Xuất khẩu đồ gỗ trong nhiều năm qua tăng liên tục nhưng trên sân nhà, doanh nghiệp đang bị cạnh tranh quyết liệt
Trong năm nay có nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực, nhất là các hiệp định trong khu vực như Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN. Theo đó, hàng hóa trong khu vực sẽ được giảm thuế xuống 0%. Điều này sẽ tác động mạnh đến hàng hóa trong nước liệu có cạnh tranh được trên sân nhà, trong đó có đồ gỗ.
Âm thầm thâu tóm hệ thống phân phối
Được biết thị trường đồ gỗ nội địa bắt đầu khởi sắc từ năm 2009, với doanh số đạt 2,9 tỉ USD. Tuy nhiên, sau đó do suy thoái kinh tế nên giảm còn 1,9 tỉ USD/năm. Năm 2014 vừa qua, thị trường này có tăng nhưng không đáng kể, đạt khoảng 2 tỉ USD. Còn theo dự báo từ giới chuyên môn, năm nay, thị trường đồ gỗ nội địa sẽ tiếp tục tăng so với năm ngoái. Đây là thị trường tiềm năng, nhu cầu về nhà ở còn cao cũng như các công trình, dự án bất động sản đang có dấu hiệu lạc quan hơn.
Trước sức ép hội nhập, thị trường rộng mở, các tập đoàn đồ gỗ nước ngoài tràn vào Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Bằng chứng là nhiều tập đoàn đồ gỗ lớn từ các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore đã hiện diện tại Việt Nam. Khoảng 2 năm qua, các tập đoàn đồ gỗ lớn của Thái Lan đã âm thầm tìm mua các hệ thống phân phối có thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Cho đến thời điểm này, họ đã thành công trong việc thâu tóm các hệ thống phân phối trong nước. Một số doanh nghiệp (DN) đồ gỗ Singapore cũng đã sang Việt Nam đầu tư hàng chục triệu USD để đón đầu Hiệp định TPP.
Thị trường đồ gỗ nội địa còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được doanh nghiệp trong nước khai thác triệt để
Nhiều người lo ngại DN đồ gỗ không lo nổi trên sân nhà nên khó có thể đầu tư ra nước ngoài. Điều này cũng đã minh chứng một số DN Việt Nam đã sang tận Myanmar để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, họ đều thất vọng do giá đất ở đây quá cao, có nhiều chủ sở hữu. Chưa kể khó khăn về hạ tầng viễn thông. DN muốn đầu tư sang nước này phải được sự hỗ trợ từ nhà nước.
Nhập khẩu 2,2 tỉ USD nguyên liệu và sản phẩm gỗ
Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam năm 2014 đạt 6,23 tỉ USD, tăng 11,5%. Riêng sản phẩm gỗ tăng 16% so với năm trước đó. Phần lớn các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng, cụ thể thị trường Mỹ đạt 2,23 tỉ USD (tăng 11,1%), Nhật Bản đạt 952 triệu USD (tăng 15,6%), EU đạt 740 triệu USD (tăng 17,9%).
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho dù 2 tháng đầu năm 2015 rơi vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nhưng các DN cũng đã xuất khẩu 1,049 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo ông Hạnh, dự báo trong năm 2015 xuất khẩu đồ gỗ sẽ tiếp tục tăng đáng kể, cao hơn năm trước khoảng 1 tỉ USD, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,2 tỉ USD (tăng 15% so vớinăm ngoái).
Được biết trong năm qua, Việt Nam nhập khẩu hơn 2,2 tỉ USD nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ các loại. Riêng 2 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu khoảng 297 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Hạnh, do suy thoái kinh tế nên nhiều nhà máy chế biến gỗ ở châu Âu đã ngưng hoạt động. Nguồn cung cấp tại khu vực này đang gặp khó khăn, thị trường châu Âu phục hồi sẽ giúp DN Việt Nam tăng thị phần lên đáng kể. Nhiều nhà máy ở châu Âu dù vừa đầu tư máy móc hiện đại cũng phải đóng cửa. Họ đang chào bán lại thiết bị máy móc với giá khá rẻ, nếu DN trong nước tận dụng cơ hội này để đầu tư thay đổi công nghệ sẽ rất có lợi.
Cũng theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, các DN xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam chủ yếu làm hàng gia công cho nước ngoài, nên giá trị mang lại rất thấp. DN nước ngoài thường ép giá bằng cách họ mang mẫu đến một DN gỗ trong nước để đặt làm và được định giá khoảng 10 USD/sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi biết được giá thành, họ lại tiếp tục tìm đến nhiều DN khác để chào giá, cho đến khi chỉ còn 5 hoặc 6 USD họ mới chốt. Do đó, DN nước ngoài đặt hàng gia công được hưởng lợi nhiều nhất, còn DN gia công trong nước được hưởng lợi rất ít, thậm chí lỗ lã.
|
Bài và ảnh: LONG GIANG
(NLĐ)
Bình luận (0)