Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Teen đi học ngoại ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Với một số bạn, việc học thêm tại trung tâm ngoại ngữ mỗi tối là một lí do hết sức chính đáng để trốn gia đình đi chơi.

Trong thời buổi người người nhà nhà cho con em đi học ngoại ngữ như hiện nay, việc một số học sinh còn học cấp 1, cấp 2 đã biết sành một, hai ngoại ngữ đã không còn là chuyện hiếm. Thế nhưng bên cạnh đó, với một số teen thì việc học tiếng Anh hay tiếng gì đi nữa cũng còn khá mơ hồ và lắm chuyện để nói.

ĐI HỌC HAY ĐI CHƠI ?

Với một số bạn, việc học thêm tại trung tâm ngoại ngữ mỗi tối là một lí do hết sức chính đáng để trốn gia đình đi chơi.

N. (19t, ĐH HB) là con một trong gia đình gia giáo nên bị quản lí rất nghiêm, nhưng từ khi lên đại học và quen biết nhiều, N. lại thích chơi hơn là học. Tìm không ra thời gian trống vì thời khoá biểu ba mẹ đều nắm rõ, N. nảy ra “sáng kiến” đi học thêm Anh văn tối 2, 4, 6. Dĩ nhiên là ba mẹ N. rất đồng tình cho bạn trau dồi ngoại ngữ và sẵn sàng chi một khoảng tiền kha khá cho N. học khoá Anh văn tổng quát 6 tháng.

Thế nhưng gia đình N. nào có biết, cứ một tuần N. lại cúp hai buổi để đi chơi do trung tâm chỉ điểm danh cho có. Cứ 7g rưỡi khi ba N. vừa quay về là bạn chui ngay vào phòng vệ sinh của trung tâm Anh ngữ, sửa soạn quần shorts, áo thun cho buổi đi chơi ngắn vừa hồi hộp (vì sợ bị người quen bắt gặp) vừa hấp dẫn (vì được quậy thả ga với đám bạn) của mình. 

PHÁ RỐI TRONG LỚP HỌC

Đi học ngoại ngữ, quan trọng nhất là lắng nghe giáo viên — nhất là giáo viên bản ngữ phát âm để tập quen dần với ngữ âm của người nước ngoài. Dĩ nhiên những tiết học này sẽ rất bổ ích nếu như không có một số teen chuyên phá rối.

Trong những tiết học này, việc sử dụng tiếng Việt bị hạn chế tối đa nếu như không nói là bị cấm. Kể cả di động cũng phải để chế độ yên lặng như một phép lịch sự tối thiểu. Vậy mà có một số bạn vẫn cứ phớt lờ những quy tắc trên.

V. (16t, N.T.T) và P.(16t, N.T.T) luôn là trung tâm của sự chú ý trong lớp học, không phải vì trình độ khá nhất lớp mà vì trình độ quấy rầy người khác ở mức cao của hai cô bé. Bước vào lớp với đôi dép lê lệch xệch gây tiếng động ầm ĩ, trên tay hai cô bé luôn là hai chiếc điện thoại di động đời mới với nhạc chuông không đụng hàng. Ngồi vào bàn là xì xào rôm rả như trong phòng riêng của hai bạn, mặc cho giáo viên bản ngữ nhiều lần nhắc nhở không sử dụng tiếng Việt trong lớp học. Khổ cho những bạn ngồi bàn trên, không thể nghe được giáo viên nói gì mà nhắc thì cũng ngại.

Đấy là chưa kể nhiều khi tiếng chuông điện thoại xì tin liên tục ngắt ngang buổi học của mọi người và chủ nhân của chiếc điện thoại ấy cứ thản nhiên nghe mà không cần biết những ánh nhìn bực bội của người khác. 

ĐI HỌC ĐỂ CƯA CẨM

Đối với nhiều bạn, lớp học ngoại ngữ là một môi trường lí tưởng để tìm kiếm cho mình một anh bạn hay cô nàng xinh xinh, ngoan hiền, nhà giàu, chăm học.

T. (17t, N.C.T) là chuyên gia săn lùng “nửa kia” trong lớp ngoại ngữ. Cứ chia tay một mối tình chóng vánh là anh chàng nhảy ngay sang lớp học khác để “tránh đụng mặt nhau”. Bí quyết của T. cũng khá đơn giản và ít tốn công, chỉ cần kiên trì một chút. Đầu tiên là giả vờ quên mang sách để được xem ké cùng bạn gái xinh xinh ngồi bên, sau đó là mượn tập chép bài, vào lớp thì cố tình ngồi cạnh, luôn sẵn sàng làm partner cho bạn ấy…Thêm khiếu hài hước và vẻ ngoài thư sinh vào nữa thì thế nào đối tượng cũng đổ cái rầm!

Thế nên dù học thì cũng có học đấy, gia đình cũng yên tâm con mình chăm chỉ trau dồi ngoại ngữ cho bằng bạn bằng bè, thế nhưng mãi mà T. vẫn chưa lấy nổi cái bằng A.

GIẢI TOẢ NỖI BUỒN

Nhưng không phải ai đi học cũng mang tâm trạng vui vẻ, hào hứng như những bạn kể trên. Có những bạn, việc đi học thêm ngoại ngữ cũng như một liều thuốc chữa những nỗi buồn trong lòng.

D.(19t, ĐH CN) cứ tối tối lại xách xe đạp đi học ở trung tâm ngoại ngữ gần nhà. Hầu như bạn không nghỉ buổi nào trong suốt khoá học. Thực ra với D. , việc học là cách tốt nhất để thoát khỏi ngôi nhà lúc nào cũng vắng cha mẹ của mình. “Ở nhà mãi cũng chán, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mình mình lủi thủi, ba mẹ thì đến khuya mới về nên đi học là để D. bớt thấy thời gian trôi qua vô ích” – D nói.

Còn với L. (18t, G.V), chuyện chia tay vừa rồi với bạn trai đã khiến L. chán nản hơn tháng trời, nhưng nhờ bạn bè khuyên nhủ nên L. đăng kí học một lớp tiếng Nhật 6 tháng. “Khi đi học mình thấy nhẹ nhõm hơn nhiều, ít nghĩ đến những chuyện đã qua hơn mà lại tìm được những người bạn mới. Hơn nữa biết thêm một ngoại ngữ bây giờ là cần thiết vì sau này mình cũng phải thi vào ngành quan hệ quốc tế mà” – L. cho biết.

Dù học ngoại ngữ với lý do gì đi nữa, chúng ta cũng nên nghĩ đến một điều: mỗi tiết học mà ta ngồi phòng máy lạnh, là một ngày làm việc vất vả của cha mẹ. Ngoại ngữ không chỉ là yêu cầu bắt buộc của bất cứ một công việc nào, mà đó còn là dịp để các bạn tìm hiểu thêm về một nền văn hoá mới. Đừng bỏ lỡ thời gian quý báu trong lớp học cho những thú vui vô bổ để sau này hối tiếc khi bạn bè líu lo dăm ba thứ tiếng mà mình thì tiếng Việt còn nói chưa chuẩn (!)

Theo MTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)