Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Muốn điên lên”, làm gì đây?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

EQ quyết định tới 75% sự thành bại”, thạc sĩ Phạm Thị Thúy dẫn lời của GS Daniel Goleman (Hoa Kỳ) để mở đầu buổi chia sẻ về chỉ số xúc cảm (EQ-Emotional Quotient) với hơn 30 bạn trẻ tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM mới đây.

 

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy (giữa) tại một buổi sinh hoạt chuyên đề tâm lý được tổ chức tại hội quán Đến Với Nhau (quận Bình Thạnh, TP.HCM)-Ảnh: T.B.

Con chị T. làm đổ cà phê lên áo mẹ. Chị mắng con và trách chồng để cà phê quá gần rìa bàn, hai vợ chồng cãi nhau. Đứa bé đi học với đôi mắt ngấn nước, còn chồng chị ra khỏi nhà với bộ mặt bực tức. Đưa con đến trường hơi trễ nên chị chạy xe quá nhanh và bị cảnh sát giao thông phạt. Chị T. đến chỗ làm trễ lại phát hiện bỏ quên tài liệu ở nhà. Công việc bê trễ, chiều về nhà chị thấy chồng, con không cười vui với mình như mọi ngày…

Các nhóm thảo luận nhận định: nguyên nhân chính dẫn đến một ngày không vui của chị T. không phải đến từ cô con gái, anh chồng, viên cảnh sát giao thông và càng không phải do… tách cà phê. “Nếu chị T. kiềm chế được cảm xúc của mình thì sẽ hành xử khác và kết quả sẽ khác”. Theo thạc sĩ Thúy, 10% cuộc đời là những gì xảy đến với ta, 90% còn lại do EQ – tức là cảm xúc dẫn tới cách phản ứng của ta đối với những chuyện đó.

Làm sao để rèn luyện “nâng cấp” EQ?

 

"Giận dữ không bao giờ không có lý do cả, nhưng hiếm khi có lý do đúng" Benjamin Franklin

Người ta chia EQ ra bốn cấp độ: nhận biết, hiểu, tạo ra và quản lý cảm xúc. Các bạn trẻ có mặt đã nêu hàng loạt dấu hiệu để nhận biết cơn giận dữ: nóng mặt, run tay, ném đồ, đánh con… Cũng theo họ, có thể nhận biết cơn giận dữ (và các cảm xúc khác của mình) qua thái độ của người khác đối với mình. Cũng vậy, bằng kinh nghiệm, sự quan sát và giao tiếp, bạn cũng có thể nhận biết cảm xúc của người khác. “Cần thận trọng vì bạn có thể phán đoán sai” – thạc sĩ Thúy lưu ý.

Ở cấp độ 2, cũng từ nhận định của nhóm, cách đơn giản nhất là đặt mình vào vị trí người khác để tìm hiểu nguyên nhân gây ra những cảm xúc đó…

Còn ở cấp độ 3 (tạo ra cảm xúc), bạn nên biết cách diễn đạt đúng cảm xúc của mình. Không nên phản ứng vội, nhận định lại tình hình, giữ bình tĩnh, bắt đầu bằng “tôi cảm thấy…”, “tôi nghĩ là…”… Kế đến là khả năng đáp lại cảm xúc của người khác.

“Chúng ta cần biết chăm chú lắng nghe, đặt câu hỏi mở, kiên nhẫn đợi câu trả lời, nhờ họ giải thích chỗ chưa hiểu…” – thạc sĩ Thúy chia sẻ.

Khó nhất có lẽ là quản lý cảm xúc của chính mình (cấp độ 4). Bạn cần thực hành thường xuyên cách suy nghĩ theo hướng tích cực. Thạc sĩ Thúy nêu ví dụ: “Một người vượt ngang qua đầu xe bạn. Nếu nghĩ anh ta cố ý, bạn dễ dàng sửng cồ. Nếu nghĩ anh ta không cố ý hoặc có lý do gì đó thì có thể chúng ta sẽ không tức giận”. Và có lẽ ai cũng còn rất nhiều cách để thoát khỏi các cảm xúc tiêu cực như thư giãn giải trí, chăm sóc bản thân, tham gia giúp đỡ người thiệt thòi…

THÁI BÌNH

 

Sự khác nhau giữa IQ và EQ?

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy: IQ là chỉ số đặc trưng cho sự thông minh trí tuệ, còn EQ đặc trưng cho sự thông minh tâm hồn. EQ được hiểu là khả năng quản lý cảm xúc giúp đưa ra những quyết định sáng suốt hơn và để cải thiện các mối quan hệ. Người ta đánh giá EQ của một cá nhân theo các tiêu chí: động cơ phấn đấu, tính kiên trì, khả năng kiềm chế, điều chỉnh cảm xúc, sự thấu cảm, tinh thần lạc quan.

– EQ và IQ không đối nghịch mà bổ sung cho nhau, EQ cao tạo điều kiện cho IQ phát triển. EQ quyết định nhiều hơn tới những thành công và hạnh phúc trong cuộc sống, nhưng IQ có tính ổn định cao hơn EQ. Người ta có thể “nâng cấp” cả IQ lẫn EQ qua quá trình học hỏi, rèn luyện.

Tự kiểm tra EQ của mình (bài tập của GS Daniel Goleman):

1. Bạn có cảm xúc (vui, buồn, chán nản, đố kỵ…) trong phần lớn thời gian không?

2. Bạn có thử hiểu quan điểm của người khác ngay cả khi đang tranh luận không?

3. Bạn có cách nhìn lạc quan và tin tưởng vào cuộc sống không?

4. Bạn có thường xuyên chia sẻ cảm xúc của mình với người khác không?

5. Bạn có kiểm soát được tính khí của bạn ngay cả khi đang căng thẳng không?

6. Bạn có mục tiêu và kế hoạch để hoàn thành những mục tiêu đó không?

7. Bạn có chăm chú nghe và nhắc lại những điều vừa nghe được không?

8. Bạn có cân nhắc mọi khả năng trước khi đi đến quyết định không?

9. Bạn có biết suy nghĩ về những nhu cầu của mình như thế nào và thực hiện những nhu cầu đó không?

10. Bạn có thời gian để vui đùa với những người bạn yêu mến không?

Cách chấm điểm: 1 điểm: “hiếm” hoặc “không đúng”; 2 điểm: “đôi khi” hoặc “gần đúng”; 3 điểm: “thường xảy ra” hoặc “hoàn toàn đúng”. Nếu bạn đạt 25 điểm trở lên: EQ thuộc loại ưu;16-24 điểm: cũng tốt, nhưng đừng thỏa mãn, cố gắng để hoàn thiện mình;10-15 điểm: cần rèn luyện để nâng cao EQ của mình.

THÁI BÌNH (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)