IELTS là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến được nhiều bạn trẻ lựa chọn để chuẩn bị du học hay để khẳng định năng lực bản thân khi xin việc. Thế nhưng, kỳ thi IELTS luôn khiến nhiều thí sinh lo ngại bởi những vấn đề… khó nói.
Theo thầy Trương Vĩnh Huy (giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng), giải pháp để loại bỏ nỗi lo lắng đó là phải làm quen và trang bị được các chiến lược thích hợp để đối phó với từng phần thi. Có 5 nỗi lo ngại mà các thí sinh thường gặp phải, đó là:
Bị nhỡ các câu trả lời trong phần thi Listening
Khi được hỏi điều gì là đáng sợ nhất khi thi Listening, đa số thí sinh đều nói rằng họ sợ nhất là bị nhỡ các câu trả lời do không theo kịp phần nghe hoặc bị mất tập trung khi nghe. Muốn làm cho “nỗi sợ” này biến mất, cách duy nhất đó là luyện tập – luyện tập nghe nhiều sẽ giúp bạn nhận ra được điểm yếu, nhận ra được dạng đề nào khó nhất, phần nào thường bị mất điểm nhất. Một khi nhận ra được điểm yếu đó, bạn phải chú ý và tập trung luyện tập nhiều hơn để cố gắng khắc phục, từ đó sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và cải thiện được tình hình.
Không có đủ thời gian
Trong các phần thi IELTS, đặc biệt là Reading và Listening, nỗi lo sợ thường xuyên của thí sinh là không đủ thời gian để hoàn thành bài thi. Cách đối phó tốt nhất với nỗi lo này đó là phải biết kiểm soát và quản lý thời gian một cách cẩn thận và hiệu quả. Thí sinh phải hoàn thành nhiều phần trong các bài thi và lưu ý một điều rất quan trọng là không bao giờ để cho một phần thi nào chiếm thời gian của các phần thi khác. Ví dụ, thông thường phần thi IELTS Reading có 3 bài văn, bạn có thể áp dụng “15-20-25 Rule” để chia thời gian cho 3 bài văn trong phần thi này theo độ khó tăng dần.
Thầy Trương Vĩnh Huy (phải) trong buổi nói chuyện về phương pháp săn học bổng ở các trường quốc tế |
Một trong các chiến lược quản lý thời gian đó là phân bố thời gian hợp lý cho các phần thi để làm bài hiệu quả. Cụ thể, bạn hãy chia thời gian ngay từ lúc bắt đầu làm bài thi và viết ra các khoảng thời gian khi bắt đầu làm các phần thi. Phải cố gắng thực hiện cho đúng các khoảng thời gian đã chia, thậm chí nếu bạn không trả lời được câu hỏi thì cũng phải tiếp tục làm các phần kế tiếp. Điều này sẽ đảm bảo rằng nếu có bỏ nhỡ vài câu hỏi thì bạn cũng sẽ trả lời được phần lớn các câu hỏi trong bài thi.
Không có ý để viết bài thi Writing
Đa số thí sinh đều rất sợ việc khi đọc đề xong nhưng không có ý để viết. Cách khắc phục hiệu quả nhất đó là đọc thật nhiều bài văn về các chủ đề khác nhau và học các ý trong các bài văn đó. Sự thật là các giám khảo IELTS không quan tâm về nguồn của các ý bạn viết trong bài thi, giám khảo chỉ quan tâm đến cách bạn trình bày bài viết của mình như thế nào.
Sợ nói sai trong phần thi Speaking
Thí sinh thường lo ngại rằng mình trình bày và diễn đạt các ý kiến hay suy nghĩ cá nhân có thể không phù hợp hay sai. Ngược lại với điều mọi người lo sợ, giám khảo IELTS không đánh giá ý kiến của thí sinh đúng hay sai. Miễn sao thí sinh trình bày không lạc đề và trình bày, diễn đạt ý kiến hay suy nghĩ của mình một cách hợp lý. Không có ý kiến hay suy nghĩ để trả lời câu hỏi mới làm cho bạn mất điểm.
