu lao động, trong thôn còn có đường dây móc nối tuyển lao động trẻ. Cứ tuyển được một lao động là “dân cò” lại có hoa hồng. Ông trưởng thôn Huỳnh Diện đúc kết: Đẻ nhiều, gia đình thu nhập thấp nên phải đi làm ăn xa dẫn đến con cái thiếu sự quan tâm của bố mẹ và hậu quả là HS chán học, cuối cùng bỏ học để đi làm.

Cần tạo ra một phong trào học tập

Từ câu chuyện HS bỏ học ở thôn Trung Hưng có thể nghĩ đến trách nhiệm xã hội. Hiệu trưởng Phan Văn Nhơn thừa nhận: Học sinh bỏ học còn có nguyên nhân khác là nơi đây chưa có một phong trào học tập. HS học kém, học yếu là cảm thấy muốn bỏ học để thoát ly đi làm. Có thể nói, việc nhà trường và chính quyền thôn, địa phương, công giáo, các đoàn thể… đã có sự kết hợp trong việc vận động HS đến trường. Tuy nhiên, xem ra vấn đề không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của nhà trường, chính quyền mà vấn đề xã hội. Vậy việc gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa thiếu sự quan tâm đến con cái dẫn đến HS bỏ học có phải là bản chất vấn đề của việc HS bỏ học? Thực ra nhận xét như thế chưa đủ để đưa ra giải pháp để giải quyết bài toán này. Đúng như nhận xét của hiệu trưởng Phan Văn Nhơn, nơi đây thiếu một phong trào học tập. Việc học, ý thức học tập của người dân và HS chưa cao.

Chúng tôi đã đến một số địa phương Hà Tĩnh (nhiều người quen gọi là “đất học”), ở đây nhiều xã, nhiều thôn đời sống nhân dân cũng rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng lại không có hiện tượng HS bỏ học. Nhiều trường, nhiều năm tổng kết không có HS bỏ học. Hiếu học là truyền thống của bà con nơi đây. Nhiều em xác định học để có thể ngày mai thay đổi cuộc sống; học để có một tương lai tươi sáng hơn; học để ngày mai lập nghiệp. Đó là suy nghĩ rất giản đơn của người dân nơi đây. Chính từ suy nghĩ đó nên việc học tập, học giỏi trở thành phong trào trong xã, trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Nhiều gia đình dù rất nghèo nhưng sẵn sàng bằng sức người, ngày công, tiền của để đóng góp cho nhà trường. Vì thế, nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng GD, HS được học tập trong một môi trường đầy đủ điều kiện, với những GV tâm huyết. Do vậy sự tác động của xã hội đến giáo dục có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Quay trở lại với câu chuyện ở xã Vĩnh Hưng, nếu như nơi đây có một phong trào học tập sâu rộng, HS có động cơ học tập rõ ràng hơn thì chắc chắn không có hiện tượng HS bỏ học “tiêu cực” như thế.

Trọng Khánh (GD&TĐ)

 

Bình luận (0)