Gần đây thú chơi thư pháp trở nên "hot". Nhiều bạn trẻ đã trở thành "ông đồ" đi múa bút, cho chữ và được sự ngưỡng mộ nhờ tài thư họa của mình.
Ông đồ trổ tài |
Cuối năm cũng là dịp để ông đồ cho chữ nhiều hơn và qua đó cũng có "đồng vô đồng ra". Bạn Hồng Ân, SV trường ĐH Bách khoa TP.HCM xem thư pháp là "một thú chơi làm mình trở nên thanh thoát hơn, đứng trước một bức thư họa mình sẽ lắng lòng trở lại. Nhất là trước cuộc sống bộn bề lo toan này thì đó là cứu cánh, để mình bớt suy nghĩ, bớt lo âu". Nguyễn Thanh Luyện thì "tín ngưỡng" thư họa bằng cả tấm lòng. Thanh Luyện chia sẻ: "Giới trẻ hiện nay cần phải học lại những giá trị đẹp đẽ trước đây mà ông cha ta đã có, từng bị mai một đồng thời phục hồi và làm cho nó sống lại".
Trong tất cả các lễ hội của các trường, các nơi có bạn trẻ tham gia hầu hết đều có những gian hàng thư pháp với những ông đồ trẻ múa bút. Nhiều người đến xem và "thỉnh"thư pháp về nhà. Dùng thư pháp đem tặng nhau đã trở thành "mốt" mà các bạn trẻ thích. Chính vì vậy mà ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM… đã mở lớp dạy thư pháp, có câu lạc bộ hẳn hoi và chỗ nào cũng đông người học là những bạn trẻ với niềm mê chữ thật sự.
Vào những ngày lễ hội, dịp cuối năm… thì ông đồ lại xuất hiện ơ ãnhững gian hàng thư pháp và đã thu hút nhiều người đến xem, mua thư pháp. Nếu ông đồ có "tay nghề" thì có thể kiếm tiền ngon lành với nghề cho chữ của mình. Thư pháp hiện nay không chỉ vẽ lên giấy, vải mà còn có thể trang trí lên… mũ bảo hiểm.
Ông đồ Hoa Nghiêm sau một thời gian viết thư pháp đã khá nổi tiếng dù chỉ mới 24 tuổi. Vào những dịp Tết như thế này, Hoa Nghiêm phải bận rộn nhiều với những hợp đồng viết thư pháp. Nhưng dù gì đi nữa, đặt hàng nhiều đến mấy thì với anh: "Người viết thư pháp phải để tâm mình vào con chữ thì mới làm cho chữ của mình sống lại được". Tuy nhiên anh không phủ nhận nghề này nếu có khả năng, có mối quan hệ rộng và biết tiếp thị thì có thể làm ăn được.
Cũng như Hoa Nghiêm, bạn Lê Hữu Hãn (sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã tập tành viết, họa từ năm lớp 11 và đến nay thư pháp đã "ăn vào máu". Tham gia viết, vẽ trong nhiều lễ hội và đặc biệt là dịp cuối năm, Hữu Hãn rút ra một điều: "Thư pháp có thể học để viết được nhưng để viết đẹp thì phải toàn tâm toàn ý với nó". Nói rồi anh nhắc đến nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và nói: "Do ông Huấn có cái tâm thiêng lương cộng với cái tài nên ông mới viết chữ đẹp. Người viết và người chơi thư pháp cũng vậy, phải có cái tâm thiên lương, biết quý cái đẹp thì mới có được niềm vui trong thư họa".
Chính vì vậy mà người viết hay người chơi cũng cần luyện tâm để cảm nhận, để thấy vui từ những con chữ. Và rất nhiều bạn trẻ đã và đang bước vào thú chơi tao nhã này để luyện tâm mình biết lắng lại trước sự xô bồ của cuộc sống. Còn những ông đồ thì ngoài việc luyện tâm, thư họa còn là cái nghề để mưu sinh.
Theo Thanh Niên
Bình luận (0)