Cắt bao quy đầu ở trẻ là một thủ thuật đơn giản nhưng cũng có thể xảy ra những tai biến vô cùng nguy hiểm mà phụ huynh phải đặc biệt lưu ý.
Sai lầm chết người
Gần đây ở một số tỉnh, thành xuất hiện ca tai biến sau phẫu thuật cắt bao quy đầu ở trẻ khiến không ít phụ huynh hoang mang. Chị Vũ Hoàng Nguyên Phương (ngụ đường Hoàng Thị Hoa, Q.Tân Phú, TP.HCM) lo lắng: “Các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa nhi có đủ điều kiện, BS có tay nghề phẫu thuật hay không hay phải đến các phòng khám chuyên khoa?”.
Vì nghĩ là thủ thuật đơn giản nên một số trẻ được cha mẹ đưa đến các cơ sở y tế không đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa dẫn đến những tai họa khôn lường. Được cha mẹ đưa đến phòng khám nhi tư nhân ở địa phương cắt bao quy đầu, cháu N.T.D (xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) sau lần thăm khám trước đó. Sự việc diễn ra trơn tru nhưng sau vài giờ từ phòng khám về nhà, cháu D. có biểu hiện sốt cao, người tím tái, co giật, vết thương sưng tấy. Hoảng quá, mẹ cháu mới đưa cháu vào bệnh viện tỉnh trong tình trạng nguy kịch. BS cho biết nguyên nhân của tình trạng này là do quá trình làm thủ thuật cắt bao quy đầu cho bé không tuân thủ theo các quy trình, làm tổn thương dây thanh hãm, nguy hiểm hơn là dụng cụ tiểu phẫu không đảm bảo vô trùng.
Một ca phẫu thuật cắt bao quy đầu cho trẻ. Ảnh: T.HIỀN |
BS Nguyễn Văn Phú (Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Y khoa, TP.HCM) cho biết, sau cắt bao quy đầu, trẻ có biểu hiện sốt cao hoặc ra máu nhiều ở vết thương không phải là hiếm, nguyên nhân do phương pháp phẫu thuật có vấn đề. Dù là thủ thuật đơn giản, chỉ mất từ 15-20 phút cho một ca tiểu phẫu nhưng tốt nhất phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế có uy tín, đảm bảo điều kiện vô trùng, y BS có tay nghề để tránh tai biến có thể xảy ra. BS Phú cảnh báo: Bao quy đầu đang bị viêm nhiễm, không được điều trị dứt mà tiến hành phẫu thuật ngay thì nguy cơ xảy ra tai biến là điều khó tránh khỏi.
Khi nào cần phẫu thuật?
Theo BS Phú, hẹp bao quy đầu là hẹp sinh lý, không phải bệnh lý, càng không phải là dị tật như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến bệnh lý (như sẹo sau viêm nhiễm, sau khi nong…) mà phụ huynh cần đưa trẻ đến thăm khám để phát hiện. Hẹp bao quy đầu thường gặp ở trẻ sơ sinh, có nhiều trường hợp đã đến tuổi sinh sản nhưng bao quy đầu vẫn chưa tuột được. Ở Việt Nam, ngoài dùng thuốc bôi, nong, cắt bao quy đầu ở trẻ cũng là một phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Trong quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, phụ huynh cần quan tâm đến trẻ khi tiểu có hiện tượng căng phồng ở bao quy đầu hay bị viêm sưng đỏ thì cần đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám. Việc cắt hay không cắt bao quy đầu là quyết định của BS. Chi phí cho một ca cắt bao quy đầu khá thấp, có thể chọn phẫu thuật đau và không đau. Tuy nhiên, thời gian điều trị có thể kéo dài, chi phí thuốc men cao hay thấp là tùy thuộc vào việc tuân thủ theo chỉ dẫn của BS trong việc vệ sinh vết thương, tránh bị nhiễm trùng.
BS Phú khuyên các bà mẹ tuyệt đối không nên nghe người này, người kia đưa con mình đi nong hoặc phẫu thuật bao quy đầu quá sớm. Điều này sẽ gây đau đớn, ám ảnh trẻ mỗi lúc đi tiểu, nặng hơn là tai biến dẫn đến biến chứng cấp tính như phù nề, nhiễm trùng, tổn thương quy đầu.
Trần Anh
“Biện pháp điều trị bảo tồn an toàn, ít đau đớn đối với trẻ mà phụ huynh có thể thực hiện ngay tại nhà là: Kéo căng da quy đầu bằng tay hàng ngày (hoặc kết hợp bôi thuốc mỡ). Biện pháp này vừa tiết kiệm được tài chính, lại tránh tai biến có thể xảy ra, không ảnh hưởng tâm lý trẻ. Trường hợp cần thiết (điều trị bảo tồn không có kết quả) mới áp dụng biện pháp tiểu phẫu nong bao quy đầu hoặc phẫu phuật cắt bao vòng hẹp” – BS Phú cho biết! |
Bình luận (0)