Một buổi biểu diễn thời trang của thành viên Câu lạc bộ Bầu trời xanh TP.HCM – Ảnh: Như Lịch |
Vẫn còn “nhạy cảm”
Khảo sát 502 bài báo viết về đề tài người đồng tính trong những năm 2004, 2006 và quý 1, 2 năm 2008 trên 6 báo mạng và 4 tờ báo in có số lượng độc giả lớn tại VN, nhóm nghiên cứu rút ra nhận xét: giới truyền thông vẫn xem người đồng tính và tình dục đồng giới là vấn đề nhạy cảm…
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm đồng tính ở đô thị và nhóm đồng tính nam được đề cập chủ yếu, còn nhóm đồng tính nữ, chuyển giới và lưỡng giới chiếm số lượng không đáng kể. Nghề nghiệp của người đồng tính được thể hiện chưa đa dạng, trong đó nhóm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật nhiều nhất, tiếp đó là học sinh, sinh viên, quan chức, doanh nhân, trộm cắp, bói toán.
Rất ít bài báo đề cập đến nguy cơ hành vi tình dục của người đồng tính và nếu có đề cập, thông tin cũng mơ hồ và không đầy đủ. Nhiều bài viết thiên về quan niệm hành vi tình dục của người đồng tính là đáng lên án, lệch chuẩn, là ăn chơi đua đòi, sống trụy lạc. Quyền được kết hôn của người đồng tính được đề cập nhiều nhất. Tuy nhiên, quyền yêu và được yêu, quyền có con, quyền nhận con nuôi, quyền tiếp cận với các dịch vụ tư vấn thể hiện không nhiều trong các bài báo.
Mức độ kỳ thị thay đổi theo xu hướng tích cực, trong đó có 18% không kỳ thị, 41% còn kỳ thị và 41% không xác định (không rõ quan điểm).
Muốn giữ bí mật…
Cũng trong ngày 17.2, anh Nguyễn Cường Quốc – cán bộ Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường đã công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ “Đặc điểm kinh tế, xã hội của nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại Việt Nam”. Cuộc nghiên cứu này kéo dài từ ngày 29.10.2008 đến ngày 31.1.2009, với 3.231 người tham gia trả lời trực tuyến. Trong số những người tham gia, có 60,66% cư trú tại TP.HCM, 12,17% tại Hà Nội và còn lại là ở những tỉnh, thành khác và đa số ở độ tuổi thanh niên. Có 67,99% người có trình độ ĐH hoặc CĐ, dạy nghề; sau ĐH chiếm 10,15%, còn lại là trình độ cấp 1 – cấp 3.
64,25% người được hỏi bày tỏ ý kiến là hoàn toàn giữ bí mật hoặc gần như là bí mật về tình trạng đồng tính, gần như bí mật (34,81%), 24,96% người cho rằng “lúc công khai lúc bí mật” và chỉ có 2,49% hoàn toàn công khai và 5,31% gần như là công khai. Lý do những người đồng tính không tiết lộ thiên hướng tình dục bởi vì: sợ xã hội kỳ thị (40,77%), sợ gia đình không chấp nhận (39.40%), sợ bị trêu chọc, bắt nạt (28,50%), sợ mất việc (9,79%)…
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái – trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phát biểu: “Đồng tính là vấn đề xã hội, cần phải được truyền thông một cách nghiêm túc và khoa học”. Trong khi đó, một số phóng viên cho rằng kết quả nghiên cứu về hình ảnh người đồng tính trên báo in và báo mạng sẽ đạt hiệu quả thiết thực hơn nếu có ý kiến đánh giá, nhận xét của chính những người đồng tính.
N.Lịch – P.Hậu – T.Sơn (TNO)
Bình luận (0)