Sợ… ban giám khảo
Một trong các nỗi lo của thí sinh đó là khi tiếp xúc với giám khảo. Nói chung, phần thi Speaking thường làm cho thí sinh cảm thấy không thoải mái hay hồi hộp vì có rất ít hay thậm chí không có thời gian để suy nghĩ tìm câu trả lời. Nếu giám khảo hỏi câu hỏi nhưng bạn không biết trả lời thì sao? Để khắc phục vấn đề này chỉ có một cách, đó là phải thực tập nói các chủ đề thường gặp trong phần Speaking. Thực tập nói thật nhiều sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và có khả năng trả lời bất kỳ câu hỏi nào trong kỳ thi. Có một số thí sinh cảm thấy căng thẳng khi được ghi âm. Tuy nhiên, ghi âm khi thi phần Speaking là để đánh giá công việc của giám khảo chứ không phải thí sinh. Trong trường hợp thí sinh yêu cầu chấm phúc khảo, băng ghi âm này sẽ giúp cho giám khảo chấm lại bài thi của thí sinh.
Một trong những lý do khác nữa khiến thí sinh sợ… giám khảo trong phần thi Speaking là do học thuộc lòng câu trả lời. Thông thường, bạn sẽ dự đoán trước các chủ đề có thể gặp trong phần thi Speaking, từ đó chuẩn bị trước phần Speaking của mình và học thuộc lòng. Khi vào thi nếu gặp đúng chủ đề đã chuẩn bị thì bạn trả lời bằng cách lặp lại phần đã chuẩn bị cho giám khảo nghe. Cách trả lời câu hỏi theo kiểu “trả bài” này sẽ nghe không tự nhiên. Nên nhớ các giám khảo IELTS là những người được đào tạo chuyên nghiệp cho việc chấm thi cho nên không khó để phát hiện ra câu trả lời của bạn là học “tủ” trước. Một khi giám khảo nghi ngờ hay phát hiện ra là bạn đang “trả bài”, họ sẽ có thể ngắt ngang và chuyển sang câu hỏi khác. Và dĩ nhiên khi bị ngắt ngang như vậy thì điều đó chứng tỏ câu trả lời của bạn có vấn đề. Vì vậy, thí sinh nên tránh việc học “vẹt” câu trả lời khi thi Speaking, bạn vẫn có thể chuẩn bị phần thi Speaking bằng cách suy nghĩ về các chủ đề thường hay gặp, từ đó xây dựng và trang bị vốn từ vựng về các chủ đề đó để có thể ứng phó với bất kỳ câu hỏi nào trong khi thi.
Linh Vy (ghi)
Sự thật mà có xấu cũng chẳng sao Theo thầy Trương Vĩnh Huy, nếu phải trả lời bằng một sự thật mang tính tiêu cực nhưng bạn lại có ý để diễn đạt thì vẫn tốt hơn là bịa một câu trả lời tốt đẹp nhưng lại không có ý để nói. Thực tế là, việc nói sự thật hay câu trả lời mang tính tiêu cực, cả hai đều không quan trọng. Điều quan trọng khi thi Speaking đó là bạn có ý để diễn đạt và trả lời câu hỏi hay không. Nếu trả lời câu hỏi bằng sự thật tuy mang tính tiêu cực nhưng bạn lại có ý để diễn đạt thì đó là việc nên làm, không có gì phải ngại ngùng. Ví dụ: Khi được hỏi “How do you feel about your hometown?”, nếu bạn thật sự không thích thì có thể trả lời “Actually, I don’t really like my hometown…”, sau đó trình bày lý do của mình tại sao không thích. Điều này tốt hơn là việc cứ cố gắng tạo ấn tượng tốt bằng cách bịa rằng mình thích bằng cách trả lời “I like my hometown…” rồi sau đó phải cố gắng “vật lộn” tìm ra các lý do để củng cố câu trả lời. |
Bình luận (0)