Chẳng còn bao lâu nữa, teen 12 sẽ phải “đối mặt” với kì thi tốt nghiệp và đại học. Nhiều teens “cày” ngày, “cày” đêm, tranh thủ thời gian để học và học, nhưng cũng có nhiều teens coi đây là thời gian để mà…
Yêu
Tên bạn thân nhất của tớ “đế ý” đến một em lớp 11 cùng trường. Điều đó sẽ chỉ là chuyện “thường ngày ở huyện” nếu như nó vẫn chỉ như trước đây, thỉnh thoảng “giả đò” đi qua lớp em í rồi…nhìn trộm một cái. Đằng này, đùng một cái nó quyết tâm “tấn công” bằng được, với lời giải thích vô cùng ngốc xít: “Mấy tháng nữa là ra trường rồi, không nhanh sau này làm gì còn cơ hội nữa”. Vậy là hắn ngày đêm suy nghĩ, tìm mọi cách cách “phát tín hiệu”, ngày nào cũng “làm đuôi” theo về tận nhà, gọi điện cho em buôn bán hàng chục lượt, “đau đầu” liên tục với vụ chọn lựa quà cáp…Lãng phí biết bao nhiêu thời gian, công sức, còn tâm trí đâu mà để ý đến học hành.
Khoảng thời gian này cũng là lúc “chân lý”: “Tình yêu tuổi học trò là tình yêu trong sáng, đẹp đẽ nhất, không yêu thì phí lắm” lan truyền rộng rãi trong cộng đồng teen cuối cấp. Vô số teen tin vào “chân lý” ấy, và buồn so vì mình vẫn chưa có “mảnh tình vắt vai” nào, vậy là cuống quýt bắt đầu những mối quan hệ trên tình bạn. Như cô nàng N, gật đầu cái rụp yêu anh bạn lớp bên, mặc dù chẳng có chút tình cảm gì. Và rồi còn bận yêu, bận đi chơi, bận cãi cọ, giận hờn nên “quên” học hành cũng là chuyện dễ hiểu…
Chơi
Lớp 12, sắp chia tay rồi bỗng thân nhau và thấy sợ cái ngày chia tay khủng khiếp. Thế là vội vàng, là cuống quýt, tìm mọi thời gian sau những ca học để kéo nhau đi chụp sticker, đi ăn uống, thậm chí là…lòng vòng ngoài đường, buôn dưa lê rôm rả hôm này qua hôm khác, thay vì hành động có ích hơn nhiều là về nhà học bài hay học nhóm để giúp đỡ lẫn nhau.
Các buổi đi chơi xa cũng không hề hiếm, với cùng một lý do: “Sắp tới mỗi đứa một nơi, làm gì còn cơ hội mà đi chơi cùng nhau thế này”. Vì là thời điểm “nước rút”, nên tất nhiên là thày cô và bố mẹ không đồng ý, vậy là…đi chui. Như lớp 12 C (Trường V, Hà Nội) tận dụng ngày chủ nhật được nghỉ, cả lớp rủ nhau tự thuê xe đi Hòa Bình chơi. Khi được hỏi: “Sao không để thi đại học xong, tha hồ thời gian mà đi chơi” thì Q, một nhân của lớp, trả lời: “Lúc ấy đứa làm được bài, vui vẻ thì không sao, chứ đứa mà buồn á, tâm trạng đâu mà đi”. Dù đi xa, về mấy hôm sau vẫn mệt nhoài, hơn nữa không có sự quản lý của người lớn thì vô cùng nguy hiểm, thế nhưng cả lớp với tinh thần “chơi là chính” vẫn tiếp tục lên kế hoạch “ăn chơi” đều đều…
Và vô vàn thời gian chưa hợp lý
Những cuốn lưu bút thấp thoáng đã xuất hiện, và khi teen nhận về luôn được nghe câu kèm theo của “chủ nhân”: “Bây giờ chưa có nhiều người đưa lưu bút để viết, nên phải viết cho tớ thật dài đấy, không đủ chỉ tiêu 10 trang tớ bắt viết tiếp đó nha”. Đi học suốt ngày, tối lại bận làm bài, nên tranh thủ lúc cô…giảng bài để “sáng tác” đủ 10 trang vậy. Lưu bút thì có, nhưng những lời cô giảng thì cứ “bay” đi đâu hết mất tiêu.
Việc chọn trường cũng là vấn đề “ngốn” mất nhiều thời gian của teens. Như cô nàng L (trường C), dù kiến thức còn hổng khá nhiều, nhưng thay vì học, cả tháng nay lại “đau đầu” xem nên trường nào tốt, trường nào dễ xin việc sau này, thậm chí là cả trường nào ở…trung tâm. Ngọc Hà (sịnh viên năm 1, Đại học sư phạm) chia sẻ kinh nghiệm: “Phải học tốt, rồi xem sức học của mình đến đâu mới biết được là nên thi trường nào. Chứ cứ mất công chọn chọn, lựa lựa như thế, mà học hành không tốt, thi trường nào cũng…trượt hết mà thôi”.
Quả thực, thời gian đã ở giai đoạn “nước rút” rồi đấy, teen 12 ạ. Đừng sử dụng thời gian một cách phung phí như thế, kẻo sau này phải nuối tiếc, bạn nhé!
Theo MTO
Bình luận (0)