“Một nụ cười làm quen, hai tay đều giơ bắt. Hai nụ cười làm quen, chúng ta kết thân đi nào”. Sau màn “làm nóng” vui tươi, giáo viên chia lớp thành năm nhóm nhỏ rồi nêu câu hỏi: “Con trai, con gái khác nhau thế nào?”…
Thực tập xử lý tình huống – Ảnh: Thái Bình |
Từng nhóm túm tụm thảo luận. Chốc chốc lại nghe những tiếng cười khúc khích đầy bí hiểm.
Vui học “chuyện khó nói”
Cô hiệu trưởng Mỹ Lệ yêu cầu các nhóm vẽ phác họa cơ thể của nam và nữ, sau đó ghi vào những thay đổi khi đến tuổi dậy thì. Lại những tiếng cười khúc khích. Sau ba phút, đại diện một nhóm xung phong lên trình bày kết quả thảo luận, các nhóm còn lại chất vấn và bổ sung. Không chỉ ghi nhận, cô Lệ còn khéo léo mài giũa các ý kiến thô và đúc kết thành từng cụm sao cho dễ nhớ hơn. Một bạn nam giơ tay phát biểu: “Khi dậy thì ngực của cả nam và nữ đều phát triển, nhưng do nữ có tuyến sữa nên… lạ hơn”. Cả lớp ồ cười dù một số bạn đã đỏ mặt tía tai…
Một hình vẽ cấu tạo cơ quan sinh dục nữ được trưng ra giữa lớp. Các nhóm lần lượt cử đại diện lên nhận diện và nêu chức năng của các bộ phận. Sau khi được hướng dẫn, các nhóm lại thi nhau tính ngày có kinh, ngày trứng rụng, cách tránh thai theo vòng kinh… Ở phòng học bên, các bạn nam được cô Mỹ Lệ hướng dẫn tìm hiểu kỹ về cơ quan sinh dục nam, vệ sinh cơ thể, cách tránh thai, thủ dâm, mộng tinh… Để đào sâu kiến thức, cô động viên học trò đặt thật nhiều câu hỏi.
Chương trình “Giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho học sinh” do Tổ chức Afesip (Action for Women in Precarious Situations – Hành động vì phụ nữ có nguy cơ) thử nghiệm từ năm 2008 với 200 HS của hai trường THCS tại TP.HCM, sang năm 2009 tăng lên sáu trường với gần 1.200 HS. Tại mỗi trường. ngoài hai buổi “học chủ động”, chương trình còn tổ chức tọa đàm với cha mẹ HS. Bên cạnh đó còn có diễn đàn HS với các phần thi trắc nghiệm, giải ô chữ bí mật, diễn tiểu phẩm… nhằm giúp HS hiểu sâu sắc hơn về giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng tránh xâm hại, xây dựng tình bạn – tình yêu… |
Ở buổi học thứ hai, giáo viên không tách nam, nữ riêng. Sau trò chơi khởi động, cô Trang chính thức nêu ra một câu hỏi: “Quan hệ tình dục là gì?”. Từ những kiến thức “vòng ngoài”, các nhóm mạnh dạn phát biểu. Cô giáo bổ sung: “Nên nhớ là chỉ khi trứng được thụ tinh mới hình thành bào thai” và yêu cầu các nhóm thảo luận về hậu quả của việc quan hệ tình dục ở độ tuổi vị thành niên. Học sinh (HS) vẽ vào giấy những chiếc bong bóng có dòng chữ: học hành dở dang, có thai ngoài ý muốn, lây nhiễm bệnh tật…
Nhưng hấp dẫn nhất là phần diễn kịch các tình huống nhạy cảm trong cuộc sống: nam đề nghị nữ “ứng trước”, một bạn nam bị nhóm xúc giục đi mua dâm, người lớn đến nhà quấy rối tình dục… Vì không có kịch bản nên các “diễn viên” cứ ứng phó tình huống theo cách của mình khiến cho “vở kịch” thật sự lôi cuốn. Có bạn thoát khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng cũng có bạn “bị”… Nhưng dù thế nào, hầu như tất cả nhờ đó đã rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Ngay sau đó, HS được hướng dẫn thực hành cách thoát hiểm nếu bị tấn công, xâm hại.
Bắt đầu từ “hươu” lớp 6?
Một tuần sau những buổi học thú vị đó, chúng tôi trở lại Trường THCS Độc Lập (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để chứng kiến cuộc so tài đặc biệt giữa hai đội Chocolate Sữa và Lạc Lối. Nhóm 1 tự giới thiệu: “Chocolate là quà tặng tình yêu của bạn nam, còn sữa tượng trưng cho phái nữ”. Cái tên của nhóm 2 còn có ý nghĩa riêng: “Bọn mình muốn tự nhắc nhở nhau rằng tuổi chúng mình đẹp nhất nhưng cũng rất dễ sa ngã, lạc lối giữa dòng đời đầy cạm bẫy”.
Cùng học khối lớp 8, lại cùng được tập huấn nên cuộc tranh tài giữa hai đội diễn ra rất sôi động, so kè nhau từng điểm một qua các phần thi trắc nghiệm, giải ô chữ bí mật… Khác với vẻ lớ ngớ hôm trước, giờ đây nhiều bạn đã khá tự tin khi nói về những chuyện “nhạy cảm” như xuất tinh, thủ dâm, kinh nguyệt… Bạn Như Quỳnh, người đóng vai nhân vật nữ bị lừa tình dẫn đến có thai trong tiểu phẩm của đội Chocolate Sữa, bộc bạch: “Con gái nhẹ dạ, lại không biết cách tự bảo vệ mình thì rất nguy”.
“Học thế này rất dễ hiểu, quan trọng hơn là khá thoải mái”, bạn Bảo Khánh cho biết. Khác với dạy học kiểu truyền thống, theo lời cô Minh Trang, khi áp dụng kiểu dạy chủ động giáo viên trở thành người hỗ trợ thông qua việc tổ chức các hoạt động giúp HS khám phá tri thức. “Muốn trò thoải mái bộc lộ ý kiến thì mình cần gần gũi, lắng nghe, không áp đặt. Dạy kiểu này mệt nhưng lớp học rất vui, vui hơn nữa là học trò hiểu sâu kiến thức”, cô Trang cho biết. Còn theo cô Mỹ Lệ, mấy năm qua nhà trường luôn mời bác sĩ đến báo cáo chuyên đề về giới tính, nhưng hiệu quả chẳng được là bao. “Lần này ổn rồi, chính tôi còn mê nữa là…”, cô hiệu trưởng hào hứng.
THÁI BÌNH
“Nhà trường đã góp phần gỡ giúp một mối lo cho gia đình tôi”, một phụ huynh cho biết như thế tại buổi tọa đàm với gần 20 phụ huynh HS tham dự. Theo ông, ngày nay trẻ phát triển sớm hơn trước, lại dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin “đen” nên nếu chậm cung cấp thông tin đúng, có định hướng thì người trẻ rất dễ hư. Ông chia sẻ: “Vợ chồng tôi rất muốn dạy con chuyện này nhưng cứ thấy ngài ngại”. Tại buổi tọa đàm, một số cha mẹ cho rằng cần “vẽ đường” cho HS lớp 6, vì ngày nay nhiều bé gái khi mới lên 10 tuổi đã bắt đầu dậy thì
Theo TTO
Bình luận (0)