Đang học dở hai trường ĐH, khoa Tiếng Trung thuộc Học viện Quan hệ quốc tế và khoa Báo chí trường Đại học Nhân Văn, Trần Hải Yến dừng học trước hàng trăm cặp mắt kinh ngạc của cả thầy cô, gia đình lẫn bạn bè, để theo đuổi đam mê thời trang của mình.
Hài hước, giản dị và chân thành… đó là những nét Trần Hải Yến cuốn hút bạn ngay lần gặp đầu tiên. Đam mê kinh doanh, thích được thử sức, luôn không ngừng tìm kiếm sự độc đáo, Trần Thị Hải Yến, cô gái 23 tuổi cực kỳ năng động này đã thổi hồn vào những bộ trang phục nữ tính nhưng vẫn phong cách cá tính đang từng bước chứng tỏ thương hiệu SanSan trên thị trường về thiết kế thời trang công sở.
Vẽ là niềm đam mê duy nhất của Yến ngay từ nhỏ, bất cứ chỗ nào cũng có thể là nơi để cô bạn cá tính này thể hiện sự sáng tạo. Có thể là trên giấy, trên tường hay bất cứ chỗ nào thuận tiện với cô. Lớn hơn một chút, Yến bị cuốn hút bởi vẻ lịch lãm, sang trọng của kiểu dáng lẫn chất liệu của các sản phẩm mang nhãn hiệu Valentino, Chanel. Cô nhanh chóng tìm được đối tượng phục vụ đó là “ladies who use computes”.
Sau khi dừng học, việc làm cô nàng lo lắng nhất đó là công đoạn giải thích với bố mẹ. Nhưng trái với những ý nghĩ ban đầu, gia đình tuy có ngạc nhiên nhưng bố mẹ vẫn rất “bình tĩnh” vì không lạ gì tính cách cô con gái rượu của mình. Và nhiều ngày sau đó, bạn bè lần lượt gọi điện tới tấp, qua nhà thăm và câu hỏi thường gặp là “Yến bị điên à, người yêu bỏ hay Yến có chuyện gì chán đời…”
Nhưng chính tại thời điểm đó, ngoài niềm đam mê yêu thích vẽ, yêu thích thời trang, cô nàng “không có gì hết, vốn không, kiến thức về may mặc, kinh doanh cũng không, không gì hết”.
Cô nàng có gửi vài tác phẩm của mình tới cuộc thi thiết kế thời trang quốc tế và có nhận được kha khá giải thưởng và rồi Yến nghĩ “tại sao mình không làm một cái gì đó thực tế hơn?”. Không chỉ dừng lại ở những ý tưởng cứng nhắc vô hồn trên giấy, cô thuyết phục nhà tài trợ là mẹ mình đầu tư một khoản tiền kha khá để mở xưởng may.
Nhưng để xoay chuyển, thuyết phục nhà đầu tư này không hề đơn giản. Ban đầu Yến mượn mẹ 450 ngàn đồng để bán len sợi trước cổng nhà, chỉ sau 50 ngày, cô nàng đã thu lại được hoàn toàn vốn cộng thêm 12 triệu lợi nhuận ròng. Và lúc này, mẹ mới đồng ý đầu tư cho con gái một khoản tiền kha khá để mở xưởng may, mua các loại máy chuyên dụng cần thiết.
Đến lúc này, Yến thuê hai người thợ may, có nhiệm vụ duy nhất: dạy cho cô chủ những kiến thức cơ bản đầu tiên của nghề may. Hàng ngày, cô vùi đầu bên các loại sách dạy cắt may, quản lý, kinh doanh…
Rồi cô cùng với vài nhân viên thức khuya dậy sớm, bận rộn với những mẫu thiết kế, cắt, may, rồi liên hệ khách hàng… “Ban đầu xưởng gặp khá nhiều khó khăn, có những lúc tới thời điểm trả hàng mình vẫn chưa có đủ sản phẩm; có những lúc, toàn bộ công sức của cả xưởng phải bắt đầu lại từ đầu vì khách hàng trả lại toàn bộ lô hàng vì có khiếm khuyết. Nhưng, nhờ có những thời điểm gian khổ đó, tôi mới thực sự hiểu được giá trị công sức, hiểu được ý tưởng không có nghĩa khi nó không có tính thực tiễn” – Yến tâm sự.
Song song, Yến học thêm một lớp học của Ý về thiết kế thời trang. Và sau 2 năm, xưởng may là nguồn cung cấp hàng chủ yếu cho khách hàng lớn, một hãng thời trang có tiếng trên thương trường. Dần dần xưởng đã hoạt động vào quỹ đạo ổn định và Yến mở thêm hai cửa hàng SanSan tại Hà Nội, chuyên các mặt hàng thời trang công sở. Tất cả những mẫu tại xưởng và của hàng đều do chính tay Yến thiết kế.
Không có điều kiện quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng khách hàng vẫn đến với cửa hàng của Yến (đường Trần Hưng Đạo) rất đông.
Yến tâm sự: “Tôi là người may mắn, may mắn vì có gia đình ủng hộ, may mắn vì đã gặp được vị khách hàng lớn có thiện chí đã nâng đỡ đúng lúc chúng tôi còn trứng nước và đầy rẫy những khó khăn buổi ban đầu, may mắn vì đã có những người nhân viên tận tuỵ.”
“Cảm thấy hạnh phúc và sung sướng nhất khi đang đi trên đường Yến gặp một ai đó đang mang trên mình bộ đồ do mình thiết kế. Hạnh phúc như nhìn thấy đứa con mình biết đi vậy”, cô bạn chia sẻ.
Hà Hương (dantri.com.vn)
Bình luận (0)