Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Xe buýt TP.HCM: Nâng cao chất lượng phục vụ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong kế hoạch nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt trong thời gian sắp tới, Sở GTVT TP xác định sẽ tập trung vào đối tượng chiếm phần lớn trong số lượng hành khách lưu thông thường xuyên bằng xe buýt là học sinh, sinh viên.

Mong muốn từ hành khách

Sử dụng xe buýt là phương tiện duy nhất để đến trường mỗi ngày, gần 2 năm qua lưu thông trên tuyến xe 24 (Bến xe Miền Đông – Hóc Môn), em Nguyễn Thị Thương – sinh viên năm 2 Khoa May thời trang, Trường ĐH Công nghiệp (Gò Vấp) thừa nhận em rất thích thái độ phục vụ ân cần của các nhân viên và cũng công nhận rằng vệ sinh trên xe buýt khá sạch sẽ. Tuy nhiên em còn chưa hài lòng về tình trạng nhồi nhét khách vào những giờ cao điểm.

Học sinh, sinh viên sẽ là đối tượng được ưu tiên phục vụ vì chiếm số lượng lớn và lưu thông thường xuyên

Ông Sáu An, một người dân cư ngụ sát Trường ĐH Công nghiệp cho biết, ông đã từng chứng kiến cảnh một sinh viên nữ của Trường ĐH Công nghiệp khóc lóc thảng thốt vì bị móc túi trên một chuyến xe đi học do phải đứng chen chúc. Tình trạng đón khách quá tải theo phán đoán của ông An cũng là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên của trường bây giờ đi xe máy nhiều hơn. Như những năm trước đây, mỗi buổi chiều phải có đến 10 chiếc xe buýt mới chở hết sinh viên của trường này, nhưng nay chỉ còn khoảng trên 100 em đi xe buýt.

Cùng tâm trạng ngán ngẩm cảnh chật chội trên xe buýt vào những giờ cao điểm, em Đức Hoàng, sinh viên Khóa Ô tô 13 – Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, em thường đi tuyến xe số 18, tình trạng đông đúc và thời gian giãn cách không đúng hẹn cũng làm em không thấy thoải mái. Hoàng cho biết theo quy định thời gian giãn cách mỗi chuyến xe là từ 7-15 phút, nhưng có khi chờ đến 25 phút mới có xe làm em bị trễ học. Theo Hoàng, tài xế không nên đón khách quá số người quy định, thời gian giãn cách cần đảm bảo như quy định hoặc tăng chuyến xe trên những tuyến có nhiều trường ĐH, CĐ, trung học nhằm giúp cho học sinh, sinh viên không bị trễ giờ học, giờ thi và những người đi làm cũng không bị trễ giờ.

Theo đề xuất của nhân viên kế toán Bùi Cẩm Hồng (ngụ quận Thủ Đức), người có thâm niên đi xe buýt gần 20 năm, thì hệ thống xe buýt cần trang bị camera đều khắp nhằm tránh tình trạng hành khách bị sàm sỡ. Đồng thời cần khắc phục việc đón khách quá tải để vừa an toàn lưu thông vừa triệt tiêu được nạn móc túi.

Giải pháp của cơ quan chức năng

Nhằm hiểu rõ hơn những mặt hạn chế khiến người dân chưa hài lòng, qua đó đề xuất những giải pháp thu hút hành khách lưu thông bằng xe buýt, vừa qua Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (QL&ĐH VTHKCC) TP.HCM đã thực hiện một cuộc khảo sát với 963 hành khách trên xe buýt và 2.761 hành khách qua website, kết quả cho thấy có 116 trường hợp ở nhóm thứ nhất và 241 người ở nhóm còn lại không hài lòng về tính đúng giờ của xe buýt. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như tiện nghi xe buýt chưa đảm bảo, thiếu các điểm trung chuyển nên mạng lưới xe buýt không đảm bảo tính liên thông (gây trùng tuyến), văn hóa ứng xử của một số lái xe, tiếp viên và nhân viên điều hành chưa được tốt khiến người dân chưa được hài lòng…

Sở GTVT TP kỳ vọng nếu việc đưa rước học sinh, sinh viên có hiệu quả tốt, cũng đồng nghĩa với góp phần kéo giảm việc sử dụng xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông tại các cổng trường vào giờ cao điểm. Thậm chí khi không còn phải lo đưa đón con em bằng xe máy, phụ huynh cũng sẽ chọn cách lưu thông bằng xe buýt như con em mình.

Theo ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm QL&ĐH VTHKCC, trong kế hoạch khắc phục những mặt còn tồn tại, trung tâm đặc biệt lưu ý đến đề xuất nâng cao tính đúng giờ để thu hút người dân. Trước thực trạng trên, trung tâm đã đề xuất nghiên cứu xây dựng làn đường dành riêng và làn đường ưu tiên cho xe buýt (đối với tuyến đường có bề mặt rộng mặt đường phù hợp bố trí tối thiểu 3 làn xe). Theo đó, sẽ áp dụng các mô hình phù hợp với từng tuyến đường nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên và người dân.

Ông Phúc cho biết thêm, từ kết quả của cuộc khảo sát và cả những ý kiến phản ánh từ thực tế, Sở GTVT TP đã chỉ đạo trung tâm tập trung nâng cao chất lượng xe buýt trong thời gian tới. Thậm chí, kế hoạch đổi mới, cải thiện cung cách phục vụ của VTHKCC bằng xe buýt đã được thực hiện thí điểm trên 10 tuyến trọng điểm với chiến dịch “Tuyến xe buýt thân thiện, an toàn” theo tiêu chí “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ). Dự kiến chiến dịch này sẽ được triển khai ở 126 tuyến xe buýt còn lại vào năm 2016, nhằm tiến tới đổi mới toàn diện hệ thống xe buýt trên địa bàn TP.

Bài, ảnh: Bích Vân

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)